Bài 2: Mất đất nông nghiệp và những hệ lụy

(ANTĐ) - 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc đất “bờ xôi, ruộng mật” với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận tiện, cho 2 vụ lúa một năm, kéo theo, bình quân 500.000 tấn lúa đã bị mất đi mỗi năm. Bên cạnh đó, cũng chỉ trong 5 năm (2002-2007), việc thu hồi đất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu lao động. Điều này, đã và đang tạo ra những mặt trái của quá trình CNH nông thôn “vội vàng” trong thời gian qua.

Khi “bờ xôi, ruộng mật” thành khu công nghiệp:

Bài 2: Mất đất nông nghiệp và những hệ lụy

(ANTĐ) - 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc đất “bờ xôi, ruộng mật” với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận tiện, cho 2 vụ lúa một năm, kéo theo, bình quân 500.000 tấn lúa đã bị mất đi mỗi năm. Bên cạnh đó, cũng chỉ trong 5 năm (2002-2007), việc thu hồi đất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu lao động. Điều này, đã và đang tạo ra những mặt trái của quá trình CNH nông thôn “vội vàng” trong thời gian qua.

>>> Bài 1: Ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp

Sản lượng lương thực giảm

Theo con số thống kê của Bộ NN&PTNT, 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc lên tới hơn 154.000ha, điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%, và thực tế, con số này còn tăng lên nữa trong thời gian tới.

Tỉnh Bắc Ninh, năm 2000, có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 49.000ha (con số thống kê của Sở NN&PTNT Bắc Ninh), bước sang 2008, diện tích đất trồng trọt giảm chỉ còn hơn 42.000ha. Tổng sản lượng lúa trong vài năm trở lại đây của toàn tỉnh Bắc Ninh đã bị giảm, dù không nhiều (năm 2004 gần 448 nghìn tấn, năm 2006 còn hơn 434 nghìn tấn). Lý giải về  vấn đề này, ông Phạm Văn Chiến - Phó trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết: “Năng suất bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 11 tấn/ha, và năng suất này gần như đã đạt kịch trần. Do vậy, hàng năm, diện tích đất nông nghiệp giảm đáng kể để phục vụ cho công nghiệp thì kéo theo đó tổng sản lượng lúa cũng giảm”. Theo đó, sản lượng lương thực bình quân trên đầu người cũng giảm theo, đặc biệt tại một số huyện, thị có tốc độ CNH nhanh. TP Bắc Ninh năm 2000 là 125kg/người/năm, năm 2006 giảm xuống còn 78kg/người/năm. Huyện Từ Sơn, năm 2000 là 323kg/người/năm, năm 2006 còn 78kg/người/năm....

Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp
Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp

Tỉnh Hưng Yên, năm 2001, tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh gần 50.000ha, nhưng đến 2007, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn chưa đầy 46.000ha, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tập trung chủ yếu vào một số huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, thị xã Hưng Yên. Kéo theo việc mất một diện tích lớn đất nông nghiệp là xu hướng đi xuống của sản lượng lương thực trong toàn tỉnh. Theo con số thống kể của Sở NN&PTNT Hưng Yên, năm 2002, tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 530.000 tấn lúa, nhưng năm 2007 chỉ còn 491.000 tấn, tức 5 năm, tỉnh Hưng Yên đã mất đi 39.000 tấn lúa. Bình quân, một năm Hưng Yên giảm 7.800 tấn. Ông Nguyễn Văn Tâm lo lắng: “Trong 2 năm, 2006 và 2007, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng, sản lượng bình quân trong 2 năm đã lên đến 12 tấn/ha. Và, theo tôi, mức này đã lên đến kịch trần, muốn nâng năng suất lên cao hơn nữa chỉ trừ khi có sự đột phá trong cách mạng công nghệ sinh học”.

