Tháng tư nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc

Bài 1: Những người giữ biển ở Lý Sơn

ANTĐ -Dù liên tiếp bị tàu nước ngoài tấn công, cướp cá, cắt neo, thu lưới, phá tàu, giữ người..., ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn không hề nao núng. Giống như cha ông xưa từng quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở quần đảo Hoàng Sa dù có phải “một đi không trở lại”, ngư dân Lý Sơn hôm nay đang từng ngày bám biển sản xuất, không lùi bước trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Bài 1: Những người  giữ biển  ở Lý Sơn ảnh 1

Sự lạc quan thể hiện trên gương mặt ngư dân Lý Sơn

Không bao giờ khuất phục

Vài năm trở lại đây, tàu Lý Sơn ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thường xuyên bị tàu nước ngoài bắt giam người đòi tiền chuộc hoặc giữ tàu, cướp ngư cụ. Tình trạng này ngày càng gia tăng, riêng trong năm 2014, đã có 19 trường hợp tàu/20 phương tiện/242 ngư dân của ta bị tàu nước ngoài xua đuổi, ngăn cản, đập phá, lấy tài sản, ước tổng thiệt hại trên 2,8 tỷ đồng.

Chưa hết, hoạt động ngoài khơi, ngư dân Lý Sơn còn luôn phải đối mặt với bão tố, rủi ro. Trong năm 2014, Lý Sơn đã xảy ra 22 trường hợp tai nạn trên biển, hậu quả chết 8 người, bị thương 8 người, chìm 3 phương tiện, cháy 1 phương tiện, hỏng 18 phương tiện.

Thế nhưng, muôn vàn khó khăn ấy không thể lay chuyển được quyết tâm bám biển của ngư dân.Lão ngư dân Bùi Cử, 65 tuổi, người từng nhiều lần bị tàu nước ngoài tấn công kể: “Không riêng gì gia đình tôi, rất nhiều bà con đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi ra khỏi ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Bản thân tôi đã bị bắt 2 lần, còn việc bị chèn ép thì không thể nhớ xuể. Mỗi lần như thế, tàu của gia đình có thể bị phá, bị lấy hết ngư cụ, bị chặt dây neo… Lần thiệt hại nặng nhất, gia đình tôi mất khoảng 200 triệu đồng. Mỗi khi bị tàu Trung Quốc đâm va gây thiệt hại, chúng tôi đều làm đơn, xin xác nhận của Bộ đội biên phòng và cũng được hỗ trợ tiền, lần nhiều nhất được 30 triệu đồng. Nhờ đó lại có thể tiếp tục ra khơi”. 

Dù luôn bị đe dọa, phải đối mặt với sự ngang ngược của tàu Trung Quốc, ngư dân ta không bao giờ run sợ, vẫn quyết tâm bám biển sản xuất. “Nó” đuổi thì mình tránh, “nó” không đuổi nữa thì quay lại đánh cá tiếp. Chúng tôi không sợ vì đây là biển của mình...” – lão ngư dân tâm sự. Rất yêu nghề, đêm ngày nhớ biển nhưng vì tuổi cao, ông Cử không thể ra khơi được nữa.

Kế nghiệp gia đình, con trai ông là Bùi Trải, 44 tuổi, đang làm thuyền viên trên tàu Dương Thuấn, chuyên đi đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa.

“Tôi già rồi, không đi biển được nữa nên giờ chỉ động viên con cháu vững tâm, mạnh dạn vay vốn đóng tàu để vươn khơi. Chúng nó giờ giỏi nghề hơn thế hệ trước nên tôi chỉ nhắn nhủ con là đừng bao giờ sợ hãi điều gì. Trung Quốc không thể làm gì mình được. Đó là biển của mình, từ đời ông cha mấy trăm năm trước, ta vẫn đi biển ở đó. Mình chỉ cần làm được như cha ông đã làm thôi...” – ông Bùi Cử nói.

Bài 1: Những người  giữ biển  ở Lý Sơn ảnh 2

Những đoàn tàu Lý Sơn cập bến sau hải trình dài trên biển

Biển của mình, mình phải giữ

Trên đường được chuyển tới bệnh viện cấp cứu do bị trọng thương khi chiếc tàu QNg96011 TS bị tàu không rõ quốc tịch đâm va trong đêm 16-4 trên vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Phạm Quốc Dũng (43 tuổi, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) vẫn không hề nao núng.

 Gặp chúng tôi trên tàu từ Lý Sơn vào đất liền, dù đã phải chịu những cơn đau khủng khiếp trong gần 36 giờ - nghi dập bàng quang - nét mặt ngư dân Phạm Quốc Dũng vẫn bình thản khi chúng tôi hỏi: “Nếu lành bệnh, anh có dám quay ra Hoàng Sa làm việc nữa không?”. Nén cơn đau quặn nơi thắt lưng, anh đáp gọn: “Biển của mình, ngư trường truyền thống của mình, chúng tôi không ra đó thì còn ai ra nữa. Nhà mình, mình phải giữ, dù có khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh, người Lý Sơn chúng tôi cũng không chịu khuất phục. Cha ông mấy trăm năm trước đã vậy, con cháu chúng tôi cũng sẽ luôn như thế...”. 

Đó cũng là tâm thế của những người bạn ngư dân cùng đi trên tàu QNg96011 TS và người nhà đi theo chăm sóc anh Dũng. Ánh mắt của họ cho thấy tinh thần sống chết bám biển, quyết không lùi bước trước bất kỳ sự đe dọa hay hành động vũ lực nào. Đó không chỉ vì miếng cơm manh áo, bởi nếu thế họ đã tới một ngư trường bình yên hơn để đánh bắt. Ánh mắt ấy là của những người lính Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa mỗi lần ra khơi để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Họ sẵn sàng đối diện mọi hiểm nguy, kể cả “người đi thì có mà không thấy về” để làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.Hiện nay, toàn huyện Lý Sơn có khoảng 420 tàu thuyền. Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân Lý Sơn mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ đóng tàu  lớn, sắm ngư cụ hiện đại hơn để vươn khơi, bám biển.

Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông Nguyễn Tài Luân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền, quyền chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc, nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

“Ngư dân ta rất kiên cường. Họ có quyết tâm rất lớn để bám biển. Ngoài hỗ trợ của Trung ương, chúng tôi đã nỗ lực làm tốt chính sách hậu phương với ngư dân và hình thành những nghiệp đoàn nghề cá để ngư dân kịp thời hỗ trợ nhau khi có bất cứ chuyện gì xảy ra trên biển” – ông Nguyễn Tài Luân nói.

Hiện nay, dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu (Nghị định 67/2014/NĐ-CP) nhưng số trường hợp được vay ở Lý Sơn chưa nhiều. Tới cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi mới phê duyệt 5 trường hợp tàu vỏ thép, với công suất từ 500-1.900CV. Hiện nay, huyện Lý Sơn đang trình tỉnh phê duyệt thêm 15 chiếc, với công suất 400CV trở lên.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi thăm hỏi 
và trao số tiền của đoàn công tác ủng hộ ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa

Thực hiện chương trình công tác năm 2015, từ ngày 14 tới 19-4, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và đại diện hơn 30 cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội do Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi làm trưởng đoàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Sau khi làm lễ chào cờ tại cột cờ Lý Sơn nằm trên đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải), đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà trường Tiểu học số 2 An Vĩnh, xã An Vĩnh. Tiếp đó, đoàn đã tới đình An Vĩnh, xã An Vĩnh tìm hiểu về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và thăm Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nơi trưng bày những hiện vật, sử liệu khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã tới thăm Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm;  viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Phẩm (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn)...