Bi kịch nữ công nhân có cuộc đời bất hạnh

ANTĐ - Tưởng mối tình đầu kết thúc có hậu, ai ngờ thiệp hồng gửi đi cũng là ngày Lan buộc lên đầu vành tang chồng sắp cưới. Chới với trong đau đớn, Lan đã tự đánh mất mình, để rồi lạc lối.

Mối tình đầu tưởng như không còn gì đẹp hơn

“Ngày đưa tang anh ấy, em chỉ muốn chết theo rồi quay ra hận đời, hận tất cả. Dường như cuộc đời em là như vậy, chẳng bao giờ được bình yên quá lâu, sau những quãng thanh bình ngắn ngủi là biến cố lớn...” - phạm nhân Lan bắt đầu câu chuyện như thể cô đã đúc rút được quy luật của cuộc đời mình. Trắng trẻo, nhẹ nhàng, đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác, vậy mà Lan lại vào tù vì tội cướp tài sản với mức án 18 năm tù, cô hiện đang cải tạo tại Trại giam Tân Lập, Bộ Công an. Tên đầy đủ của cô là Ngô Thị Lan, quê ở xã Quang Minh, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời gian trả án của cô đã qua được 5 năm, song quan trọng hơn cả là Lan đã hiểu được giá trị của cuộc sống, đã biết tiếc hoài tuổi xuân và hy vọng ngày trở về sẽ gặp được một người đàn ông như người đã từng yêu thương cô.

Nhắc đến người yêu cũ, đôi mắt một mí của Lan ầng ậc nước. Cô gục đầu thổn thức như thể mối tình đó vừa mới đây thôi dù chuyện đó xảy ra cách đây đã 6 năm. Lan bảo cô chưa bao giờ hạnh phúc đến thế nhưng cũng mối tình đó đã lấy đi của cô bao nhiêu nước mắt và sức lực.

Khuôn mặt nhỏ nhắn, nước da mịn màng, tuổi 18, Lan đẹp đằm thắm nên được nhiều chàng trai đánh tiếng làm quen, song cô chẳng màng tới ai bởi luôn mặc cảm mình là một cô gái luôn ốm đau, yếu ớt. Những buổi dắt trâu đi chăn, cô hay gặp một thanh niên làng bên đi làm về. Giáp mặt nhau nhưng chẳng mấy khi họ hỏi nhau lấy một lời. Nhìn anh ta sáng đi tối về, bất chợt trong lòng Lan thấy ao ước được giống người thanh niên kia. Cô thèm muốn có một việc làm, được giao du với mọi người và có một người chồng cũng làm việc ở ngoài thành phố để ngày cuối tuần đèo nhau đi chơi, thăm hai bên gia đình nội ngoại. Chỉ là những ao ước vu vơ mà theo như Lan nghĩ sẽ chẳng bao giờ có được vì trình độ văn hóa của cô chưa hết lớp 6. Những lúc chợt buồn, chợt vui tuổi thiếu nữ khiến Lan chú ý nhiều hơn tới anh trai làng bên nhiều hơn, ngày nào không nhìn thấy anh phóng xe đi làm về là cô lại thấy nhớ.

Tình yêu đến không báo trước như đặc tính vốn có của nó nên khi nhận ra mình đã thầm nhớ, thầm mong anh con trai làng bên, Lan thấy sợ hãi. Giống như bao cô thôn nữ khác, dù có muốn nhiều bao nhiêu chăng nữa, có thương thầm nhớ vụng ai, cũng không dám thú nhận lòng mình. Lan chỉ nhìn trộm từ đằng xa để rồi tối về lại luẩn quẩn với những suy nghĩ viển vông. Niềm vui chợt đến khi có người đánh tiếng ướm hỏi cô cho người con trại nọ. Lan sung sướng đến trào nước mắt bởi người yêu cô là một thanh niên hiền lành, chân chất. Họ đã có những buổi tối hẹn hò thơ mộng, những lần đưa nhau đi chơi và sau nửa năm tìm hiểu, cả hai quyết định về sống chung dưới một mái nhà. Lễ dạm hỏi được diễn ra, đơn giản nhưng trang trọng. Lan hồi hộp chờ đến ngày lên xe hoa về nhà chồng. Thiệp cưới đã in xong, nhiều đêm Lan thao thức, mừng đến không ngủ nổi vì không nghĩ số phận lại ưu ái với mình như thế.

