Những mối hiểm nguy trên cầu

ANTĐ - Xa khu dân cư, không có lực lượng chức năng tuần tra, ứng trực, dễ tẩu thoát sau khi gây án… hàng loạt yếu tố bất ổn này đã và đang khiến nhiều cây cầu ở Hà Nội trở thành “điểm đến” của tội phạm.

Nếu biết tận dụng, nhà trạm trên cầu Vĩnh Tuy có thể phát huy tác dụng phòng ngừa tội phạm

Cướp dễ như bỡn

Đêm 11-9, anh Đỗ Trung T, 35 tuổi, nhà ở quận Long Biên dùng xe máy chở chị Nguyễn Thị H, nhà ở quận Tây Hồ  đi từ quận Long Biên vào nội thành. Ngang qua cầu Long Biên, anh T nổi hứng, dừng xe máy rủ chị H ngắm sông Hồng, tâm sự. Đến 3h ngày 12-9, có 3, 4 thanh niên đi bộ lững thững từ dưới bãi giữa sông Hồng lên cầu. Ngang qua đôi nam nữ, một trong số đó liếc mắt, kín đáo quan sát rồi rảo bước qua. Đi chừng 20 mét, cả nhóm bất ngờ quay lại. Trên tay 1 đối tượng đã thủ sẵn con dao. Chiếc khẩu trang màu đen che gần kín mặt. Quây đôi nam nữ vào giữa, gã cầm dao quát khẽ: “Có tiền, tài sản gì đưa hết đây”. Cầu vắng, không người qua lại, anh T và chị H sợ hãi, líu ríu làm theo yêu sách của đám thanh niên. Anh T lấy trong ví toàn bộ số tiền 1,3 triệu đồng, còn chị H đưa cho tên cầm dao chiếc điện thoại di động. Lấy được tiền, điện thoại, nhóm đối tượng quay sang cướp luôn xe máy của anh T rồi ung dung bỏ đi. Khi đã hoàn hồn, hai nạn nhân đến CAP Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm trình báo.

Một ngày trước đó, trên tuyến đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên cũng xảy ra vụ cướp tài sản với tính chất manh động hơn. Lúc đó là 23h30 ngày 10-9, anh Nguyễn Xuân H, 21 tuổi, nhà ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội lưu thông bằng xe máy từ Sài Đồng, qua cầu Vĩnh Tuy vào nội thành. Lên đến khu vực cầu vượt dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, xe anh H. bất ngờ va chạm với xe máy của 6 đối tượng đi trên 3 xe cùng chiều. Anh H phóng xe bỏ chạy, nhưng đã bị nhóm thanh niên đuổi sát, bắt kịp. Giữa đêm khuya thanh vắng, anh H bị 6 thanh niên đánh hội đồng, nằm bẹp trên cầu. Sau đó, các đối tượng lục soát, lấy điện thoại di động và xe máy của anh H rồi bỏ đi. 

Không để tội phạm lợi dụng

Bắc qua sông Hồng hiện nay có cầu Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Theo ghi nhận, hiện chỉ có cầu Thăng Long và cầu Chương Dương hầu như không xảy ra hiện tượng cướp, cướp giật. Những cây cầu còn lại, không chỉ tội phạm lợi dụng hoạt động, mà nhiều thứ “nạn” khác hình thành, như rải đinh, bán hàng rong… hết sức lộn xộn. Hai đầu cầu Chương Dương, gần như 24/24h có lực lượng CSGT và lực lượng bảo vệ  cầu làm nhiệm vụ. Cầu Thăng Long cũng có ưu điểm này, chưa kể phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là ô tô, nên tội phạm không có đất để “diễn”.

Trong khi đó hơn 3km từ nội thành sang huyện Gia Lâm, theo đường cầu Thanh Trì, đường nhánh trên cầu, tịnh không có bóng dáng lực lượng chức năng. Sang cầu Vĩnh Tuy, chỉ bắt gặp 1 nhà trạm ngay đầu cầu, bên đất quận Hai Bà Trưng. Thế nhưng cái trạm này cứ chập tối lại tắt đèn. Đi ban ngày, đọc được dòng chữ ở cổng nhà trạm, chỉ chuyên ứng trực chống… ùn tắc giao thông. Đáng lo nhất là cầu Long Biên. Công trình hơn 100 tuổi này giáp ranh 4 phường - 3 quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Cầu nằm kề khu chợ vốn nổi tiếng phức tạp ở Hà Nội; gầm cầu có bãi giữa từng là “điểm đến” của đám lang thang. Hàng rong, trêu ghẹo các đôi nam nữ, cướp giật, cướp, thậm chí đuổi đánh nhau dẫn đến việc nhảy xuống sông Hồng và… chết, từng xảy ra ở cây cầu thế kỷ này.

Từng có thời điểm, Phòng CSHS phải giữ vai trò chủ công, triển khai các kế hoạch quét vét người lang thang, đối tượng nghi vấn ở khu vực bãi giữa và gầm cầu. Sau kế hoạch đó, các phường sở tại dường như không chú tâm, không duy trì thường xuyên, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trên cầu. Một cán bộ cơ sở phường Phúc Tân phản ánh: “Buổi sáng đi bộ tập thể dục trên cầu, tôi lại nghe thông tin có người đi chợ sớm bị cướp giật. Đối tượng lang thang, nghiện hút không còn phức tạp như trước kia, nhưng chưa hết hẳn. Nhóm này bị đẩy đuổi, xử lý, lại xuất hiện đối tượng - nhóm khác”.

Phòng ngừa tội phạm trên các cây cầu tại Hà Nội, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở ý thức người dân, biện pháp hiệu quả duy nhất là phải xây dựng và duy trì được lực lượng ứng trực, tuần tra, từ tối đến sáng hôm sau. Biện pháp này không nhất thiết phải “chờ” đơn vị nghiệp vụ cấp thành phố. Từng địa bàn, mỗi phường, quận giáp ranh nên chủ động triển khai lực lượng và lên kế hoạch phối hợp. Sự thụ động, vụ việc xảy ra mới tiến hành điều tra, xác minh như hiện nay, rõ ràng là quy trình ngược. Quy trình ấy đương nhiên bị tội phạm lợi dụng…