2 anh em mồ côi và hành trình buồn tìm lại cội nguồn

ANTĐ - Hai anh em ruột Dương Văn Bảo (SN 1989) và Dương Văn Báu (SN 1991) đã gắn bó và coi Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 TP Hà Nội là ngôi nhà bình yên của mình trong một quãng thời gian rất dài. Nương tựa vào nhau, cùng lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm, thế nhưng nỗi nhớ khôn nguôi về nguồn cội cứ thôi thúc 2 anh em Bảo, Báu phải đi tìm bằng được quê hương, người thân ruột thịt của mình. Và rồi bao công lao cũng được đền bù khi 2 anh em đã tìm được những người thân thiết duy nhất còn lại trong gia đình. Nhưng cũng chính tại đây, giây phút đoàn tụ lại trở thành một kết thúc buồn của 2 anh em mồ côi. 
2 anh em mồ côi và hành trình buồn tìm lại cội nguồn ảnh 1

Ký ức nhặt nhạnh của người anh 

Người anh cả Dương Văn Bảo (SN 1989) vẫn còn nhớ một cách vụn vặt những ngày đầu tiên được bà ngoại đưa vào Trung tâm: “Năm đó, em mới chỉ khoảng hơn 4 tuổi thôi vậy nên những ký ức về tuổi thơ không còn rõ lắm. Mà có lẽ cũng không nên nhớ lại có khi cuộc sống lại bớt đi những nỗi buồn. Em chỉ nhớ là bà ngoại gửi 2 anh em vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội vào một ngày mùa đông, trời lạnh cắt da cắt thịt. Bà một tay bế em Báu một tay dắt em đi bộ theo sau. Em có hỏi là mình đi đâu đấy thì mắt bà đỏ hoe trả lời là đưa 2 anh em con đi tìm bố mẹ. Thấy bà nói vậy em vui lắm nên ngoan ngoãn theo sau, luôn miệng hỏi những câu hỏi liên quan đến mẹ, đặc biệt là bố. Người mà từ khi sinh ra em chưa từng một lần được thấy mặt. Vì lúc đó còn nhỏ quá em đâu biết những câu hỏi của mình đã khiến bà khóc suốt dọc đường nhưng bà đã cố che giấu đi. Bây giờ, lớn rồi bà ngoại đã mất nên em thấy thương bà lắm…”.

Ngày đầu, được bà ngoại đưa vào Trung tâm 2 anh em Bảo, Báu tỏ ra rất vui vì ở đây có nhiều bạn để chơi cùng. Niềm vui nhanh chóng tràn ngập tâm hồn con trẻ nên Bảo cũng chẳng còn nhớ là mình vào đây để làm gì nữa, cũng không hỏi bà là mẹ đâu nữa. Mải vui đùa đến khi chiều tối, 2 cậu bé mới thấy nhớ bà nên vội gào khóc đòi bà bế. Nhưng khi quay ra chẳng còn nhìn thấy người bà thân thương đâu nữa, người ta nói với Bảo rằng bà đã đi rồi, có để lại cho 2 anh em một ít quần áo cùng một số giấy tờ ghi địa chỉ nơi mình sinh ra. Từ đây, 2 anh em Bảo, Báu chính thức ở lại với Trung tâm Bảo trợ xã hội. Và Bảo cũng đâu biết rằng đó là lần cuối cùng Bảo được gặp bà ngoại thân yêu của mình; và đó cũng là những ký ức duy nhất về gia đình còn lưu lại trong trí nhớ của Bảo.

Khoảng trống của người em 

Còn đối với người em trai Dương Văn Báu (SN 1991) thì những ký ức tuổi thơ hoàn toàn là một khoảng không trống rỗng. Vì khi đó, Báu mới chỉ là một cậu bé 1 tuổi đến cho ăn còn phải dỗ dành nói gì đến chuyện biết suy nghĩ về gia đình, tương lai. Sau này nghe anh trai kể lại, Báu mới biết khi mình 1 tuổi cũng là lúc người mẹ bỏ lại hai đứa con thơ để tìm hạnh phúc mới. Hai anh em Báu được bà ngoại đón về nuôi dưỡng nhưng vì bà tuổi đã già, sức yếu nên lo cho bản thân đã khó nay có thêm 2 cháu nhỏ cuộc sống càng trở lên cơ cực. Lo sợ, mình tuổi cao chẳng may “trái gió, trở trời” ngã bệnh sẽ không ai chăm sóc các cháu nên bà đã quyết định gửi 2 anh em Bảo, Báu vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Với mong muốn các cháu sau khi khôn lớn sẽ tìm về quê hương, tìm về với tổ tiên nên trước khi ra về bà ngoại không quên ghi lại địa chỉ rồi gói vào trong túi quần áo của 2 anh em.

