Không để bạo lực thành thói quen ứng xử

Thiếu kỹ năng, lệch chuẩn nhân cách

ANTĐ - Con số hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết không chỉ phản ánh hậu quả của tình trạng sử dụng bia rượu tràn lan mà còn biểu hiện sự thiếu kỹ năng sống trầm trọng ở một bộ phận người Việt…

Thiếu kỹ năng, lệch chuẩn nhân cách ảnh 1Thanh niên ngày càng “ưa” dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn

Cứ trái ý là… đánh!

Đó là nhận xét của Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên. Theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, có rất nhiều lý do để người ta đánh nhau, từ chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” đến việc cho rằng mình bị “nhìn đểu”, bị cạnh khóe hay bị xô đẩy trong đám đông... Đối tượng hay gây gổ, đánh nhau phần lớn là nam giới, trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Đặc điểm của độ tuổi này là tính khí không ổn định, hay hành động theo bản năng và chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả có thể xảy ra. Một trong những nguyên nhân khiến một số thanh niên hung hăng và có những hành vi bạo lực có thể là do từ nhỏ họ đã là nạn nhân của bạo lực hay phải sống trong môi trường bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thường xuyên với các trò chơi nặng về chém, giết cũng khiến người xem dễ bị kích động tâm lý. Hơn nữa, ở độ tuổi thanh thiếu niên, cá nhân thường quá coi trọng cái tôi của bản thân, muốn gây ấn tượng, muốn tự khẳng định mình, không muốn bị coi là “hèn”, là thấp kém song họ lại chọn sai cách thể hiện bằng các hành vi bạo lực. Việc kết bè phái, tâm lý đám đông cũng khiến nhiều người rất dễ bị kích động.

Mặc dù việc giáo dục nhân cách từ nhỏ là rất quan trọng, song đáng buồn là điều này đang bị xem nhẹ, đặc biệt là trong các nhà trường. Điều này khiến sự hung hăng của con người không được phát hiện, điều chỉnh từ sớm nên càng ngày càng có điều kiện phát triển và bộc lộ. Áp lực từ việc học hành, thi cử hiện nay cũng khiến nhiều thanh thiếu niên hầu như không có nhiều thời gian, cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội trau dồi nhân cách.

Ngoài ra, sự thiếu hụt về kỹ năng sống để xử lý những mâu thuẫn và xung đột cũng dễ đẩy con người ta vào thế hung hăng, thiếu kiểm soát. Nhiều cá nhân không biết cách kiểm soát cảm xúc, không biết sàng lọc thông tin nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ… Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc mỗi người tự trang bị những kỹ năng sống, giá trị sống để định hướng hành vi, ứng xử, các cơ quan chức năng nên có biện pháp đa dạng hóa các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trong những dịp nghỉ lễ Tết.

Bất cứ hành vi bạo lực nào cũng cần được ngăn chặn, can thiệp kịp thời từ phía gia đình. Khi thấy con em mình có các biểu hiện nóng nảy, hay gây gổ bất thường, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xem xét để tìm ra nguyên nhân, từng bước dạy con em mình học cách kiểm soát những căng thẳng và biết chịu trách nhiệm về mỗi việc làm của mình. Sự quan tâm, can thiệp sớm của gia đình ngay từ đầu sẽ có tác dụng tích cực hơn nhiều so với việc can thiệp khi hành vi bạo lực đã trở thành thói quen.

Do luật pháp chưa nghiêm?!

Hành vi bạo lực, thích gây gổ, đánh nhau không chỉ diễn ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà còn biểu hiện ở một số người đã trưởng thành. Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú phân tích, lý do chính là tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan. Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần siết chặt quản lý việc sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu bia như tăng thuế đối với mặt hàng này, hạn chế việc sử dụng chúng tại những nơi công cộng…

Có thể nói, xuất phát điểm của nhiều vụ đánh nhau là từ va chạm giao thông. Chỉ cần một cú chạm nhẹ, thay vì hỏi thăm, dàn hòa, xin lỗi, chưa cần biết đúng sai, người ta sẵn sàng lao vào nhau chửi rủa, đánh đấm bỏ mặc những lời can ngăn, bất chấp hậu quả. Trước tình trạng này, không ít người đã đặt câu hỏi: Phải chăng một bộ phận người Việt ngày càng trở nên hung hãn và côn đồ? “Theo tôi, đây chỉ là biểu hiện ở số ít người, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ thống pháp luật còn thiếu và yếu, chế tài chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe, dẫn đến tâm lý tự giải quyết theo cách riêng của mình, theo kiểu “lấy thịt đè người”, ai mạnh người nấy thắng” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Trong mỗi con người luôn tồn tại 2 mặt đối lập, gồm tính thiện và tính ác. Trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà tính thiện hay ác sẽ trỗi dậy lấn át tính còn lại. Tuy vậy, chưa bao giờ cách hành xử bằng nắm đấm lại được coi là giải pháp hữu hiệu đối với các mâu thuẫn mà nó chỉ khiến mọi việc càng trở nên phức tạp, thậm chí gây hậu quả khôn lường. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người xử lý mọi bất đồng bằng đối thoại, bằng sự ôn hòa và thân thiện. Và để làm được điều này, ngay từ bây giờ, những nhà quản lý cần sớm đưa ra những biện pháp giải quyết hữu hiệu, tránh việc coi như “sự đã rồi”…