Cô nhớ như in cái buổi chiều định mệnh ấy, cái buổi chiều đánh dấu sự chấm hết của một mối tình đầu tuyệt đẹp, chấm dứt bao hoài bão ước mơ của Lan, đẩy cô vào sự tuyệt vọng mà có lúc cô đã nghĩ tới cái chết để quên đi tất cả. Hôm đó, người yêu cô xin phép về sớm để hai người ra ủy ban xã đăng ký kết hôn. Lan diện chiếc áo đẹp nhất, hớn hở ngồi sau xe máy chồng chưa cưới, lòng rộn ràng nhưng niềm vui đã không thể trọn vẹn. Khi hai người còn cách ủy ban vài trăm mét thì bất ngờ một chiếc công nông từ trong ngõ lao ra. Chồng chưa cưới của Lan chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Chết rồi” sau đó ngã nhào ra đường. Cú va chạm mạnh làm Lan rơi bắn xuống mương nước, thoát chết trong gang tấc còn người đàn ông mà cô hết lòng yêu thương thì mãi nằm lại đó. Lan ngất đi khi nhìn thấy anh, cô không đủ can đảm bò lại gần người yêu vì quá sợ hãi. Ngày đưa anh ra nghĩa trang, Lan đội trên đầu vành khăn trắng, ngất lên ngất xuống vì đau khổ. Cô đã muốn lao theo anh để được vùi mình trong đất lạnh.

Những ngày sau đó Lan sống trong tâm trạng nửa tỉnh nửa mê. Cô đóng kín cửa buồng, giam mình trong đó, sống với những ký ức vui buồn. Đang mơn mởn xuân thì, Lan gầy sọp đi, người gầy như xác ve, mái tóc óng mượt thiếu nữ rụng vơi quá nửa. Nhìn cô tiều tụy trong đau khổ, bố me cô khóc ngấm khóc ngầm vì thương con nhưng không biết làm cách nào để lôi cô ra khỏi nỗi u sầu.

Phá đời vì hận

Nước mắt lã chã, Lan bảo chỉ đến khi tra tay vào còng số 8 cô mới như người tỉnh giấc sau một thời gian dài u mê với những khổ đau, tuyệt vọng xen lẫn hận đời. Từng có một tuổi thơ không mấy yên ả vì bệnh tật, hạnh phúc bất ngờ đến rồi lại bất ngờ vuột khỏi tầm tay đã lấy đi tất cả sức khỏe, niềm tin, để lại trong Lan chỉ còn là nỗi hận đời ngùn ngụt.

Lan sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Là con út lại sinh thiếu tháng nên Lan hay ốm đau, quặt quẹo, chẳng tháng nào là không tới bệnh viện. Thương cô từ bé luôn phải sống cùng thuốc thang, dù nghèo cha me và anh chị đều dành những gì tốt đẹp nhất cho Lan, không cho Lan mó tay vào bất cứ việc gì, thậm chí cầm cái chổi quét nhà cô cũng không động tay tới. Do luôn đau ốm nên Lan không thể tiếp tục học lên cao, chưa hết lớp 6 thì nghỉ. Trong khi các bạn tíu tít đi học thì Lan ở nhà bầu bạn với thuốc thang, cô cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, chẳng có gì để ao ước, hy vọng.

Cho đến một ngày, Lan bỗng lớn bổng lên, da dẻ nuột nà, được nhiều chàng trai tới tán tĩnh, cô mới ý thức được giá trị của mình. Lan bảo khi cô thấy kiêu hãnh về vẻ đẹp của mình thì cũng là lúc trái tim bắt đầu thổn thức trước một chàng trai hiền lành, chân chất, đã có công ăn việc làm ổn định ở xóm bên. Cuộc sống của cô thay đổi hẳn, không còn những ngày nhàm chán, rong chơi, cô thấy yêu đời hơn, sống có ý nghĩa và thấy mình không còn thừa thãi như trước nữa, thế nhưng cô chưa kịp tận hưởng giây phút hạnh phúc được làm vợ bên người mình yêu thì tai họa ập tới. Nỗi mất mát quá lớn đã khiến Lan không chịu đựng nổi, cô khuỵu ngã, trở nên tiều tụy, rơi vào trạng thái trầm cảm khiến ai nhìn thấy cũng phải ứa nước mắt.

Sợ con gái cứ mãi sống trong ủ rũ, không chết vì bệnh tật tái phát thì cũng chết vì đau buồn, bố mẹ cô khuyên Lan nên ra ngoài tìm việc nhưng cô nhất quyết không nghe vốn đã mặc cảm về sức khỏe, trình độ kém cỏi, giờ trước nỗi mất mát quá lớn, Lan không đủ tự tin để đi ra ngoài. Cô cứ quẩn quanh với những ý nghĩ u uẩn rồi cảm thấy hận cuộc đời, muốn làm một việc gì đó để tàn phá bản thân.