Trong những ký ức buồn về tuổi thơ của 2 anh em Bảo và Báu có một điểm chung mà đến nay họ vẫn cảm thấy bứt dứt đó là chưa một lần được nhìn thấy mặt cha. Mà chỉ nghe nói rằng cha mình là một người sống nay đây mai đó, cũng đã nhẫn tâm bỏ rơi ba mẹ con Bảo để theo một người phụ nữ khác. Mỗi lần nhắc đến cha, mẹ là gương mặt của 2 anh em lại trở lên trầm lắng, ẩn hiện đâu đó một nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn. Họ không nói là hận những người đã sinh ra mình, nhưng họ cũng chẳng muốn nhớ đến những người đã nhẫn tâm bỏ rơi 2 sinh linh bé nhỏ giữa dòng đời đầy, gian truân, cám dỗ… Thời gian vẫn cứ trôi dù cuộc sống có khó khăn vất vả đến đâu đi nữa; cùng với đó con người cũng lớn khôn, khi hiểu biết hơn 2 anh em Bảo và Báu đã quyết tâm tìm lại nguồn gốc tổ tiên, gia đình mình với mong muốn được hưởng những giây phút đoàn tụ. Được ngày ngày chăm sóc, báo hiếu cho người bà tóc bạc, da mồi. Những tưởng đây sẽ là một cuộc đoàn tụ chỉ có niềm vui và hạnh phúc, nhưng thực tế cuộc sống một lần nữa lại không mỉm cười với 2 anh em Bảo, Báu… 

Ngày đoàn tụ… buồn 

Sau bao ngày lặn lội, kiên trì lần theo địa chỉ mà bà ngoại ghi lại trong tờ giấy đã nhàu nát theo năm tháng; cuối cùng 2 anh em Bảo cũng tìm được về ngôi làng thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Viễn cảnh về một cuộc đoàn tụ đầy niềm vui và những giọt nước mắt hạnh phúc đang hiển hiện trước mắt 2 cậu bé mồ côi. Họ tin rằng sau bao năm thất lạc ngày trở về anh em, họ hàng sẽ chào đón họ bằng những cái ôm hôn thắm thiết, mọi người sẽ xúm lại hỏi han về cuộc sống của 2 anh em trong thời gian lưu lạc ra sao…

Nhưng rồi, viễn cảnh màu hồng đó nhanh chóng tan biến như một làn sương sớm trước ánh bình minh. Không có những cái ôm hôn, cũng chẳng một lời hỏi han thay vào đó là thái độ thăm dò, thờ ơ trước sự xuất hiện của 2 đứa cháu từ… trên trời rơi xuống. Bà ngoại cũng chẳng còn để mà chở che, bao bọc cho 2 anh em Bảo như ngày mẹ bỏ đi. Dù cả 2 anh em nay đã ngoài 20 tuổi nhưng vì từ nhỏ lớn lên trong Trung tâm ít va chạm với xã hội nên khi rơi vào tình cảnh này cảm thấy rất hoang mang. Họ đưa ánh mắt van lơn, cầu cứu khắp nơi mong tìm được một người đứng ra bảo vệ mình, nhưng đáp lại chỉ là những thái độ thờ ơ đến vô cảm. Hai anh em chỉ biết than khóc trước bàn thờ bà ngoại nhưng cũng chẳng có tác dụng gì vì giờ đây bà đã là người “thiên cổ” đâu có thể sống lại mà bảo vệ anh em Bảo như ngày xưa. Một nỗi thất vọng tràn trề, nỗi buồn như tăng lên gấp bội trong ngày đoàn tụ, họ bất chợt cảm thấy cô đơn ngay trong chính những người thân, gia đình mình.

