Mang bằng giả từ miền Nam ra tiêu thụ tại Hà Nội

ANTĐ - Chưa biết mặt nhau nhưng nhóm đối tượng ở Hà Nội và TP.HCM đã cấu kết tạo thành một đường dây làm giấy tờ giả liên tỉnh. Sau một tuần tích cực điều tra, truy bắt các đối tượng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CAQ Nam Từ Liêm đã khám phá, bắt giữ 6 đối tượng trong một đường dây làm bằng giả tại TP.HCM, đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Mang bằng giả từ miền Nam ra tiêu thụ tại Hà Nội ảnh 1Số giấy tờ giả bị lực lượng công an thu giữ

6 triệu đồng 1 bộ giấy tờ giả

Vào khoảng 12h ngày 17-3, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về TTXH CAQ Nam Từ Liêm  làm nhiệm vụ tại khu vực quảng trường SVĐ quốc gia Mỹ Đình phát hiện Nguyễn Đức Huân (SN 1984) trú tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đang giao bằng và nhận tiền từ một người phụ nữ. Nghi vấn đây có thể là một vụ mua bán giấy tờ giả, tổ công tác đã kiểm tra và phát hiện ngoài số giấy tờ giả đã giao cho khách, trong người Nguyễn Đức Huân còn một bọc giấy tờ là  những bằng tốt nghiệp Đại học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học quốc gia TP.HCM, bằng tốt nghiệp THPT, học bạ... Huân khai toàn bộ số giấy tờ trên là giả, đang mang đi giao cho khách hàng đặt mua. Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số giấy tờ giả nói trên và đưa Nguyễn Đức Huân về trụ sở cơ quan công an để đấu tranh làm rõ.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Đức Huân khai mình là người làm thuê cho Nguyễn Đức Hùng (SN 1994) ở cùng quê. Do không có việc làm nên khoảng tháng 7-2014, Hùng đã lên mạng Internet đăng thông tin cá nhân và số điện thoại để tìm việc làm. Sau đó, một đối tượng tên Cường đã liên lạc thuê Hùng làm công việc đi gặp khách hàng để lấy ảnh và thông tin cá nhân sau đó chụp lại và gửi cho Cường để Cường làm bằng tốt nghiệp giả. Khi có bằng, Cường sẽ gửi ra cho Hùng, Hùng mang giao cho những người đã đặt hàng và thu tiền của họ rồi chuyển cho Cường qua tài khoản ngân hàng. Khi Hùng đã quen việc thì Hùng lại thuê tiếp Huân là người mang giấy tờ giả đi giao cho những người đã đặt hàng và thu tiền về cho Hùng. Mỗi bộ bằng tốt nghiệp, giấy tờ giả, Huân thu của người mua 6 triệu đồng, mang về đưa lại cho Hùng và được Hùng trả 250.000 đồng. Khi nhận giấy tờ từ Hùng, Huân biết đây là giấy tờ giả và được Hùng cho biết số “hàng” này được làm từ TP.HCM và chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ. Ngày 19-3, Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm đã bắt giữ được Nguyễn Đức Hùng. Ngày 27-3, Hùng và Huân đã bị Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Khi nghe tin 2 đối tượng trong đường dây đã bị CAQ Nam Từ Liêm bắt giữ, ngày 25-3, Trần Bình Trọng (SN 1991) trú tại đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP.HCM đã đến Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trọng khai, khoảng tháng 10-2014, qua game online, đối tượng đã làm quen với một người đàn ông tên Phú. Phú rủ Trọng đi gặp gỡ khách hàng muốn làm giấy tờ giả để lấy thông tin, số điện thoại của khách rồi gửi tin nhắn qua điện thoại cho Phú hoặc một người tên Quang cùng làm với Phú. Trọng đã giao cho Quang 3 bộ hồ sơ, thu của mỗi người 1,5 triệu đồng và Trọng được trả công 1,5 triệu đồng. 

Mang bằng giả từ miền Nam ra tiêu thụ tại Hà Nội ảnh 2Một số đối tượng liên quan trong đường dây làm bằng giả

Lộ rõ đường dây lớn

Nhận thấy đây là một đường dây làm bằng giả liên tỉnh, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, Ban chuyên án CAQ Nam Từ Liêm đã quyết định bóc gỡ tận cùng đường dây làm giấy tờ giả này. Một tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm về TTXH CAQ Nam Từ Liêm đã vào TP.HCM bắt giữ được 3 đối tượng khác cũng trong đường dây này là Đoàn Quốc Nam (SN 1967) trú tại đường Âu Dương Lân, phường 3, quận 8;  Nguyễn Đăng Quang (SN 1990) trú tại khu phố 2, phường Bình Chánh, quận 2; Nguyễn Thanh Bình (SN 1993) trú tại đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP.HCM đưa về trụ sở CAQ Nam Từ Liêm để đấu tranh làm rõ.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận vai trò của mình trong đường dây làm bằng giả. Hầu hết các đối tượng đều không có việc làm và được rủ rê tham gia vào đường dây này. Thông qua mạng xã hội, Nguyễn Đăng Quang được Nguyễn Thanh Bình giới thiệu cho Trần Bình Trọng. Số tiền thu được từ khách, Quang giữ và khi nào đủ 10 triệu đồng thì chuyển cho Trọng vào tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, Trọng còn giới thiệu cho Quang một người đàn ông tên Chung và Quang cũng giao thông tin và nhận giấy tờ giả từ người đàn ông này.

Đối với Nguyễn Thanh Bình, khoảng tháng 12-2014, tình cờ Bình gặp một người đàn ông tự giới thiệu tên Phú, đề nghị Bình vận chuyển hồ sơ cho Phú. Với mỗi bộ hồ sơ chuyển ra Hà Nội, Phú trả Bình 300.000 đồng. Do không có việc làm nên Bình đã nhận lời. 2 ngày sau, Phú liên lạc lại, đưa cho Bình một bộ hồ sơ bên trong có bằng tốt nghiệp Đại học và một số giấy tờ khác, bảo Bình chuyển phát nhanh cho một người tên Hùng ở Hà Nội để Hùng giao cho khách hàng. Bình làm cho Phú được khoảng 2 tháng, chuyển cho Hùng được khoảng 10 bộ hồ sơ thì nghỉ. Trong đường dây này còn có một người nữa là Đoàn Quốc Nam làm nghề “xe ôm” trước cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Cũng vào thời điểm cuối năm 2014, có một người đi “xe ôm” đã nhờ Nam gửi một bọc giấy cho một người đàn ông tên Bình và nhận tiền của Bình đưa lại cho anh ta. Người đàn ông này thường xuyên gửi giấy tờ cho Bình và Bình chuyển tiền lại cho Nam mỗi lần 2-3 triệu đồng để Nam đưa lại cho anh ta.

Qua giám định sơ bộ của Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội, toàn bộ dấu và chữ ký có trong các giấy tờ mà Huân giao cho “khách hàng” bị Cơ quan CSĐT CAQ Nam Từ Liêm thu giữ ngày 17-3 đều là giả. Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ, cơ quan công an xác định Trần Bình Trọng, Đoàn Quốc Nam, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đăng Quang đã thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo điều 267, BLHS, ra lệnh tạm giữ hình 4 đối tượng nói trên để tiếp tục điều tra làm rõ, truy bắt những đối tượng liên quan trong chuyên án.