Nhận diện kẻ xấu trong bệnh viện

ANTĐ - Tiếp theo bài báo “Những kẻ nhẫn tâm lừa đảo người bệnh trọng” đăng trên Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 10-4, nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi đã tìm hiểu những thủ đoạn mà đối tượng xấu đang áp dụng để lừa bệnh nhân tại các bệnh viện khác, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai…

Giả bác sỹ để lừa đảo

Là một trong những bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế với lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh hàng ngày rất đông nên Bệnh viện Bạch Mai luôn rơi vào tình trạng quá tải. Đây cũng là lý do khiến công tác giữ gìn, đảm bảo ANTT tại bệnh viện khá khó khăn. Cuối tháng 2-2014, tại Bệnh viện Bạch Mai xảy ra hiện tượng cá nhân giả danh bác sỹ vào phòng bệnh lừa bệnh nhân bị bảo vệ của bệnh viện và CAP Phương Mai, quận Đống Đa bắt giữ. Đó là đối tượng Vũ Quốc Bảo, SN 1983 ở Can Lộc, Hà Tĩnh.

Nhằm lừa đảo bệnh nhân, Bảo đã mặc áo blouse trắng, đội mũ xanh, đeo ống nghe đi đi, lại lại ở hành lang của khoa Chẩn đoán hình ảnh và vào buồng bệnh dành cho bệnh nhân chụp mạch vành - nơi người bệnh chờ chụp chiếu. Sau đó, anh ta còn cầm túi nilon thuốc, giải thích cho người bệnh như một bác sỹ thực thụ. Do đối tượng này không đeo thẻ trong giờ làm việc theo quy định của bệnh viện, khi được hỏi lại trả lời loanh quanh nên đã bị một nhân viên y tế khác trong khoa nghi ngờ, báo với lực lượng bảo vệ. Qua đấu tranh khai thác, Vũ Quốc Bảo đã thú nhận đóng giả bác sĩ vào bệnh viện với mục đích lừa đảo bệnh nhân.

Nhận diện kẻ xấu trong bệnh viện ảnh 1

Lượng người đến khám chữa bệnh hàng ngày tại bệnh viện rất đông là điều kiện thuận lợi để tội phạm trộm cắp gây án

Không chỉ có đối tượng này mà trước đó, bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai và CAP Phương Mai đã bắt giữ một số đối tượng “cò mồi” tại bệnh viện. Các đối tượng này thường chèo kéo, mời chào bệnh nhân và người nhà của họ đến khám chữa bệnh, mua thuốc tại những cơ sở y tế tư nhân bên ngoài bệnh viện với giá “hữu nghị” lại không mất nhiều thời gian chờ đợi. Với mỗi trường hợp, đối tượng thường thu từ 300.000-400.000 đồng, tùy thuộc vào thoả thuận với bệnh nhân.

Ngày 11-6-2014 đối tượng Lê Hồng Ánh, SN 1977 ở Kim Động, Hưng Yên đã bị bắt quả tang khi đang có hành vi cò mồi, môi giới bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại bệnh viện. Tiếp theo đó, ngày 18-6-2014, 2 đối tượng khác là Nguyễn Xuân Mạnh, SN 1971 ở Đống Đa, Hà Nội và Vũ Văn Liệu, SN 1965 ở phố Hồng Mai, Hà Nội cũng đã bị bắt quả tang cũng với hành vi tương tự. Ba đối tượng trên đã bị xử phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ban hành quy định các nhân viên y tế của bệnh viện trong giờ làm việc đều phải mặc áo blouse có in logo của bệnh viện, đeo thẻ ghi rõ tên, chức danh, nơi làm việc. Do vậy, đối tượng từ bên ngoài vào giả danh cán bộ y tế của bệnh viện sẽ dễ dàng bị phát hiện. 

Trà trộn để trộm cắp tài sản

Ngoài hiện tượng “cò mồi”, tại bệnh viện Bạch Mai còn xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Do giờ vào thăm bệnh nhân từ 16-21h hàng ngày nên các đối tượng thường trà trộn giả làm người nhà bệnh nhân để lẻn vào các khu vực phòng bệnh của bệnh nhân nặng và ở lại qua đêm. Sau đó lợi dụng lúc bệnh nhân ngủ say (từ 1-2h sáng) đối tượng ra tay trộm cắp điện thoại di động, tiền mặt. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4-2015 đến nay đã có 2 đối tượng trộm cắp tại bệnh viện bị  bắt giữ.

Đó là Ninh Ngọc Dương, SN 1987, ở Hà Tu, Hạ Long, Quảng Ninh bị bắt quả tang khi lấy trộm điện thoại của bệnh nhân vào hồi 1h30 ngày 2-4. Đáng chú ý là trước đây Dương đã từng có thời gian điều trị ở khoa Thận - Tiết niệu nên biết khá rõ đường đi lối lại trong bệnh viện. Hai ngày sau, đối tượng Đỗ Văn Thanh, SN 1987, ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cũng bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang trộm điện thoại của bệnh nhân. Hiện CAP Phương Mai đã chuyển hồ sơ các đối tượng này về CAQ Đống Đa để xử lý theo quy định. 