Ngày anh em Bảo thông báo với mọi người trong Trung tâm là đã tìm được gia đình mình ai ai cũng thầm chúc mừng cho họ. Vậy mà, những lời chúc tụng trong buổi liên hoan chia tay chưa được bao lâu mọi người lại thấy 2 anh em Bảo xách ba lô trở lại Trung tâm trong sự ngỡ ngàng. Báu chia sẻ: “Cứ nghĩ là tìm được họ hàng rồi thì 2 anh em sẽ không còn phải sống cuộc sống của trẻ mồ côi nữa. Mà sẽ được sống trong tình thương của anh em, họ hàng, được sớm tối chăm sóc cho bà ngoại. Nào ngờ mọi chuyện lại chẳng như mình mơ ước, trái lại còn làm cho 2 anh em cảm thấy buồn hơn gấp bội. Ban đầu 2 anh em cũng chỉ muốn trở về để gặp bà ngoại, cũng như nghe ngóng tin tức của bố mẹ để có cơ hội sẽ đi tìm họ. Nhưng khi về rồi thì anh em họ hàng đều lo lắng rằng nếu 2 anh em về đây sống họ sẽ phải hiến đất cho mình ở, lại phải xây nhà, rồi lo chuyện vợ con… cho 2 đứa cháu bỗng dưng ở đâu chui lên. Vì ý nghĩ đó là mọi người trong nhà đều có thái độ lạnh nhạt, tỏ rõ là chẳng vui vẻ gì về sự xuất hiện của hai anh em cả. Thất vọng vì không được chào đón nên hai anh em đã chủ động xin phép mọi người quay trở lại Trung tâm. Vậy mà cũng chẳng một ai có lấy một lời giữ lại...”.

Sống với hiện tại

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, cả 2 anh em Bảo, Báu đều cảm thấy rất buồn sau khi nhận được những thái độ thờ ơ của người thân, họ hàng. Nhưng cũng vì thế mà họ nhận ra rằng cuộc sống trong Trung tâm tuy không được sung sướng nhưng luôn tràn ngập niềm vui và tình thương yêu giữa con người với con người. Và những người đồng cảnh ngộ thì bao giờ cũng dễ gần gũi, thông cảm, hiểu và chia sẻ với nhau hơn. Điều làm 2 anh em bận tâm hơn cả đó là: “Cả 2 đã lớn, cũng có công ăn việc làm ổn định rồi nên phải nghĩ dần cho cuộc sống tương lại. Nhưng có một sự thật đó là con trai muốn lập gia thì cái tất yếu phải có đất đai, nhà cửa chứ đâu có thể đưa vợ con vào Trung tâm mà sống được. Vì thế mà khi chưa “an cư” thì chẳng dám nghĩ đến chuyện yêu ai, mà có lẽ nếu biết mình như vậy cũng chẳng ai dám gắn bó tương lai của họ với mình. Chính vì thế mà cả 2 anh em đang cố gắng tích cóp mong sao có tiền để mua đất mới mong lấy được vợ”...

Câu chuyện cảm động về 2 anh em Bảo, Báu sau khi lớn lên trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 TP Hà Nội đã quyết tâm đi tìm lại gốc gác, quê hương mình với mong muốn một lần được nhìn mặt cha đã khiến cho bất kỳ người nào trong Trung tâm đều thấy cảm phục. Ngày 2 anh em tìm về được ngôi nhà nơi mình đã sinh ra, tất thảy mọi người đều thầm vui mừng cho họ.

Nhưng rồi, phút giây đoàn tụ chẳng vui vẻ, hạnh phúc bằng những cái ôm hôn, những dòng nước mặt hạnh phúc như các em tưởng tượng. Trái lại là một sự lạnh nhạt, hời hợt của cô, dì, chú, bác… - những người thân thiết duy nhất trong gia đình. Để rồi, 2 anh em lại một lần nữa khăn gói dìu dắt nhau quay trở lại Trung tâm trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 TP Hà Nội không chỉ là nơi dừng chân yên bình cho những người già neo đơn, những “cánh chim mỏi” sau cả cuộc đời bôn ba. Mà nơi đây còn là mái ấm, là nơi chắp cánh ước mơ của biết bao sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Có em khi lớn lên tự tìm cho mình một chân trời mới, có em tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với trung tâm không mấy ai muốn nhớ đến những quá khứ buồn của tuổi thơ. Nhưng có một trường hợp hy hữu có 2 anh em mồ côi gắn bó với Trung tâm, khi lớn lên đã quyết tâm đi tìm lại nguồn cội của mình với mong muốn được hưởng những phút giây đoàn tụ; nhưng rồi, hạnh phúc chẳng thấy đâu mà chỉ toàn là những nốt nhạc buồn như câu chuyện của anh em Dương Văn Bảo, Dương Văn Báu chúng tôi kể trên đây.