Thêm 2 vụ lừa đảo qua điện thoại, song kết cục khác nhau

ANTĐ - Kể lại sự việc xảy đến với gia đình ông Thạch Văn P., 67 tuổi, công dân trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Như Thành -Trưởng CAP Sài Đồng đánh giá đối tượng hết sức táo tợn, tinh vi. 
Thêm 2 vụ lừa đảo qua điện thoại, song kết cục khác nhau ảnh 1

Lúc ấy khoảng 10h45 ngày 1-10, ông P. đang ở nhà một mình thì nghe tiếng điện thoại cố định đổ chuông. “Ông là bố thằng T. phải không? Chuẩn bị tiền đi nếu không thằng con rể ông không có ngày về đâu”. Đầu dây bên kia là giọng nam giới, không thèm xưng tên và luôn giữ thái độ của những kẻ bất cần đời. “Thằng T. nợ bọn tôi tiền, cả gốc lẫn lãi 300 triệu đồng. Gia đình ông không trả, hay báo Công an, thì cứ lần lượt nhận từng bàn tay, khớp gối của nó”.

Nghe kẻ lạ đe dọa đúng tên anh con rể, lại biết số điện thoại cố định, ông P. như rụng rời chân tay. Ở nhà một mình, muốn có người để trao đổi, bàn bạc cũng khó. Chưa kể lời đe dọa của kẻ lạ mặt. Trong đầu ông P. đã thoáng nghĩ đến những địa chỉ để vay tiền. 

Nhưng ý nghĩ ấy vụt qua rất nhanh. Ông P. lại nhớ đến thông tin mà đồng chí CSKV mới đây xuống tổ dân phố nói về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo, tống tiền qua điện thoại. Kịp lấy lại bình tĩnh cũng là lúc con rể ông P… vừa đi đâu về. Ông P. “xin” với đối tượng cho mấy phút với lý do nghĩ ra địa chỉ vay tiền, rồi hội ý nhanh với con rể, quyết định trình báo CAP Sài Đồng. Liên lạc được nối ngay sau đó, do kẻ đầu dây bên kia gọi lại. Lần này, đối tượng bắt ông P. cung cấp số điện thoại di động, trên đường đi huy động đủ 300 triệu đồng. Ít phút sau, trinh sát hình sự CAP Sài Đồng, sau khi tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình, đã đóng vai người “xe ôm” chở ông P. đi ngân hàng rút tiền, để trao đổi với kẻ lạ mặt ở đầu dây.

“Mày cứ chở ông ấy ra ngân hàng rồi chuyển khoản theo số tài khoản này”, đối tượng cung cấp một dãy số, chứ nhất định không đồng ý để người “xe ôm” chở ông P. đến gặp trực tiếp để đưa tiền. Suốt quá trình đấu trí hơn nửa tiếng đồng hồ, cảm thấy nghi ngờ đối với người “xe ôm”, đối tượng cúp điện thoại, tắt máy.

Không may mắn như ông P., chị  Nguyễn Thị T., trú ở quận Long Biên, đã bị mất 218 triệu đồng. Hôm ấy là ngày 4-10, khoảng 19h45. Chị T. cũng nhận được cuộc gọi vào số máy cố định. Người bên kia thông báo gia đình chị T. đang nợ cước điện thoại hơn 8 triệu đồng. Chị T. luống cuống giải thích vừa đến thuê trọ, không thể sử dụng số tiền điện thoại nhiều đến vậy. Người kia tỏ ra thông cảm, giải thích có thể chị T. đã bị kẻ xấu lợi dụng số điện thoại để liên lạc phục vụ việc buôn ma túy xuyên quốc gia. Cứ thế, cô gái 24 tuổi như mụ mị bởi dẫn dắt của đối tượng, giấu chồng con đi vay tiền, bán vàng, gom được tổng cộng 218 triệu đồng để mang đến ngân hàng chuyển khoản theo hướng dẫn của “điều tra viên chống ma túy CATP.HCM” - như kẻ xấu tự xưng.

Đặt câu hỏi vì sao chị T. vừa có thời gian nghe điện thoại, vừa đi vay tiền, bán vàng? Đại diện Đội CSHS CAQ Long Biên cho biết, đây là thủ đoạn không mới của đối tượng lừa đảo, nhưng lại rất mới đối với những người dân chưa được  tiếp cận thông tin về tội phạm. Vì lo sợ an toàn cho người thân, chị T. đã răm rắp thực hiện yêu cầu của kẻ xấu, cứ 5 phút lại kết nối liên lạc trong lúc đi vay tiền, bán vàng. Ai hỏi vì sao trong đêm lại phải vay tiền, chị T. đều lấp lửng có việc gấp. Chỉ đến khi gom đủ tiền và chuyển hết cho kẻ xấu, cũng là lúc chồng chị T. đi làm đêm về. Nạn nhân chột dạ nhận ra điều bất thường, nhưng đã quá muộn…