Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép

ANTĐ - Việc bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty có đơn tố cáo, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB.

Liên quan đến thông tin bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), sáng 21/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản thông báo, khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khẳng định: quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố, bắt tạm giam bị can là hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra. Việc bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty có đơn tố cáo, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). 

Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Tuổi trẻ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên, về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10). 

Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964 tại Hà Nội, đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước khi bị bắt giữ vào chiều qua, 20-8, Bầu Kiên - tức Nguyễn Đức Kiên (48 tuổi) - Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, đã có nhiều phát ngôn gây "sốc" về bóng đá Việt Nam.

Điều 159. Bộ Luật hình sự: Tội kinh doanh trái phép

1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.