Chuyện thần ngư ở cửa biển thiêng Thái Bình (3):

Bất thành chuyện mua bán, bị thần ngư phỉ nước vào mặt

ANTĐ - Chuyện xảy ra ở sân Miếu Đỏ làm hàng trăm người dân dự lễ hội hoảng sợ. Sự thật đó khó lý giải, song cuối cùng căn nguyên sự việc đã bị bại lộ.

Khi thần ngư nổi giận

Chuyện ở làng quê thì khó mà giữ kín khi đã xảy ra. Nhất lại là việc “tày trời” thì bịt miệng quả là khó hơn lên trời xuống biển. Bao giờ cũng vậy, đã là ngư dân đi biển thì họ hiểu hơn ai hết giá trị cũng như điều may mắn mà cá heo mang lại. Thế nên họ tôn thờ như một vị thần của biển cả thì cũng là chuyện bình thường giống như đang xảy ra ở xã ven biển Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình.

Miếu thờ thần ngư di chuyển vào trong đê xã Thái Thượng mới được người dân tu bổ lại

Câu chuyện mua bán vị thần ngư đã bị bại lộ. Tất nhiên, người gạ mua cũng là người hiểu về những gì mà dân ven biển thường coi trọng. Ông Phạm Khắc Ngư là người am hiểu về biển, và cũng đã có 50 năm đi biển cho biết: “Chuyện xảy ra giữa lễ hội tháng 3 vừa qua, tôi và người dân đã “điều tra” ra căn nguyên “cơn nổi giận” của trời đất. Đó là trước khi thần ngư chầu về cống 5 cửa thuộc xã Thái Thượng đã bị một người tham lam bán đứng với giá 500 triệu đồng cho một người thuộc xã lân cận”.

“Giá đã ngã từ khi “ngài” mới về cửa biển để vào chầu chứ khi ấy chưa lụy. Người đó, sau khi bị bại lộ, chỉ dám bén mảng đến ngoài đê nhìn xuống Miếu chứ không dám đến dự lễ hội nữa” - ông Ngư quả quyết.

Ông Ngư và những người dân xã Thái Thượng biết chuyện này là vì hôm ấy, đám trẻ bắt cua trong rừng bần tại cống 5 cửa, thấy một người đàn ông trong vùng với 2 người đàn ông lạ mặt khác đã ra xem “ngài” về chầu. Bọn trẻ kể với ông Ngư rằng: “Khi người đàn ông cởi quần áo xuống cưỡi lên mình cá heo thì bị phì nước vào mặt. Quần với cá một lúc thì anh ta lên bờ nói với hai người kia điều gì đó... Bọn trẻ hỏi chú không sợ sao mà xuống nghịch cá lớn thì được người kia trả lời rằng, chú xem mũi nó ở đâu mà thôi...” Ông Ngư kể lại, trách móc: “Tai mắt người làng quê thì khó mà qua mặt được họ. Chuyện lớn như thế thì càng khó giấu lắm. Anh này còn hẹn với người khách là chờ hội tan rồi sẽ tìm cách mang đi. Nhưng may quá, người dân Thái Thượng đã kịp rước “ngài” về đền sớm hơn cuộc làm ăn phi pháp của kẻ liều mình ấy”.


Ông Ngư kể chuyện về cuộc mua bán thần ngư bị bại lộ trước khi rước "ngài" về Miếu Đỏ

Cuộc săn tìm thần ngư của những kẻ lạ mặt

Câu trả lời cho cuộc săn tìm thần ngư thật dễ dàng. Bởi đối với ngư dân, họ luôn quan niệm, việc thờ vị thần ngư là cá heo sẽ luôn mang lại may mắn. Nơi nào lưu giữ được vị thần ngư này sẽ có những chuyến ra khơi ăm ắp cá. Và hơn nữa “ngài” sẽ luôn che chở cho cuộc mưu sinh trên vùng biển mênh mông, bão tố. “Chẳng ai mong “ngài” lụy nhưng vẫn có những người săn tìm mua bán dọc ven biển này. Nhiều người biết những cửa biển nơi này “ngài” thường về chầu nên họ còn dám mặc cả trước để gạ gẫm những người nhẹ dạ lòng tham. Họ có thể trả đến cả tiền tỷ nếu ngư dân nào bắt bán cho họ...” - ông Thuyên cho biết.

Ngư dân ven biển lập miếu thờ thần ngư ở những nơi gần cửa biển

Chuyện ghi lại ở Miếu Đỏ có nhuốm mầu lạ kỳ nhưng đối với ngư dân thì đó là điều họ đã từng gặp mỗi khi đi biển. Ở mỗi cửa sông đổ ra biển, đặc biệt vùng Thái Bình, Nam Định thần ngư luôn về chầu vào những ngày đặc biệt. Gần đây trên cửa biển Trà Lý, Thái Bình cũng xuất hiện một thần ngư về chầu. Hàng trăm người dân đã dừng lại chiêm ngưỡng “ngài” nhảy múa, đùa giỡn trên mặt nước. Lạ thay, tiếng reo hò của người xem càng rền thì thần ngư càng “biểu diễn” những vũ điệu tuyệt mỹ trên cửa sông đổ ra biển... Đó cũng chính là sự thân thiện giữa loài cá có trí thông minh phát triển bậc nhất trả ơn con người hiểu và bảo vệ nó.

Người dân đổ xô chiêm ngưỡng thần ngư chầu cửa sông Trà Lý.     Ảnh internet

Trở lại câu chuyện thần kỳ ở cửa biển Miếu Đỏ. Sự trùng lặp của thiên nhiên thì khó lý giải, bởi nơi đây chính là cửa biển nhiều tôm cá đã mang lại cuộc sống ấm no cho ngư dân hàng nghìn đời qua. Họ tôn thờ vị thần ngư không phải vô cớ. Bởi chính tại cửa biển xã Thái Thượng này vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, đã có miếu thờ thần ngư. “Miếu thờ thần ngư này đã trải qua nhiều lần di chuyển bởi sự xâm thực của nước biển. Trước đây, Miếu Đỏ thờ thần ngư nằm ngoài đê biển. Bị thời gian và sóng gió tác động nên ngư dân đời trước đã chuyển vào trong đê tránh sự xâm thực của biển cả” - ông Thuyên Trưởng Ban quản lý di tích xã Thái Thượng, cho biết.

Ngàn đời qua cho đến nay, ngư dân ở bất kể vùng nào trên vùng biển của Việt Nam, họ đều tôn thờ cá heo như một vị thần của biển cả. Người già ở Thái Thụy kể lại, chính họ đã từng được cá heo cứu nguy trong nhiều lần đi biển. Và ai cũng hiểu cha ông đi trước tri ân vị thần ngư này bằng cách lập đền thờ để những đời sau ra khơi gặp may mắn, an lành.

Đón đọc bài 4: Gặp hạn vì dám xẻ thịt thần ngư