Vấn đề an ninh lương thực đã được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT vừa qua: “Sử dụng đất nông nghiệp phải thật chặt chẽ, theo đúng quy hoạch, theo nguyên tắc phải dành một phần đáng kể cho sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực”. Ông Nguyễn Văn Tâm cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc xác định quỹ đất cho nông nghiệp, tùy vào diện tích, dân số của từng tỉnh mà cho chuyển đổi một diện tích đất nông nghiệp hợp lý. Với Hưng Yên, mất hơn 4.000ha đất nông nghiệp trong vòng 5 năm là một con số đáng kể”.

Thất nghiệp và nguy cơ nghèo đói

Con số thống kê cho thấy, hiện nay trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong những năm qua đã tác động đến khoảng 950.000 lao động. Với một lượng lớn lao động như vậy, việc giải quyết việc làm gặp vô vàn khó khăn. Hầu hết các tỉnh đều thừa nhận, lượng lao động bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm tại các khu công nghiệp có thể... đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề này được ông Nguyễn Trần Tưởng - Phó trưởng phòng Nội vụ - Thương binh xã hội- UBND huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) phân tích: “Mặc dù các doanh nghiệp cũng có đăng tuyển dụng lao động, nhưng một lượng lớn lao động địa phương chỉ làm được một thời gian rồi lại bỏ. Một phần do các doanh nghiệp trả lương thấp (lao động phổ thông), một phần cũng phải kể đến một số doanh nghiệp “ma” lợi dụng sức lao động, yêu cầu người lao động thử việc 2-3 tháng với mức lương hoặc là thấp hoặc không trả lương khiến người lao động bỏ, ở nhà... còn hơn”.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến, phần lớn lao động tại khu vực nông thôn hiện nay đều rơi vào độ tuổi đã khá cao, trên 35 tuổi. Do vậy, tâm lý trồng lúa đã ăn sâu, bén rễ, chuyện học nghề để chuyển đổi chẳng khác nào... đánh đố. Hơn nữa, để học những nghề đòi hỏi nhiều chất xám thì người nông dân khó tiếp thu, còn đào tạo nghề đơn giản thì doanh nghiệp không chấp nhận. Thành thử, những trường, trung tâm dạy nghề được mở tại những vùng có diện tích thu hồi đất nông nghiệp lớn rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Nơi thì không đủ học viên vào học phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, nơi thì hầu như toàn học viên từ các tỉnh khác, nơi khác về học.

Một thực trạng đáng buồn nữa, do trình độ hạn chế, sau khi bị thu hồi đất có tới 67% nông dân vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% khác không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Mà, số nông dân bị thu hồi đất không tìm được công việc mới, quay lại làm nghề nông lại đối mặt với nỗi lo không có đất để cấy cày, rơi vào cảnh thất nghiệp... Đơn thuần, không có đất canh tác, lại không kiếm được công việc mới nên thu nhập của 37% số hộ nông dân bị thu hồi đất bị sụt giảm so với trước đây, và chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước.

Việc sử dụng tiền đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của người nông dân chưa hợp lý, chủ yếu dùng để xây nhà, mua sắm, chỉ chiếm một lượng khiêm tốn hộ dùng số tiền đó một cách thiết thực. Do đó, chuyện nhận tiền đền bù vài trăm triệu đồng nhưng chỉ sau 1-2 năm lại trở thành hộ nghèo. Không chỉ nguy cơ thất nghiệp, nghèo đói đe dọa người nông dân bị mất đất sản xuất mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chẳng hạn vấn đề an ninh nông thôn cũng bị xáo trộn đáng kể khi có một lượng lớn người thất nghiệp tại địa phương, cùng với một lượng lớn lao động từ các nơi khác đổ về....

Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ còn phải bàn dài dài khi mà hầu như tại các tỉnh đều chưa tìm được lối ra hợp lý. Tuy nhiên, với những gì chúng ta đã gặp phải trong thời gian vừa qua trên con đường CNH nông thôn sẽ là bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

Ngân Tuyền

Kỳ sau: Bảo vệ đất nông nghiệp vì an ninh lương thực