Sự thật về hũ vàng cổ

ANTĐ - Dựng lên câu chuyện đào được một hũ vàng cổ từ thời... xa xưa và muốn để lại cho những ai có nhu cầu với giá phải chăng, không ít người đã sập bẫy lừa của nhóm 3 đối tượng người Trung Quốc.

Đối tượng Chung Thiết Lâm và Dương Phát Khánh cùng số vàng giả tang vật


Màn kịch bán vàng giả

Ngày 17-10, anh Nguyễn Thái Hùng đang làm việc tại một văn phòng luật sư có trụ sở nằm trên phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nhận được điện thoại của một người đàn ông. Trong điện thoại, người đàn ông này chỉ nói được bập bõm dăm ba câu tiếng Việt còn lại là tiếng Trung Quốc. Thông qua một phiên dịch của văn phòng luật sư, người đàn ông lạ mặt trên tự giới thiệu bản thân là người Trung Quốc hiện đang làm công nhân xây dựng cho một nhà máy ở Hưng Yên.

Quá trình đào bới đất cát để đổ móng công trình, người đàn ông này cùng 2 người bạn đã vô tình phát hiện được một chiếc chum sành. Khi mang lên, bên ngoài chiếc chum được yểm bùa với những chữ Hán cổ còn bên trong đựng hàng chục thỏi vàng hình thuyền và tượng Phật Di Lặc cũng bằng vàng. Người đàn ông trên nói rằng do không hiểu rõ pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc cá nhân người nước ngoài sở hữu số cổ vật tìm được nên muốn nhờ luật sư tư vấn nên bán hay mang về nhà.

Trước thông tin trên, phần vì công việc muốn giúp khách hàng và bản thân cũng tò mò muốn biết thực hư về số vàng cổ mà số người Trung Quốc nói là tìm được, anh Nguyễn Thái Hùng có nói họ nên đến để trao đổi trực tiếp. Sáng hôm sau, 2 người đàn ông Trung Quốc đã tới văn phòng luật sư này và mang theo 10 thỏi vàng hình thuyền và 3 bức tượng Phật Di Lặc màu vàng. Họ nói rằng không biết số thỏi và tượng Phật Di Lặc trên có phải là vàng thật hay không nên nhờ văn phòng luật sư kiểm tra hộ bằng cách cho người của văn phòng luật trên chọn lấy 1 thỏi vàng bất kỳ để xác định.

Sau khi chọn ra 1 thỏi vàng, 1 trong 2 người đàn ông Trung Quốc này đã lấy cưa sắt cưa 1 miếng trên thỏi vàng này. Khi cưa xong, những người này dùng xảo thuật lôi từ trong túi ra 1 miếng vàng thật có kích cỡ tương đương với miếng vàng đã cắt từ thỏi vàng rồi đưa cho anh Hùng đi giám định. Tại một cửa hàng vàng, miếng vàng trên được xác định đúng là vàng thật. Khi biết anh Hùng đã tin toàn bộ số thỏi vàng trên là vàng thật, họ liền gạ bán cho anh Hùng với giá 80 vạn nhân dân tệ và yêu cầu anh Hùng trả bằng đô la Mỹ tương đương với 125.000 USD. Hai đối tượng hẹn sáng hôm sau khi nào anh Hùng đã chuẩn bị đầy đủ tiền chúng sẽ mang vàng tới giao và không quên dặn anh Hùng phải giữ kín về việc mua bán.

Cho tới 13h ngày 20-10, anh Hùng đã mang đầy đủ số tiền đợi ở văn phòng. Lúc này 2 đối tượng trên đã mang theo một chiếc cặp bên trong đựng 38 thỏi vàng và 3 tượng Phật Di Lặc vàng giả. Trong lúc giao tiền, anh Hùng phát hiện một trong số hàng chục thỏi vàng trên có những vết xước rất ngọt và bên trong lại ánh lên màu bạc. Lúc này anh Hùng bỗng sực tỉnh và nhìn lại thấy 2 người đàn ông Trung Quốc tự nhận là công nhân xây dựng nghèo khổ nhưng ăn mặc rất lịch sự đã nghi ngờ, bí mật báo cho CAP Trung Hòa. Nhận được thông tin, CAP Trung Hòa đã phối hợp với Đội CSHS - CAQ Cầu Giấy, Phòng CSHS - CATP Hà Nội bắt quả tang hành vi lừa đảo của 2 đối tượng người Trung Quốc. Riêng đối tượng còn lại đã bỏ trốn.