Về tình trạng trên, ông Hồ Quang Tấn - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối tượng trộm cắp tài sản tại bệnh viện phần lớn là người tỉnh ngoài, hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn khác nhau. Tuy vậy, do làm tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa (kiểm soát kỹ người ra, vào, phân loại đối tượng khả nghi để theo dõi, lắp camera tại một số điểm có đông bệnh nhân và người nhà…), đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của chốt cảnh sát bảo vệ CATP, CAQ Đống Đa và CAP Phương Mai, thời gian gần đây, nạn “cò mồi”, lừa đảo bệnh nhân và người nhà hầu như không còn tồn tại, số vụ trộm cắp tài sản cũng giảm đáng kể. 

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng CAP Phương Mai, để đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện trên địa bàn, trong đó có bệnh viện Bạch Mai, lực lượng CAP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với CAQ và bảo vệ bệnh viện trong việc nắm bắt thông tin, vây bắt đối tượng… Ngoài ra, CAP còn tăng cường công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng để bệnh nhân, người nhà của họ và các nhân viên y tế nắm được, dán ảnh các đối tượng đã bị bắt giữ tại các vị trí dễ thấy để bệnh nhân nâng cao tinh thần cảnh giác …

“Để tránh “tiền mất, tật mang” khi đến bệnh viện, người dân cần đến trực tiếp các khoa Khám bệnh để được phục vụ, không nên cả tin nghe theo các đối tượng “cò mồi”, trong phòng điều trị cần chú ý bảo quản tài sản cá nhân, đồng thời báo ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu khả nghi để có biện pháp xử lý kịp thời” – Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn khuyến cáo.

Bảo vệ bên trong và ngoài bệnh viện

Theo Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng CSBV - CATP Hà Nội: Thực hiện quy chế phối hợp giữa CATP với Sở Y tế Hà Nội về việc phối hợp đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ ngày 27-7-2014 đến nay, Phòng CSBV đã triển khai lực lượng đảm bảo ANTT tại 15 bệnh viện lớn gồm: Bệnh viện Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn, K, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Tai - mũi - họng, Bệnh viện E, Thanh Nhàn, Viện huyết học truyền máu Trung ương và các bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều, huyện Thanh Trì). 

Đơn vị thường xuyên phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP như Phòng CSHS, CSTT, CSGT... và công an các quận, phường nơi có bệnh viện đóng trên địa bàn thực hiện các biện pháp phối hợp đảm bảo ANTT bên trong và ngoài, cũng như các khu vực xung quanh các bệnh viện. Trong khi thực thi nhiệm vụ, CBCS Phòng CSBV đã phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho các đơn vị chức năng xử lý 9 vụ trộm cắp tài sản; 4 vụ chống người thi hành công vụ; 8 vụ gây rối trật tự công cộng; 1 vụ buôn bán hàng giả và 1 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. 
Hồng Tuấn (Ghi)

Lực lượng công an hiện diện 24/24 giờ

Ông Nguyễn Hữu Hòa – Đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Thời gian trước đây, Bệnh viên Nhi Trung ương cũng còn tồn tại nhiều phức tạp về tình hình ANTT, đặc biệt là nạn trộm cắp tài sản của bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên từ tháng 7-2014, khi CATP Hà Nội triển khai một chốt của lực lượng CSBV trực thường xuyên tại đây thì tình trạng này giảm hẳn. Ghi nhận của lực lượng bảo vệ trong 4 tháng đầu năm 2015 chỉ có 1 vụ người nhà bệnh nhân say rượu, có hành động mạt sát, chửi bới các nhân viên y tế và 1 vụ móc túi được nạn nhân trình báo. Ngoài ra đội bảo vệ của bệnh viện cũng thường xuyên phối hợp với các trinh sát của Phòng CSHS và Công an quận Đống Đa trong công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát nhằm đấu tranh, phát hiện kẻ xấu nên có được hiệu quả rõ rệt”. 

Thượng sỹ Hồ Hồng Đăng – Tổ trưởng tổ công tác của phòng CSBV túc trục tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tổ thường xuyên cử chiến sỹ mặc thường phục vào khu vực khám chữa bệnh vốn là nơi tập trung đông người đến khám để theo dõi, phát hiện các đối tượng xấu. Nhờ kiên quyết đấu tranh, đẩy đuổi nên hiện nay vấn đề ANTT tại bệnh viện khá ổn định, các vấn nạn cò mồi, lừa đảo, trộm cắp đã không còn tái diễn”.
Tuấn Dũng (Ghi)