Cả nhà là thương binh

ANTĐ - Đó là 5 anh em ruột nhà họ Đào Hữu thuộc thôn Trúc Ổ, xã Mộ Đạo (Quế Võ, Bắc Ninh). Người anh cả đã bước sang tuổi 85, người em út cũng đã thất thập cổ lai hy. Chiến tranh đã lùi xa trên 3 thập kỷ nhưng cũng ngần ấy thời gian, họ phải chiến đấu với những vết thương.

5 anh em ruột nhà họ Đào đều là thương binh

Hổ phụ sinh hổ tử

Trong ngôi nhà ngói cổ đầy ắp những hoài niệm tuổi thơ, ông Đào Hữu Miên - người anh thứ 2 trong gia đình có 5 anh em ruột đều là thương binh run rẩy đốt hương trên ban thờ gia tiên tưởng nhớ người cha đã mất cách đây ngót bốn chục năm trời.

Cụ Đào Hữu Mạo thân sinh ra 5 người thương binh từng là một yếu nhân của tỉnh Bắc Ninh cũ. Từ thời tiền khởi nghĩa, cụ Mạo đã là một trong những nhân vật quan trọng trong bộ máy kháng Pháp.

Trong trí nhớ của ông Miên, người cha già là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu bất khuất. Sau này, cụ Mạo trở thành lão du kích Bạch Đầu Quân nổi tiếng ở Bắc Ninh. Giặc Pháp chỉ nghe tên cụ đã run lẩy bẩy vì người du kích ấy ngoài sự dũng cảm còn có những cách đánh tỉa “độc nhất vô nhị”.

Các con của cụ Mạo là Đào Hữu Mực, Đào Hữu Miên, Đào Hữu Hồi, Đào Hữu Nghiễn, Đào Hữu Nghị. Hổ phụ sinh hổ tử, 5 người con đều trở thành những người lính kiên cường trong chiến đấu và chiến tranh đã lấy đi của họ một phần máu thịt. 

Năm 1969, gia đình cụ Mạo đã vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng “Bảng Vàng danh dự” vì các con đều hoạt động trong quân đội.

Tiếp bước tòng quân

Người anh cả Đào Hữu Mực sinh năm 1927, hiện là thương binh hạng 4/4 tiếp bước người cha trở thành du kích quân xứ Kinh Bắc. Trước những năm 1945, ông Mực đã gia nhập lực lượng cách mạng và trở thành những mắt xích quan trọng trong đội du kích của địa phương. 

Năm 1950, trong một trận đánh cản Pháp tràn vào làng, người du kích ấy bị bắn vỡ gót chân và những chấn thương nặng trên cơ thể. Trong trí nhớ của ông Mực, đó là trận càn lớn của giặc Pháp nhằm chiếm toàn bộ tỉnh Bắc Ninh. Trong trận chống càn ấy, nhiều du kích địa phương đã anh dũng hi sinh.

Ông Đào Hữu Miên, sinh năm 1929 là người con thứ hai trong gia đình ấy, hiện là thương binh hạng 4/4. Năm 1947, ông Miên gia nhập Tiểu đoàn trinh sát 426-74 thuộc Tổng cục II. Đây là một trong những đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ theo dõi từng đường đi nước bước của địch. Trong hồi ức của ông Miên, không một chiến trường nào ông chưa đi qua và không một trận đánh lớn nào mà không có sự tham gia của tiểu đoàn trinh sát đặc biệt này.

Đào Hữu Hồi là người em thứ  3 trong gia đình, là thương binh hạng 2/4. Hôm chúng tôi đến, ông Hồi đã phải nhập viện vì các vết thương hành hạ người thương binh già. Theo ông Miên, ông Hồi bị thương rất nặng, bị gẫy hai xương bả vai, lưng và vỡ ngực vì trúng pháo của địch trong trận đánh lớn năm 1972 tại chiến trường miền Nam.

Người em thứ tư là Đào Hữu Nghiễn hiện là thương binh hạng 3/4. Ông Nghiễn trong trận đánh tiêu diệt hỏa lực địch đã bị thương vào đầu và hỏng một mắt. Thế nên, ông Nghiễn không còn nhớ được nhiều, quá khứ hiện về lúc ẩn lúc hiện vì vết thương ảnh hưởng đến trí não.

Người em út là Đào Hữu Nghị tiếp bước theo các anh vào Sư đoàn pháo binh 367. Trong trận đánh tại Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Tây cũ), người lính Đào Hữu Nghị đã bị thương nặng. 

Ông Mực - người anh cả luôn tự hào về truyền thống gia đình

Những kỉ niệm thép

Trong 5 anh em thương binh nhà họ Đào Hữu thì ông Miên là người duy nhất còn nhớ gần như tường tận các trận đánh mà mình đã trải qua.

Ông Miên cho rằng, với trinh sát phải luôn ghi nhớ “ba không” nếu lỡ bị địch bắt: Không nói, không tiết lộ, không đầu hàng. Tuy nhiệm vụ của trinh sát không phải dùng lực lượng đánh địch nhưng ông Miên cũng đã tham gia nhiều trận đánh lớn cùng đồng đội, đặc biệt trong những trận đánh dồn địch co cụm tại Điện Biên Phủ.

Năm 1950, ông Miên cùng đồng đội mở thông tuyến với Hà Nội đánh Đông Khê - Thất Khê. Năm 1954, khi đang phục kích địch tại đường 2 Phú Thọ thì ông bị thương vào đầu và người với 6 viên đạn.

Còn ông Đào Hữu Hồi thì không thể quên năm 1967 khi tạm biệt vợ và hai đứa con thơ để tái ngũ vào chiến trường. Nhờ cuốn nhật ký đã nhòa nét chữ mà bấy nhiêu kỉ niệm hiện về: “Tôi sống được cũng là điều kỳ diệu. Khi bị trúng pháo, tôi đã lịm đi rồi nằm một tuần liền trong lòng trận địa. Khi tỉnh dậy, đồng đội mình đã hi sinh quá nhiều”.

Người em út Đào Hữu Nghị cũng tự hào khi cùng đồng đội bắn rơi 47 máy bay ở Đò Nên và Hàm Bắc trong trận cầu Hàm Rồng. Trước đó, ông Nghị đã leo lên các ngọn đồi, ngọn núi quanh Hàm Rồng để nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật và có phương án tối ưu khi huy động được nhân dân địa phương nơi đây làm hàng nghìn tàu dừa ngụy trang, hiến hàng trăm cánh cửa gỗ lót ruộng đẩy pháo. 

Tất cả những vết thương chiến tranh đã khiến họ trở thành những người không lành lặn. Nhưng họ luôn lành lặn về tâm hồn về cách sống và cách nghĩ. Ông Mực đã bước sang tuổi 85: “Tuổi gần đất xa trời rồi. Nhưng còn sống ngày nào còn chiến đấu với bệnh tật, mình có tàn nhưng không phế”.

Ở thôn Trúc Ổ, ai cũng biết 5 anh em ruột nhà họ Đào sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Những vết thương đã khiến họ đôi khi không thể chiến thắng đau đớn khi trái gió trở trời: “Đã lâu lắm rồi 5 anh em tôi không tụ họp đầy đủ được, anh ra viện thì em lại vào. Chiến đấu với địch thì dễ, chiến thắng chính mình mới khó. Khó nhưng không phải không làm được và chúng tôi tiếp tục phải chiến đấu”, ông Miên cho biết.