Bảo vệ đất nông nghiệp vì an ninh lương thực

(ANTĐ) - Trong khi CNH nông thôn là tất yếu, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc, diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị thu hồi trong thời gian tới. Vấn đề là ở chỗ phải có những bước đi và biện pháp thích hợp. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Minh Lộc - Phó cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT.

Bảo vệ đất nông nghiệp vì an ninh lương thực

(ANTĐ) - Trong khi CNH nông thôn là tất yếu, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc, diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị thu hồi trong thời gian tới. Vấn đề là ở chỗ phải có những bước đi và biện pháp thích hợp. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Minh Lộc - Phó cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT.

>>>Bài 1: Ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp

>>>Bài 2: Mất đất nông nghiệp và những hệ lụy

- PV: Ông nhìn nhận ra sao về thực trạng thu hồi đất nông nghiệp trong thời gian qua?

- Ông Tăng Minh Lộc: Việc thu hồi đất nông nghiệp trong thời gian qua, tập trung mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây đúng là có vẻ cấp tập.

Tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trong vòng 5 năm hơn 154.000ha, được sử dụng cho nhiều mục đích: Công nghiệp, đô thị, hạ tầng, quốc phòng, công sở... Đất cho xây dựng công sở cũng chiếm khá nhiều, chiếm 6,7% diện tích đất thu hồi, làm công nghiệp 37%, xây dựng khu đô thị 11%...

Song, tôi thấy lãng phí nhất là đất dành cho xây dựng không khoa học, vừa lãng phí cơ sở vật chất mà lại rất nhem nhuốc. Khi huyện tách ra, tỉnh tách ra..., mỗi cơ quan lại xây một khu công sở mới, bỏ vào đấy hàng trăm tỷ đồng rồi được một cái làng xập xệ, chất lượng kém.

Nhưng tại sao, người ta cứ muốn xây mà không nghĩ đến chuyện xây dựng một tòa nhà công sở tập trung, có thiết bị hiện đại? Đất dành cho công nghiệp, đô thị còn mang lại lợi nhuận chứ đất công sở, cơ quan....

- PV: Còn thực trạng, có đến 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc đất “bờ xôi, ruộng mật” ông có ý kiến ra sao?

- Ông Tăng Minh Lộc: Việc lấy đất trồng lúa, những năm vừa qua chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, đó là: Lấy vào vùng đất thuận lợi giao thông, dân cư đông đúc, dân trí cao, đất canh tác tốt, gọi chung là đất thuần thục.

Mà, muốn tạo ra một vùng đất thuần thục phải mất hàng chục năm, nếu như không muốn nói đến hàng nửa thế kỷ. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều loại đất khác mà không lấy.

Song, có thực trạng này là do, chúng ta còn “chiều” các nhà doanh nghiệp (DN), địa phương nào cũng tranh nhau tìm nhà doanh nghiệp vào đầu tư.

Nó giống như một cuộc chiến nên dẫn đến các DN muốn vào chỗ nào được chỗ đó, không có một quy hoạch cụ thể. Sau này mới có những khu công nghiệp (KCN) tập trung.

Điều này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực nông nghiệp, nguồn lực chung của đất nước. Chỉ cần lấy 1ha đất sẽ làm ảnh hưởng đến 2-3ha khác, các công trình thủy lợi bị đảo lộn, thậm chí phá hủy.

Bên cạnh đó, chất thải của khu công nghiệp làm ô nhiễm: Nguồn nước, không khí, dẫn đến ảnh hưởng lớn là không có nông nghiệp sạch.

Cần tính đến vần đề an ninh lương thực quốc gia khi thu hồi đất nông nghiệp
 Cần tính đến vần đề an ninh lương thực quốc gia khi thu hồi đất nông nghiệp

- PV: Như vậy, với đà thu hồi đất cấp tập như thời gian qua, cùng với tốc độ tăng dân số như hiện nay, vấn đề an ninh lương thực của chúng ta có được tính đến, thưa ông?

- Ông Tăng Minh Lộc: Riêng đất trồng lúa, 5 năm vừa qua giảm khoảng 7,6%. Tuy nhiên, đối với nước ta, bài toán lương thực cũng chưa có gì bị đe dọa.

Nếu, cứ với tốc độ giảm diện tích đất lúa như thời gian vừa qua cùng với tốc độ tăng dân số như hiện nay đến 2020 (mốc nước ta công bố là một nước công nghiệp) lương thực vẫn đảm bảo.

- PV: Theo ông, có phải thời gian qua, chúng ta chưa cân nhắc đúng mức tới mặt trái của quá trình CNH nông thôn?

- Ông Tăng Minh Lộc: Không có gì chỉ có lợi mà không có hại. Quá trình CNH không chỉ riêng một mình nước ta, nó là quá trình tất yếu, nó có mặt phải mặt trái.

Có lẽ, đầu tiên chúng ta cũng chưa đánh giá hết mặt trái hoặc chưa thấm nhưng trong quá trình phát triển mình lại không quản lý chặt nên “trăm hoa đua nở”. Nhưng bây giờ, khi đã được cảnh báo thì người lãnh đạo phải nhìn nhận và điều chỉnh.

- PV: Với những thực trạng như vậy, trong thời gian tới, quỹ đất nông nghiệp sẽ được sử dụng ra sao, thưa ông?

- Ông Tăng Minh Lộc: Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ phải bảo vệ đất nông nghiệp, kiên quyết giữ bằng được diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.

Quốc hội cũng có ý kiến, phải giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, kiên quyết không cho KCN vào những vùng đất này. Phát triển KCN tập trung phải đưa vào vùng đất xa, đất xấu và vùng sâu, vùng xa, tránh lấy vào đất tốt.

Từ nay, công nghiệp dứt khoát phải là khu công nghiệp tập trung, đô thị cũng vậy, phải có quy mô nhất định mới được cấp, quy mô nhỏ dứt khoát không cấp.

Mặt khác, trong thời gian tới, những nơi xây dựng KCN, đô thị... chính quyền phải có phương án giải quyết nghề cho tất cả lao động bị ảnh hưởng, phải bàn bạc rộng rãi với nhân dân, để người dân họ thấy được tương lai ra sao.

Xác định, Nhà nước sẽ thỏa thuận với dân, Nhà nước đứng ra làm trọng tài. Khu tái định cư, phải làm hạ tầng trước, để người dân đăng ký theo khả năng, mức nào phù hợp.

Đối với một số loại đất thu hồi để đầu tư vào bất động sản Nhà nước phải bóc tách, chỉ để lại một chiết khấu nhất định cho nhà đầu tư, trước khi đầu tư phải đánh giá khu đất, giá thị trường, giá đầu tư... Như vậy sẽ tránh được tình trạng đầu cơ đất.

Ngân Tuyền

(Thực hiện)