“Ngày bước chân ra khỏi nhà, trong đầu em chỉ có một suy nghĩ rằng sao cuộc đời lại thiếu công bằng với em như thế”, Lan trần tình về lý do tại sao muốn bứt phá khỏi sự bao bọc của bố mẹ để phá phách, chơi bời. Theo chúng bạn, Lan ra thị xã Phúc Yên làm công nhân cho một khu công nghiệp nhưng đó chỉ là lý do để cô thoát ly khỏi gia đình còn mục đích chính của cô là chơi cho thoải mái, cho tàn tạ bản thân vì còn ai đâu để mà giữ gìn, gửi gắm. Cô nhanh chóng kết bạn, giao du với những thanh niên trong vùng, tụ tập hát hò với họ. Lan bây giờ là một cô gái phóng túng, không sống khép mình như cô thôn nữ ngày nào mà đã biết ăn diện, biết uống rượu và văng ra những câu đệm túc tĩu mà ngày trước nghe thấy Lan đã thấy chối tai. Lan cảm thấy xa lạ với những bộ quần áo xuềnh xoàng, chiếc xe đạp và đồng lương công nhân mà cô từng ao ước. Cô liên tục gọi điện về nhà xin tiền bố mẹ để ném vào những cuộc nhậu nhẹt, vui chơi, thiếu thì vay mượn các bạn chứ nhất định không chịu bỏ cuộc.

Trong đầu Lan lúc ấy chỉ cốt làm sao để hưởng thụ được nhiều, biết được nhiều thú vui mà nếu có tàn đời thì cũng không hề tiếc nuối. Ngợp trong vòng quay của lối sống gấp, Lan càng thèm tiền. Cô ao ước có thật nhiều tiền để vui chơi và đôi khuyên vàng của chị hàng xóm chợt xuất hiện trong suy nghĩ của Lan khi lần về quê thăm nhà tình cờ nhìn thấy. Lan nảy ra ý định cướp của chị hàng xóm nên một buổi chiều cuối tuần về thăm nhà, cô mò sang nhà bà Phùng Thị Hồ, đánh trọng thương người phụ nữ này rồi giật lấy đôi khuyên vàng. Không kịp chào bố mẹ, Lan hối hả đón xe về khu trọ để rồi cả đêm đó mới thấy sợ hãi và ân hận bởi không ngờ mình đã làm một việc quá đà. Trong tâm trạng rối bời, Lan tìm đền cái chết. Cô dùng dao cứa vào cổ mình nhưng rất may người bạn cùng phòng phát hiện ra và dấu ấn để lại là vết sẹo dài trên má. Mấy ngày sau, Lan theo anh trai về đầu thú và với hành vi cướp tài sản, cô bị phạt 18 năm tù. Bước chân vào trại giam, lúc đó Lan mới tròn 18 tuổi.

Dường như ai cũng thế, mỗi khi gặp một biến cố lớn, có vấp váp mới tỉnh ngộ để rồi nhìn lại những việc đã qua. Lan đã có cả một khoảng thời gian dài, kéo dài gần hết tuổi xuân để suy ngẫm và hối tiếc. Cô bảo nhiều khi ngồi xâu hạt cườm, nước mắt từ đâu bỗng kéo về, làm mờ đôi mắt. Lan khóc vì thương cho mối tình đầu thì ít mà cô tiếc cho thời son trẻ của mình. Mỗi khi nhìn các bạn tù có chồng vợ, con cái vào thăm, cô cũng ao ước có được như họ và trái tim thiếu nữ của cô lại khao khát được yêu.

“Nếu cải tạo tốt, có lẽ 30 tuổi em sẽ được tha tù, không biết lúc đó còn có ai rộng lòng thương em nữa không”, Lan dè dặt thổ lộ nỗi niềm của mình. Cô bảo nhiều khi ốm đau, cô cũng thấy tuyệt vọng nhưng nhìn xung quanh, nhiều người cũng bệnh tật, gia cảnh còn khốn khó hơn, vậy mà họ vẫn hy vọng, vẫn vươn lên để sống. Cô bảo khi 30 tuổi, nhan sắc của cô chắc sẽ không còn rực rỡ nữa nhưng vẫn hy vọng tìm được một bờ vai vững chắc để dựa vào. “Với nghề đính cườm đá học được trong này, khi ra trại em sẽ làm thêm nghề may để ổn định cuộc sống, báo hiếu cha mẹ và biết đâu sẽ tìm được một người như ý”, Lan cười, đôi mắt lấp lánh hy vọng. Xem ra sau những biến cố lớn, cô đã trưởng thành lên rất nhiều, mạnh mẽ và tự tin chứ không u sầu hay tiêu cực như trước đây.