Ám ảnh những cái chết ở làng đá

ANTĐ -Làng Pháp Cổ (xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá vôi chênh vênh, nham nhở. Những chiếc xe chở đá ngất ngưởng nối đuôi nhau trên con đường mù mịt bụi, thi thoảng là những tiếng nổ long trời, cả làng lúc nào cũng như một đại công trường. Từ ngày có nghề khai thác đá, làng thuần nông vùng sâu vùng xa này mọc lên ngày càng nhiều những ngôi nhà cao tầng, nhưng trả giá cho nó không chỉ là mất đi khoảng xanh ngút mắt, là ô nhiễm môi trường nặng nề, mà còn là cả những sinh mạng thanh niên trụ cột gia đình. Dù những câu chuyện buồn đã lùi xa, nhưng khi nhắc lại vẫn trở thành nỗi ám ảnh của những người dân ở đây.

 “Sáng đi, chiều chắc đã về”

Đến xã Lại Xuân, đi khắp các mỏ đá thuộc khu vực Thung Doãn, núi Hàn, núi Vang, núi Đá Rang, núi Trượt, núi Trại Sơn… đâu đâu cũng nghe tiếng ầm ào máy khoan, tiếng ôtô, máy xúc, máy đào, máy nghiền xay đá. Những con đường gập ghềnh “ổ voi” oằn mình vì những chiếc xe tải ngất ngưởng chở đá rầm rầm lao đi, bụi bay mù mịt. Trên những vách đá cheo leo, những bóng người nhỏ tí xíu. Thi thoảng lại nghe thấy tiếng nổ “rầm” long trời lở đất. 

 Những năm gần đây, khi các mỏ đá được giao cho các doanh nghiệp, vấn đề an toàn lao động trong khai thác đá đã được thắt chặt, máy móc đã thay thế dần sức lao động con người, nhưng với những gia đình sống nhờ vào nghề đá thì nỗi lo vẫn thường trực. Chẳng hạn như hồi năm 2012, người dân xã Lại Xuân vẫn còn ám ảnh bởi tai nạn hy hữu cướp đi sinh mạng của 9 lao động trong xã.

Hôm ấy giữa một buổi sáng trời nắng chang chang, 10 công nhân đang khoan đá, nhồi thuốc ở mỏ đá Trại Sơn B (thuộc làng Pháp Cổ), bỗng trời nổi cơn giông, sấm chớp ầm ầm, những công nhân chỉ kịp chạy vài bước chân thì một tiếng sét chát chúa giáng xuống mỏ đá, kích nổ những quả mìn. Trong phút chốc, hàng tấn đất đá đổ sập xuống, vùi lấp cả 10 công nhân, 6 người trong số đó đã bỏ mạng vì tai nạn này. Ngay trong ngày hôm ấy, cũng ở mỏ đá này, một vụ sạt lở khác lại cướp đi sinh mạng 3 người đàn ông khác.

Thế là 9 xác người được khiêng đi trong 1 ngày. Sự việc đau buồn xảy ra chưa lâu thì ở mỏ đá ngay sát đó lại xảy ra tai nạn thương tâm. Một ngày tháng 8-2014, tại mỏ đá Trại Sơn A (xã An Sơn, Thủy Nguyên), tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở kéo theo sinh mạng của 5 công nhân làm đá. 

Pháp Cổ là một làng vốn nghèo khó, từ ngày có nghề khai thác đá nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định hơn. Với công nhân mỏ đá giờ đây, mỗi ngày làm việc 9 tiếng đồng hồ, thu nhập cũng dăm bảy trăm nghìn đồng, nhưng không phải ai cũng dám làm, vì bỏ mạng như chơi. Bà Đào Thị Sen đã ngoài 80 tuổi, là người dân làng Pháp Cổ vẫn không khỏi rùng mình nhắc đi nhắc lại cái từ “hãi thật” khi nói về nghề làm đá.

