Nóng với xe đeo biển “ngoài luồng”

ANTĐ - Sau một thời gian trầm lắng, đến nay tình trạng sử dụng BKS giả để lưu hành phương tiện đang có dấu hiệu quay trở lại. Việc sử dụng BKS giả rõ ràng không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều “vùng tối” của hoạt động mua bán xe bất hợp pháp. 

Biển “lộc phát” giả dạo phố

Chiếc xe Acura mang biển giả siêu đẹp từng là mục tiêu của vụ cướp xe bất thành

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Đội CSGT số 2-Phòng CSGT CATP Hà Nội nhận được đơn thư phản ánh của một người dân về việc phát hiện một chiếc xe nhãn hiệu Acura mang BKS: 30P - 6688 giả lưu thông trên đường giống hệt chiếc xe của mình đang đi. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội CSGT số 2 đã tổ chức rà soát tất cả những điểm mà chiếc xe nghi vấn này thường xuyên lui tới.

Thông tin các trinh sát gửi về, chiếc xe Acura này rất hay lui tới khu vực quận Ba Đình. Cho đến ngày 9-4, Trung tá Nguyễn Văn Đức - Đội trưởng Đội CSGT số 2 nhận được thông báo tại ngã tư Kim Mã - Núi Trúc, tổ công tác của đơn vị phát hiện chiếc xe trên. Không ngoài dự đoán, xe Acura đeo BKS:  30P-6688 là BKS giả. Lái xe vi phạm liên tục dùng điện thoại gọi đi các nơi và không “quên” hù dọa tổ công tác. Tuy nhiên, trước thái độ xử lý kiên quyết của tổ công tác, lái xe ngông nghênh trên đã phải ký vào biên bản vi phạm.

Sau khi được mời lên Đội CSGT số 2 để làm việc, chủ phương tiện và lái xe Acura vi phạm trên là Bạch Thành Phong (SN 1976) ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xuất trình đăng ký xe. Bộ phận xử lý của đơn vị nhanh chóng phát hiện đăng ký trên lại là giả.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Đội CSGT số 2 đã bàn giao toàn bộ vụ việc cho Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV để điều tra làm rõ. Chiếc xe vi phạm trên được đưa về bãi tạm giữ phương tiện tại khu vực quận Cầu Giấy. Buổi chiều vừa đưa chiếc xe vào bãi, đến đêm, khoảng gần chục đối tượng nam thanh niên tạo ra màn kịch va chạm ở cổng bãi nhằm tạo sự chú ý của các bảo vệ bãi xe.

Cùng thời gian trên, 2 đối tượng điều khiển một chiếc xe nhãn hiệu Acura đeo BKS: 30K-4477 lao vút vào trong bãi để gửi. Khi chiếc xe vừa dừng lại, một đối tượng ngồi sau xe mở cửa bước xuống, bóc lấy BKS được dính hờ vào xe rồi chạy tới chiếc xe Acura vi phạm dán đè lên BKS: 30P-6688 với ý định đánh tráo chiếc xe này. Hành vi của các đối tượng ngay sau đó đã bị lực lượng bảo vệ bãi phát hiện, đuổi bắt. Hai đối tượng bỏ trốn sau khi vứt lại BKS: 30K-4477. Xác minh của cơ quan công an, BKS: 30K-4477 chúng dùng để đánh tráo xe Acura vi phạm cũng là biển giả. 

Làm giả cả BKS xe công vụ

Các đối tượng còn sử dụng cả biển giả quân đội

Thông tin với PV, Trung tá Đức khẳng định, vụ việc trên không phải là lần đầu tiên đơn vị phát hiện ra BKS xe giả cùng đăng ký “rởm”. Cũng theo Trung tá Đức, trình độ làm giả của các đối tượng ngày càng tinh vi. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, ngoài việc “thửa” lấy một BKS giả siêu đẹp, các đối tượng này còn làm giả từ nước sơn đến chủng loại, nhãn hiệu của chiếc xe đeo biển thật. Cá biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng cả BKS của các cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội để lưu hành. 

Khẳng định cho nhận định của mình, Trung tá Đức dẫn chứng vụ phát hiện, tạm giữ chiếc xe BKS: 31A-6385 đỗ sai quy định. Quá trình kiểm tra, lái xe đã không xuất trình được giấy phép lái xe và đăng ký phương tiện. Thấy có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành xác minh nóng phát hiện ô tô trên đeo BKS giả. Biển số 31A - 6285 màu xanh chủ sở hữu thực sự là chi nhánh tại một ngân hàng. Đáng chú ý, khi tổ công tác lập biên bản tạm giữ chiếc xe mang BKS giả mạo trên, 14h cùng ngày chủ ô tô xuất trình đăng ký xe 52P - 0050 có số khung, số máy trùng với xe bị tạm giữ với ý định nộp phạt, sớm được mang chiếc xe về. Mặc dù vậy, Đội CSGT số 2 tiếp tục xác minh và phát hiện đăng ký trên cũng là giả mạo. 

Vụ việc cũng ngay lập tức chuyển tới Văn phòng CSĐT - CATP làm rõ. Tiếp theo vào 17h ngày 7-6, khi kiểm tra ô tô mang BKS: 43S-3664 trên phố Điện Biên Phủ, Đội CSGT số 2 đã phát hiện chiếc xe trên chẳng những có dấu hiệu làm giả đăng ký mà sổ đăng kiểm tại Đà Nẵng cũng bị làm giả bởi chữ ký đè lên con dấu sai với quy trình đóng dấu của cơ quan nhà nước. Tiếp theo đó, khi tạm giữ một chiếc Toyota BKS quân đội TT 90-36 trong suốt nhiều ngày chưa thấy chủ phương tiện lên giải quyết, qua xác minh nghiệp vụ, đơn vị đã làm rõ BKS trên không hề tồn tại trên thực tế. 

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhận định, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo mua bán ô tô không từ việc làm giả cả biển xe công vụ và biển số đẹp. Đơn giản bởi chúng nghĩ cơ quan chức năng sẽ không bao giờ dám đụng đến những biển số thuộc diện đó. Nhưng các đối tượng này đã nhầm.

Qua những vụ việc trên, người dân cần đề cao cảnh giác với những chiếc xe được rao bán trôi nổi không sát với giá trị thực tế kèm theo những lời nói tâng bốc của chủ xe. Rất có thể một trong số chiếc xe vi phạm này nằm trong đường dây buôn bán xe gian. Còn theo đại diện Phòng CSHS, ngoài việc vi phạm Luật Giao thông khi đeo biển giả, đăng ký, giấy tờ giả, không loại trừ số đối tượng trên còn sử dụng những chiếc xe này với mục đích gây án, phạm pháp.

Thực tế đã chứng minh, rất nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn, động vật hoang dã cũng như các ổ nhóm lưu manh côn đồ thanh toán nhau thường sử dụng BKS giả để đi gây án. Cũng theo đại diện Phòng CSHS, phải quản lý chặt chẽ các khâu mua bán, sang tên đổi chủ cũng như cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm. Biện pháp trên sẽ góp phần ngăn chặn vi phạm này.