Bài 2: Cần quy hoạch khu giết mổ tập trung 

(ANTĐ) - Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở Bái Đô, chính quyền địa phương đã có những phương án nhằm khắc phục, nhưng các giải pháp đó vẫn chỉ mang tính chất tạm thời. Để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và đảm bảo vệ sinh môi trường chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan vẫn lúng túng.

Ô nhiễm từ những lò mổ:

Bài 2: Cần quy hoạch khu giết mổ tập trung 

(ANTĐ) - Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở Bái Đô, chính quyền địa phương đã có những phương án nhằm khắc phục, nhưng các giải pháp đó vẫn chỉ mang tính chất tạm thời. Để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và đảm bảo vệ sinh môi trường chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan vẫn lúng túng.

>>>Bài 1: Sống cùng ô nhiễm

Xương trâu, bò ngâm dưới mương chất thành tải gây mùi hôi thối nồng nặc cho cả xã
Xương trâu, bò ngâm dưới mương chất thành tải gây mùi hôi thối nồng nặc cho cả xã

Dân kiến nghị... chính quyền không thấu

Về làng Bái Đô vào một buổi chiều, mới đặt chân tới đầu làng đã thấy mùi khó chịu bốc lên từ các kênh mương. Người dân khu vực này cho biết: “Thời tiết thế này còn đỡ, những ngày trời nắng nóng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các kênh mương, ngồi ăn cơm không thể nuốt nổi”.

Theo anh Vương Văn Giá, xương bò trước khi bán cho các công ty làm thức ăn chăn nuôi gia súc phải được bóc sạch thịt. Vì số lượng quá nhiều, các hộ thường cho vào các bao tải, rồi thả xuống ao hoặc kênh, mương, sau nửa tháng đến 1 tháng thịt rã ra rồi vớt xương lên đem bán. Chính vì vậy trong quá trình ngâm xương mùi bốc lên từ các bao tải rất đáng sợ.

Nhiều người dân ở Bái Đô lo lắng: Việc nước thải từ các lò giết mổ trâu bò tồn đọng lâu ngày, liệu có ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay không? Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Kỳ - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2006, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ) đã về lấy mẫu nước xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước ngầm ở Bái Đô cũng bị ảnh hưởng và không đủ tiêu chuẩn để sử dụng. Chính vì vậy các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này. Sau đó các hộ dân đã tự đầu tư xây bể lọc để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt. Ông Đỗ Hữu Long - Chủ tịch UBND xã thừa nhận: “Việc ô nhiễm ở Bái Đô có nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh cho sau này.

Khi tình trạng ô nhiễm môi trường ở Bái Đô ngày càng nghiêm trọng, người dân đã có kiến nghị nhiều lần với UBND xã và  huyện về việc quy hoạch một khu giết mổ tập trung. Nhưng người dân chỉ nhận được câu trả lời là chờ quy hoạch, trong khi người dân vẫn phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với ô nhiễm.

Trâu bò chỉ được rửa qua trước khi giết mổ
Trâu bò chỉ được rửa qua trước khi giết mổ

Dự án… trên giấy!

Trong các cuộc họp cử tri, năm nào người dân cũng đề nghị UBND xã và huyện nên quy hoạch một khu giết mổ tập trung để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng cho tới nay, đã 9 lần họp cử tri nhưng các cấp và người dân vẫn không thống nhất được phương án quy hoạch. Nhiều người dân bức xúc: “Trước đây đã có rất nhiều đoàn về khảo sát rồi lập dự án tìm phương án khắc phục, cải tạo tình trạng ô nhiễm. Nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, dân kiến nghị mãi... vẫn thế”.

Ông Đỗ Hữu Long - Chủ tịch UBND xã Tri Thủy cho biết: Năm nào UBND xã cũng báo cáo huyện về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Bái Đô được chính quyền địa phương quan tâm, thậm chí đã đưa vào Nghị quyết HĐND xã từ năm 2005, đề nghị với UBND huyện sớm cho quy hoạch khu giết mổ gia súc tập trung. Thế nhưng qua nhiều lần họp và tiếp xúc với người dân, đến nay UBND xã và huyện Phú Xuyên vẫn chưa thống nhất được việc đền bù giải phóng mặt bằng và kinh phí xây dựng khu giết mổ tập trung.

Trong khi cả cán bộ xã và người dân đều ý thức được sự ô nhiễm môi trường ở Bái Đô là rất nghiêm trọng, nhưng hiện tại cả làng sống bằng nghề giết mổ trâu bò, nên lợi ích trước mắt người dân đang thấy nhiều hơn cái hại, dẫn đến các cấp chính quyền làm theo kiểu nửa vời, còn ý kiến của người dân thì cho rằng: Có khu giết mổ tập trung thì tốt, không có thì cả làng chịu chung cảnh ô nhiễm.

Ông Nguyễn Phú Kỳ - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2006 UBND xã cùng với UBND huyện Phú Xuyên lập dự án quy hoạch khu giết mổ tập trung với diện tích hơn 3ha, số vốn đầu tư là 36 tỷ đồng. Nguồn kinh phí để xây dựng cho khu giết mổ tập trung dân sẽ đóng 70%, UBND huyện và xã hỗ trợ 30%. Nhưng khi họp cử tri để lấy ý kiến thì nhân dân không đồng tình vì số vốn quá lớn, người dân không thể gánh vác được.

Ông Đỗ Hữu Long - Chủ tịch UBND xã Tri Thủy cho biết thêm: “Mặc dù đã có kiến nghị nhiều lần với huyện nhưng từ năm 2006 đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bản quy hoạch chi tiết về khu giết mổ ở Bái Đô”. Trong khi chờ các cấp, các ngành phê duyệt dự án khu giết mổ tập trung thì người dân nơi đây vẫn phải sống chung với cảnh ô nhiễm và nguy cơ phát sinh mầm bệnh.

Minh Quân - Lê Quân