Cộng đồng người Việt ở Nam Phi

(ANTĐ) - Bất ngờ đầu tiên khi đoàn nhà báo Việt Nam đến sân bay Johannesburg Nam Phi đã thấy 3 người Việt Nam: 1 nữ, 2 nam đứng ngay phía trong cửa làm thủ tục nhập cảnh. Ai thế nhỉ? Bởi vì các phóng viên quen cái cảnh tự đi, tự tìm hiểu, tự làm lấy mọi việc, có phải quan chức đâu mà đón rước.

Bất ngờ Nam Phi (Kỳ IV)

Cộng đồng người Việt ở Nam Phi

(ANTĐ) - Bất ngờ đầu tiên khi đoàn nhà báo Việt Nam đến sân bay Johannesburg Nam Phi đã thấy 3 người Việt Nam: 1 nữ, 2 nam đứng ngay phía trong cửa làm thủ tục nhập cảnh. Ai thế nhỉ? Bởi vì các phóng viên quen cái cảnh tự đi, tự tìm hiểu, tự làm lấy mọi việc, có phải quan chức đâu mà đón rước.

Các anh, chị có mệt không?

Đại sứ Trần Duy Thi (thứ ba từ trái sang) cùng đoàn Nhà báo Việt Nam tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Thủ đô Pretoria-Nam Phi
Đại sứ Trần Duy Thi (thứ ba từ trái sang) cùng đoàn Nhà báo Việt Nam tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Thủ đô Pretoria-Nam Phi

Đấy là câu hỏi đầu tiên của 3 người Việt chúng tôi chưa quen. Sau những cái bắt tay chặt, chị phụ nữ có đôi lúm đồng tiền và cái miệng cười tươi như hoa:

- Tôi là Mộc Anh – cán bộ sứ quán. Đại sứ ủy nhiệm tôi đón các bạn.

- Tôi là Phàn, Trưởng phân xã TTXVN tại Nam Phi. Đây là Trung, phóng viên.

Người đàn ông tầm thước, mặt đỏ hồng vì gió lạnh vừa bắt tay, vừa giới thiệu. Rồi lếu tếu vừa bê vác hành lý vừa hỏi, vừa trả lời cứ ào ào, tíu tít, mãi không lên được 2 xe ôtô.

Thực ra thì đón đoàn còn có 1 nhân viên của Bộ Ngoại giao Nam Phi đi chiếc xe 9 chỗ nhưng “quân ta” mải tay bắt mặt mừng mất một lúc mới “ổn định” và thực hiện nghi thức ngoại giao, trao danh thiếp, hỏi và trả lời sơ bộ về lịch trình.

Không cảm động sao được khi máy bay hạ cánh là 5 giờ sáng. Từ Pretoria sang Johannesburg các anh chị phải dậy từ 3 giờ, đi quãng đường 53 km để kịp đón chúng tôi. “Nghe tin đoàn sang là đi đón, ở đây ít người Việt, gặp nhau là quý rồi”, chị Mộc Anh lại cười mà nói thế. Trong gió lạnh, chúng tôi thấy ấm lòng.

Chị Mộc Anh, anh Phàn, anh Trung sau khi đưa đoàn về tận khách sạn nhận phòng, các anh chị còn dặn chúng tôi một số điều về an ninh, đổi tiền.v.v... rồi mới về.

14h chiều 3-5, Đại sứ Trần Duy Thi tiếp các nhà báo tại phòng khách Đại sứ quán – một biệt thự nhỏ có vườn, bể bơi. Bài trí trong phòng khách giản dị. Đại sứ Thi dáng nhỏ nhắn, thư sinh, phong cách chân tình. Ông trả lời rất nhiều câu hỏi ngoài báo chí của các phóng viên, trước khi chính thức trả lời trước máy ghi hình của phóng viên Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam.

- PV: Ông có thể cho biết về mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi?

- Ông Trần Duy Thi: Ngày 22-12-1993, Việt Nam và Nam Phi đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào năm 2000, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã được thành lập, và Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cũng chính thức được khai trương vào năm 2002.

Vào tháng 4-2000, Việt Nam và Nam Phi đã ký kết Hiệp định thương mại, trong đó hai quốc gia thống nhất dành cho nhau những ưu tiên cao nhất trong mối quan hệ thương mại song phương. Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi bắt đầu phát triển từ năm 2000. Tới năm 2005, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt khoảng 300 triệu USD.

- PV: Theo ông, những doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm đến lĩnh vực gì tại thị trường Nam Phi?

Cửa hàng kinh doanh kim hoàn của doanh nghiệp Tuấn
Cửa hàng kinh doanh kim hoàn của doanh nghiệp Tuấn


- Ông Trần Duy Thi: Việt Nam và Nam Phi có khoảng cách địa lý rất xa nhau. Điều trước tiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua được nỗi “sợ hãi” về sự xa xôi này đã. Thứ hai, họ không nên chỉ đến Nam Phi trong những chuyến đi tìm hiểu thị trường vẻn vẹn 1 tuần, mà cần có những chuyến đi dài cả tháng thì mới có thể hiểu biết đầy đủ về các đối tác thương mại nơi đây.