Bà bảo sống đến chừng này tuổi, bà vẫn “hãi” nghề này lắm, thế nên con trai, con rể bà có lần cũng bảo xin đi làm đá, nhưng bà cản, không cho đi. “Làng này người dân sống bằng nghề đá, giàu về nghề đá, nhưng tôi thì nhất quyết không cho chúng nó đi. Ông nhà tôi cũng chết hụt một lần ở mỏ đá, thế nên tôi bảo chúng nó cứ làm cái nghề gì ít tiền cũng được, chứ không đi làm đá, tôi hãi lắm, sáng đi chắc tối đã về. Từ cái đận chết 9 người ấy, giờ cũng an toàn hơn rồi, nhưng cái không may thì nghề này không ai biết trước được”.

Nói về tai nạn của nghề đá, bà Bùi Thị Lương (trưởng thôn 5, làng Pháp Cổ) cho biết, riêng cái thôn 5 của bà cũng có đâu gần chục người chết vì nghề đá. Phụ nữ góa bụa nhiều lắm, lớp trước khổ vô cùng, giờ con cái họ cũng trưởng thành rồi nên cũng đỡ khổ hơn. Sau những tai nạn thương tâm, các công ty cũng mở nhiều lớp tập huấn cho công nhân lao động, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho công nhân nên vài năm trở lại đây ít xảy ra tai nạn, chứ trước đây thì có mấy năm không có vài người bị đá đè chết.

Những ban thờ ám ảnh

Đến những ngôi nhà ở làng Pháp Cổ, dễ dàng bắt gặp trên ban thờ những di ảnh của những người đàn ông còn rất trẻ.  “Nhiều lắm, như nhà bà cụ Khiếu (bà Phú) có đến 3 người con trai cùng bị chết vì đá, rồi nhà Được - Bé, Vui - Hùng, Anh - Út… tất cả đều có chồng chết vì nghề đá” - một người dân thôn 5, làng Pháp Cổ khoát tay một vòng điểm danh cho chúng tôi. 

Ám ảnh những cái chết ở làng đá ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Út xóm 5 làng Pháp Cổ, chồng chị là một trong những người bị thương vong trong vụ tai nạn đá do sét đánh hồi năm 2012, khi đó chị đã có 2 đứa con, và đang mang thai đứa con thứ 3. Vợ chồng lấy nhau, sinh con đẻ cái rồi vay mượn xây được cái nhà nghĩ đi làm rồi trả nợ dần, không ngờ mới đi làm được ít lâu thì chồng chị bị tai nạn mất. Tiền công ty đền bù được hơn trăm triệu, chị đem trả nợ vẫn chưa đủ. Giờ 3 đứa con, chị phải gửi ông nội trông giúp 2 đứa để đi làm trang trải cuộc sống.

Khổ nhất có lẽ là gia đình cụ Nguyễn Thị P. Năm nay đã 94 tuổi, cụ lẩn thẩn một phần vì tuổi cao, một phần cũng vì phải liên tiếp gánh chịu những nỗi đau khi chồng và con phải bỏ mạng vì những tai nạn bất đắc kỳ tử. Chồng cụ chết trong một tai nạn cháy, để lại cho cụ 8 người con trai, 5 trong số đó làm nghề khai thác đó. Và lần lượt 3 trong số những người con đó của cụ bỏ mạng trên những sườn núi cheo leo như thế, 3 người con dâu của cụ phải chịu cảnh góa bụa nuôi con. Bi kịch không chỉ dừng lại ở đó, một người con dâu của bà vì không chịu nổi cú sốc nên ngay sau đó đâm ra phát bệnh thần kinh đến tận bây giờ vẫn chưa khỏi hẳn; một người khác thì con cái đứa nghiện ngập, đi tù, người con còn lại cũng đang theo nghề đá… 

