Nhận diện tội phạm chứng khoán

ANTĐ - Ngày 15-8, Thông tư liên tịch số 10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án NDTC, Viện KSNDTC, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán chính thức có hiệu lực. Dù đã được đưa vào Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009, nhưng với thông tư này, lần đầu tiên tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán mới được cụ thể hóa.

4 năm chỉ xử lý hình sự một vụ

Những năm gần đây, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều khó khăn cũng là thời điểm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Theo thống kê, trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 11 tỷ đồng. Còn tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, UBCKNN đã ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 2,9 tỷ đồng. Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, đã bổ sung 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán.

Song tính cho đến trước khi thời điểm Thông tư 10 được ban hành, chỉ có duy nhất 1 vụ án được đưa ra xử lý hình sự liên quan đến Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dược Viễn Đông cùng đồng bọn bị cơ quan chức năng khởi tố và đưa ra xét xử về tội thao túng giá chứng khoán. Nguyên nhân của sự chậm chễ được xác định là do trong quá trình thi hành BLHS, việc làm rõ như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” và “thu lời bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” chưa có hướng dẫn nên cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là còn chưa kể đến việc rất khó chứng minh các hành vi như làm giá, thao túng thị trường hay hành vi được coi là phổ biến nhất liên quan đến công bố thông tin cũng khó áp dụng vì Luật chỉ ghi là “công bố thông tin sai lệch”, còn bằng chứng như thế nào là sai lệch thì lại không nói rõ.

Việc bổ sung các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vào BLHS từng được hy vọng sẽ có tác dụng ngăn chặn các vi phạm trong TTCK. Tuy nhiên do quy định còn chung chung nên khó áp dụng Luật và tạo ra những cách hiểu không thống nhất dẫn đến việc trong khi nhiều hành vi vi phạm diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực này thì cơ quan tố tụng lại chậm chễ trong việc xử lý. Bên cạnh đó, theo một cán bộ của Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội, từ việc Luật không chi tiết rõ ràng sẽ dẫn đến 2 khả năng, thứ nhất có thể bỏ lọt người, lọt tội do không đủ căn cứ chứng minh phạm tội và thứ 2 là có thể hình sự hóa các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này dẫn đến việc các cơ quan tố tụng dễ bị nảy sinh tâm lý “ngại” trong quá trình xử lý vụ việc.

Cụ thể hóa tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán

Thông tư liên tịch số 10/2013 giữa Bộ Tự pháp - TAND Tối cao - VKSDNTC - Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15-8 đã cụ thể hóa một số quy định của BLHS về các tội phạm hành chính, đặc biệt với 3 tội vi phạm trên TTCK gồm: Cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Theo đó, Thông tư liên tịch đã có những quy định cụ thể về thiệt hại vật chất để định tội hoặc định khung hình phạt. Cụ thể như ở tội Thao túng giá chứng khoán, nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 3 tỷ đồng trở lên là “rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Còn khi thao túng giá chứng khoán, tiền kiếm được từ 500 triệu đồng trở lên thì bị coi là “thu lợi bất chính lớn”. Ngoài ra, các hành vi, các chủ thể trong từng trường hợp của các tội danh liên quan đến hoạt động chứng khoán cũng đã được Thông tư liên tịch giải thích rõ.

Có thể thấy, việc cụ thể hóa tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán không chỉ giúp các cơ quan tố tụng “dễ làm việc” hơn mà còn giúp tác động tích cực tới TTCK. Trả lời báo chí, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) cho rằng: Trước đây, cùng một loại vi phạm nhưng được mô tả như nhau trong cả BLHS và trong các quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực chứng khoán. Nhưng nay, với hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch, một ranh giới phân biệt đã hình thành. Việc phân định ra ranh giới này sẽ là sự răn đe cần thiết đối với những động cơ phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán trong bối cảnh các vi phạm có dấu hiệu hình sự trên TTCK ngày một diễn biến phức tạp và tinh vi.