Nhiều người “ăn” quả đắng

Đấu tranh tại CAP Trung Hòa, 2 đối tượng trên được làm rõ là Dương Phát Khánh (SN 1971) và Chung Thiết Lâm (SN 1972) đều ở Giang Tây, Trung Quốc. Kiểm tra trong người Khánh, cơ quan CSĐT còn phát hiện 1 thỏi vàng mẫu giả. Khánh và Lâm thực tế không phải là công nhân xây dựng như mạo nhận ban đầu mà thực chất 2 đối tượng này là thành viên trong một ổ nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. Ngoài Khánh và Lâm còn 1 đối tượng nữa cùng mua vé máy bay sang Việt Nam và ở tại một nhà nghỉ trên địa bàn quận Long Biên để vạch kế hoạch đi lừa đảo. Bằng thủ đoạn “vẽ” ra màn kịch đào được vàng cổ, chúng đã lừa được không ít người nhẹ dạ trong đó đa phần đều là những người có thú sưu tập đồ cổ hoặc muốn lướt sóng vàng. Mỗi khi thực hiện trót lọt một vụ, chúng đều bay về nước nằm chờ vài tháng rồi lại quay sang gây án tiếp.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn làm rõ 2 đối tượng trên chính là thủ phạm đã lừa lấy 2,9 tỷ đồng của một nạn nhân tên là Nguyên ở Đà Nẵng. Cụ thể, theo trình báo của nạn nhân này, vào tháng 7-2011, có một người tên Thái Tiểu Bình gọi điện đến nhờ phiên dịch một tờ di chúc bằng tiếng Hoa mà ông ta đào được trong một lần thi công tại cố đô Huế cùng với rất nhiều thỏi vàng cổ. Qua câu chuyện, Bình bắn tiếng nếu có mối nào mua vàng giá rẻ thì giới thiệu. Vài ngày sau, Bình điện giới thiệu một người mang họ Vương cầm tờ di chúc và thỏi vàng đến. Cũng bằng thủ thuật thử vàng như trong vụ án lừa anh Hùng, ông Nguyên đã bị mắc bẫy. Trong thời điểm vàng đang lên giá như vũ bão mà chúng lại bán với giá “mềm” nên ông Nguyên đã ngỏ ý muốn mua. Chúng yêu cầu ông Nguyên phải tuyệt đối giữ bí mật việc mua bán và phải bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội để giao dịch.

Sau khi huy động số tiền gần 3 tỷ đồng, ông Nguyên mang ra Hà Nội gặp Bình. Tất cả số vàng mà Bình bán cho ông Nguyên gồm 6 tượng Phật màu vàng và 65 thỏi vàng nén với giá 2,9 tỷ đồng. Nhận vàng xong, ông Nguyên hồi hộp bay về Đà Nẵng để bán. Khi đến hiệu vàng thử lại số vàng trên thì lúc này ông Nguyên mới biết tất cả đều là vàng giả.

Thông tin với PV, đại diện CAQ Cầu Giấy cho biết, thủ đoạn của ổ nhóm lừa đảo trên rất tinh vi, chuyên nghiệp. Chúng thường đi thành một nhóm gồm 3 đến 4 đối tượng để hỗ trợ nhau. Khi “con mồi” đã sập bẫy, 2 đối tượng trong nhóm sẽ có nhiệm vụ mang vàng đi giao dịch còn đối tượng khác sẽ trả tiền nhà nghỉ rồi đi ra bến xe, sân bay để chờ. Nếu gây án thành công, chúng sẽ “chập” lại và cùng nhau bay về nước còn không, đối tượng đứng chờ sẽ chủ động bỏ trốn. Quá trình gây án, bọn chúng sử dụng sim điện thoại khuyến mãi, dùng xong hủy ngay và di chuyển bằng xe taxi để tránh bị phát hiện. Vụ án đang được Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội mở rộng.

(Tên những người bị hại đã được thay đổi)