Ông Bùi Văn T, con trai cụ P hiện cũng đang làm việc tại một mỏ đá gần nhà, khi nhắc đến cái nghề của mình, ông không khỏi thở dài trĩu nặng: “Nhiều người cũng bảo là nhà đã 3 người chết vì cái nghề này rồi thì thôi bỏ nghề đi, nhưng bỏ nghề giờ biết làm gì ra tiền. Tôi đi làm đá từ năm 18 tuổi, trước dân làng làm tự phát, cứ đào từ chân núi lên, miễn sao có sản phẩm bán là được, nên nguy hiểm lắm, chả năm nào không có người chết. Giờ các công ty vào làm thì họ làm từ trên xuống, rồi họ tập huấn, trang bị đồ bảo hộ, nhưng số phận chẳng biết thế nào, cẩn thận rồi cũng vẫn lo lắm. Như tai nạn sét đánh hồi mấy năm trước, cẩn thận mấy thì cũng khó mà tránh được”.

Cũng ở thôn 5, bà Ngô Thị T cũng mất đi người chồng khi mới 31 tuổi, một mình bà nuôi 6 đứa con. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi người con trai út của bà theo nghề cha cũng bị tai nạn cướp đi sinh mạng khi mới 32 tuổi. Hay như bà Nguyễn Thị L ở thôn 7 làng Pháp Cổ, chồng mất khi mới 22 tuổi khi bà chưa kịp sinh đứa con, bà ở góa bụa vậy cho đến tận bây giờ. Bà Bùi Thị Ch, chồng bị đá đè chết để lại 3 đứa con, mới đây người con trai út lại cũng bị tai nạn què một chân, bà thì giờ vẫn phải đến các mỏ đá làm nghề nhặt đá thuê cho người ta. 

Siết chặt quản lý an toàn lao động tại các mỏ đá

Huyện Thủy Nguyên là địa phương có nhiều mỏ khai thác đá lớn nhất của Hải Phòng với trữ lượng tới 380 triệu mét khối, phân bố ở 112 điểm núi trên địa bàn các xã Lại Xuân, Minh Tân, Lưu Kỳ, Liên Khê... Trong các điểm khai thác đá, thì xã Lại Xuân có trữ lượng đá lớn nhất và khai thác đá là nghề kiếm sống của hơn 3.000 người ở xã này. Theo ông Chu Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, nghề khai thác đá của người dân Lại Xuân có từ rất lâu đời. “Trước đây người dân khai thác tự phát nên tai nạn rất nhiều, bản thân tôi xưa cũng làm nghề khai thác đá. Nghề thì vất vả, nguy hiểm nhưng bù lại thu nhập cao nên vẫn rất nhiều người chấp nhận làm”. 

Cũng theo ông Hinh, những năm gần đây, vấn đề an toàn lao động trong khai thác đá ở địa phương đã được thắt chặt. Theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu “cắt tầng, phân lớp”, nghĩa là phải làm từ trên đỉnh xuống dần đến chân núi. Mỗi tầng khai thác phải bạt rộng ra, bóc hết lớp đá này mới đến lớp khác.

“Trước đây có hàng chục doanh nghiệp tham gia vào việc khai thác đá, vấn đề an toàn lao động rất lỏng lẻo, nhưng sau những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gần đây, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc chấn chỉnh việc khai thác đá. Hiện nay, trên địa bàn của xã chỉ có 3 đơn vị được cấp phép khai thác đá. Mỗi năm có đến 3-4 đoàn về kiểm tra tất cả các máng, mỏ nên vấn đề an toàn lao động đã được chấn chỉnh rất nhiều. Các doanh nghiệp thường xuyên phải tổ chức các đợt tập huấn cho công nhân”.

Ông Hinh cũng cho biết, chính địa phương chỉ quản lý về mặt Nhà nước, còn việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn thì thuộc các cơ quan cấp trên. Hiện ngoài người dân địa phương thì lao động tại các mỏ đá phần nhiều là dân tứ xứ, sáng họ đến làm, tối lại về nên nhiều doanh nghiệp cũng không báo cáo với chính quyền. 

Những núi đá rồi cũng sẽ khai thác hết, người dân Pháp Cổ sẽ không còn đeo bám được cái nghề này nữa, chẳng biết nên vui, hay buồn cho người dân nơi đây.