Ngoài ra, cơ chế xử lý mới phân định rõ ràng hơn thẩm quyền giữa UBCKNN với các cơ quan tiến hành tố tụng, sẽ khắc phục được những hạn chế trong thẩm quyền xử lý vi phạm của UBCKNN do chưa có quyền tiếp cận thông tin từ điện thoại, thư tín điện tử, thông tin về tài khoản và giao dịch ngân hàng… Qua đó góp phần phát hiện, xử lý hiệu quả hơn các hành vi vi phạm trên TTCK. Còn theo ông Điêu Ngọc Tuấn, cán bộ phòng Pháp chế, CTCP Chứng khoán VNDIRECT, Thông tư liên tịch này bên cạnh việc giúp cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, thuận lợi và chủ động hơn trong xử lý tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, nó còn góp phần giúp các chủ thể trên TTCK hiểu rõ hơn để không thực hiện những hành vi bị coi là tội phạm.

Vẫn còn những điểm cần tiếp tục làm rõ

Mặc dù Thông tư liên tịch được coi là đã cụ thể hóa tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng trong quá trình thực tiễn áp dụng vẫn còn một số điểm trong Thông tư cần phải được nghiên cứu, bổ sung. Theo Luật sư Trần Minh Hải khi lượng hóa các dấu hiệu thuộc về thiệt hại vật chất để định tội, định khung hình phạt đối với 3 tội danh, thì xét trong mối tương quan với các loại tội phạm thuộc lĩnh vực kinh tế khác, rõ ràng cơ quan soạn thảo đã tính đến những đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán. Do vậy, các mức thiệt hại vật chất đã được nâng cao hơn so với những hướng dẫn xử lý định tội thông thường đối với các tội phạm về kinh tế khác…

Tuy nhiên nếu so sánh với đặc thù hoạt động của TTCK thì các mức thiệt hại vật chất định tội, định khung này vẫn còn hơi thấp. Ngoài ra với mức gây thiệt hại và thu lợi bất chính khá thấp như trong Thông tư đã bị xem xét xử lý hình sự, sẽ làm tăng các trường hợp bị xử lý hình sự, khiến tăng áp lực cho các Sở GKCK, UBCK trong truy xuất, xử lý thông tin các giao dịch có dấu hiệu vi phạm. Đồng tình với ý kiến của Luật sư Trần Minh Hải, một cán bộ của Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội cho rằng, giá trị giao dịch mỗi ngày trên TTCK có thể lên tới con số nghìn tỷ đồng và có thể còn cao hơn nữa, đành rằng việc vi phạm pháp luật là cần phải xử lý, nhưng ở một lĩnh vực đặc thù như chứng khoán nếu quy định mức tối thiểu thấp thì sẽ khó có thể kiểm soát nổi còn cơ quan pháp luật thì sẽ bị quá tải. 

Một điểm nữa trong Thông tư liên tịch mà Luật sư Trần Minh Hải nêu ra đó là khi xác định về hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTCK, làm mất niềm tin của NĐT vào TTCK, làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của TTCK vẫn còn mơ hồ chưa rõ ràng. Theo lý giải của luật sư Trần Minh Hải, việc gây hậu quả phi vật chất mức độ nào thì bị coi là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Ai là người đánh giá? Nếu giao hết cho cơ quan điều tra đánh giá vấn đề này thì về lý thuyết, vai trò của cơ quan điều tra thường thiên về hướng buộc tội, nên dễ bị rơi vào khả năng hình sự hóa các vụ việc chứng khoán. Còn nếu giao cho liên ngành đánh giá thì thực tế với lợi thế áp đặt ý chí, nên cũng khó tránh khỏi vẫn thuộc về quan điểm của cơ quan điều tra. Luật sư Trần Minh Hải cũng nêu vấn đề, để đảm bảo tính khách quan, cần quy định rõ, chỉ có UBCK mới có thẩm quyền đánh giá vấn đề này và cũng chỉ có cơ quan này mới có thẩm quyền chuyển một vụ việc nào đó sang xử lý hình sự.