Nam Phi đã gia nhập WTO từ khá lâu rồi, do đó hệ thống pháp luật của Nam Phi rất phù hợp với các quy định của WTO cũng như các chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu cặn kẽ và nắm vững hệ thống luật pháp quốc tế khi muốn làm ăn với các quốc gia là thành viên WTO.

- PV: Ông có thể cho biết về đầu tư của Việt Nam tại Nam Phi?

- Ông Trần Duy Thi: Trên thực tế, đầu tư của Việt Nam vào Nam Phi đến thời điểm này gần như là con số không, tuy nhiên cả hai quốc gia hiện vẫn đang tích cực tìm kiếm những lĩnh vực tiềm năng của mình để thu hút các nhà đầu tư của hai bên. Một vài doanh nghiệp Nam Phi đã đầu tư tại Việt Nam như SAB Miller, Coca Cola Nam Phi.

- PV: Hiện nay có bao nhiêu người Việt Nam tại Nam Phi, thưa ông?

- Ông Trần Duy Thi: Hiện có khoảng 50 người Việt Nam tại tại Nam Phi, chủ yếu ở Johannesburg và Port Elizabeth. Họ đều là thương nhân và sinh viên.

- PV: Vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Thi: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi luôn nỗ lực xúc tiến mối quan hệ giữa hai quốc gia, đồng thời tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho Việt Nam, kiểm tra và cập nhật thông tin về Nam Phi. Đại sứ quán cũng đang chuẩn bị tổ chức các cuộc hội thảo, hội chợ, triển lãm để tăng cường giới thiệu về Việt Nam tại Hội chợ triển lãm quốc tế Expo 2007, sẽ được tổ chức tại Kimberly từ 23 đến 25-8-2007. Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã thảo luận với Công ty SASOL về việc tách dầu từ than đá tại Việt Nam và gửi chuyên gia Việt Nam tới Nam Phi để hướng dẫn về kỹ thuật trồng lúa.

Ngày thứ năm ở Pretoria, vừa do lịch làm việc quá dày, vừa do không quen ăn đồ Tây liên tục, các nhà báo có dấu hiệu oải, thì anh Phàn - Trưởng phân xã mời đến trụ sở đồng thời cũng là nơi ở của các anh. Anh Phàn rất vui vì chị Vân, vợ anh cũng vừa được sang Nam Phi ở với chồng theo chế độ. Thế là chị Vân, chị Mộc Anh đã chế biến đủ loại món ăn. Món phở bò và gà luộc bị các thực khách yêu cầu liên tục. Bữa ăn của những người đồng bào xa quê hơn 20 nghìn cây số kéo dài đến nửa đêm...

Doanh nghiệp trẻ, những người mở đường

Cộng đồng người Việt ta ở Nam Phi còn rất khiêm tốn: 50 người. Già nửa số đó: 26 người ở thành phố Pots Elizabeth. Trong đoàn nhà báo có chị Thanh, phóng viên tờ Việt Nam News của TTX, trước khi sang Nam Phi đã lên mạng liên hệ được một doanh nhân tên là Tuấn. Cứ ngỡ chơi chơi vậy thôi, ai ngờ ngay buổi đầu tiên, đoàn nhà báo đến thành phố cảng sầm uất này, đang ăn bữa tối thì thấy 4 người Việt Nam đến chào.

Người cao tuổi nhất khoảng ngoài 50 giới thiệu bằng giọng xứ Quảng: Tôi là Dược. Rồi 3 thanh niên kia lần lượt: Em là Tuấn, là Trần Anh, là Khoa. Tuấn, nhỏ nhắn, mới ngoài 30 tuổi mà già dặn, người Hà Nội sang Nam Phi chế tác kim hoàn. Trần Anh cao lớn ăn mặc rất mốt mà hiền khô, người Hải Phòng, kinh doanh đồ gỗ. Khoa, người Nghệ An nhưng nói giọng Hà Nội mau mắn và nhanh nhảu. Cả hai anh đều mới 25-26 tuổi, họ cũng kinh doanh đồ gỗ giống anh Dược nhưng sản phẩm khác nhau. Không chỉ thế, họ còn luôn đoàn kết bên nhau.

Các anh mời chúng tôi sáng hôm sau đến cửa hàng và gian chế tác kim hoàn của Tuấn. Tuấn nguyên là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhà theo nghề mẹ – bác Thuận, nghệ nhân kim hoàn cũng đã sang Nam Phi cùng con vừa chỉ bảo nghề cho mấy công nhân Việt Nam, vừa trông nom cửa hàng, mặc dù đã thuê 3 người bản địa. Theo bác Thuận, Nam Phi là đất nước của kim cương, vàng và đồ trang sức nhưng rất đắt. Mẫu mã của cửa hàng JTuấns rất lạ, giá hợp lý nên cũng trôi chảy.

Nhìn những chàng trai trẻ tự tin lập nghiệp xa quê mà lòng tôi tràn dâng niềm cảm mến. Dù cộng đồng người Việt ta còn rất ít ở nơi này nhưng các anh chính là những người đầu tiên rẽ lối gai góc mà đi, đã đi là sẽ thành đường, thành lối.

Tuệ Vinh