Kinh khủng đòi nợ tín dụng đen

ANTĐ - Như ANTĐ đã phản ánh, tình trạng vay và cho vay lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật (tín dụng đen) đang phát triển ồ ạt, hậu quả của lạm phát và các biện pháp chống lạm phát, đã dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong thanh toán, đòi nợ.

Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2011 theo tổng kết của CATP Hà Nội đã xảy ra trên 200 vụ cố ý gây thương tích, khủng bố tinh thần, phần lớn liên quan đến nợ và đòi nợ. Có thể lấy một số ví dụ để phản ánh được mức độ nguy hiểm của các vụ này:

Ngày 21-8-2011 tại đường Láng - Hà Nội, anh Đặng Hồng Hải 41 tuổi đã bị đâm chết do tranh chấp trong việc cầm cố nhà cửa, vay nợ.

Ngày 7-8-2011, Công an TP Hà Nội bắt giữ 3 sinh viên LMH, NHT, NĐN đi đòi nợ thuê cho một chủ nợ ở Cầu Giấy - Hà Nội.

Ngày 1-8-2011, CA Hải Phòng triệt phá băng đòi nợ thuê do Nguyễn Minh Hiệp (tức Hiệp “gà”) chuyên dùng súng để đòi nợ thuê.

Ngày 14-5-2011, Công an Bình Dương khởi tố vụ án ông Phan Tuấn Thành - Giám đốc Công ty Hải Nam Phát thuê nhóm giang hồ Dũng “ben” đòi nợ ông Phan Văn Lan, chủ doanh nghiệp Lan Thái. Ông Lan bị bắn chết.

Ngày 7-8-2011, tại Đan Phượng, Công an đã bắt giữ Nguyễn Công Vinh (SN 1966) thuê Nguyễn Sĩ Thanh và 3 đàn em mang dao đến đập phá nhà 2 gia đình để đòi nợ 100 triệu đồng.

Trước đó, ngày 30-3, tại TP Hồ Chí Minh, nhóm đòi nợ thuê do Trịnh Kiên Cường đã bắn chết anh Nguyễn Văn Điệp nhằm mục đích đòi nợ người thân của anh Điệp 1,6 tỷ đồng…

Chỉ sơ qua vài vụ việc, chúng ta đã nhận thấy sự nguy hiểm của tín dụng đen. Sau khi cho vay, mặc dù đã có cầm cố tài sản, hoặc có sự đảm bảo bằng tài sản, tuy nhiên vì lo lắng cho các khoản cho vay hoặc do con nợ không thanh toán nợ đúng hẹn, các chủ nợ sẵn sàng ra tay. Có 4 phương thức đòi nợ tín dụng đen phổ biến hiện nay.

Cách đòi nợ sạch sẽ nhất là siết nợ bằng tài sản. Chủ nợ thu hồi các tài sản cầm cố với giá rẻ mạt, thường là khoảng 40-50% giá trị thị trường của món đồ và con nợ đành nhắm mắt chịu thua. Không ngạc nhiên tí nào khi hầu hết các chủ tín dụng đen có rất nhiều nhà cửa, có nhiều người còn có nhiều cửa hàng cho thuê. Hầu hết trong đó là các tài sản bị siết nợ. Do “quy củ” của tín dụng đen là con nợ phải làm các thủ tục bán nhà, giao nhà cho chủ nợ cho nên việc lấy nhà và mất nhà ít khi xảy ra xô xát, con nợ chỉ còn đường đến van lạy chủ nợ, xin được đồng nào hay đồng nấy. Với các tài sản như ô tô, xe máy, các chủ nợ cũng chỉ cần các con nợ viết giấy bán, có công chứng là xong.

Cách đòi nợ thứ hai cũng ít căng thẳng là các chủ nợ gây sức ép để các con nợ bán tài sản trả nợ. Chỉ bằng việc dọa dẫm và đưa người đến mua nhà, nhiều con nợ đành phải mất nhà, đi ở thuê. Việc gây sức ép này rất tinh vi, các chủ nợ biến lãi thành nợ, lãi chồng lên lãi, con nợ thất kinh, đành phải bỏ nhà. Cộng với việc  gây sức ép bằng lời, bằng sự thuyết phục, các con nợ  cũng hốt hoảng bởi bỗng nhiên trước cửa nhà mình xuất hiện một lũ thanh niên đầu trọc, xăm trổ vằn vện lượn qua lượn lại, chỉ trỏ. Con cái đi học bỗng nhiên có thanh niên đầu trọc chặn lại hỏi có phải mày con nhà này nhà kia không. Thậm tệ hơn  sáng sớm con nợ mở cửa thấy trước cửa nhà mình có một vòng hoa tang, trên băng vải đen ghi người mất là  mình. Rất ít chủ nợ có gan đến báo công an vì không có chứng cứ cụ thể, chưa xảy ra xô xát đụng độ. Phần lớn nhắm mắt làm theo ý kiến của chủ nợ.

Cách đòi nợ thứ ba hung hãn hơn là dùng chính người nhà chủ nợ đến gây sức ép. Người của chủ nợ đến nhà con nợ từ sáng đến đêm, ăn, ở, sinh hoạt trong nhà con nợ, ra vào ngõ, cổng, sang thăm hàng xóm kể về nợ nần. Có trường hợp chủ nợ đùng đùng dẫn một đám người đến khóa nghiến cửa nhà con nợ lại, mặc kệ bao nhiêu người trong nhà, bao nhiêu công việc dở dang. Chủ nợ tuyên bố trả thì mở khóa, còn nếu phá khóa thì đừng trách. Con nợ chỉ còn đường van xin. Dĩ nhiên sau đó chủ nợ sẽ mở khóa, một lần, hai lần, con nợ cũng chỉ còn cách duy nhất, bán nhà cho chủ nợ. Phương thức đòi nợ này hiện nay phổ biến đến mức quân số nhân viên của các tiệm cầm đồ, các công ty tín dụng tăng rất cao. Có chủ nợ ở Quốc Oai đi đòi nợ ở đâu cũng đi bằng xe 16 chỗ, chở hàng chục côn đồ để làm áp lực. Vào đòi nợ các con nợ không chửi bới, không phá phách, nhưng hàng chục thanh niên đầu trọc bặm trợn vào nhà cũng đã gây khiếp đảm. Các vụ việc này do chưa xảy ra xô xát, chưa đánh nhau nên các con nợ cũng không dám ra báo công an, mà báo thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa thể can thiệp được.

Tuy nhiên cả ba cách này đều tự cho là màn dạo đầu cho cách cuối cùng nếu họ không đòi được nợ. Đó là thuê đòi nợ. Cách thứ tư là dùng vũ lực để đòi nợ. Đối tượng đòi nợ dĩ nhiên là các con nợ sau khi đã bị hút hết  xương tủy do lãi nợ và hết khả năng thanh toán. Đối tượng đòi nợ là các băng con đồ du đãng. Tuy nhiên người thực hiện các hành vi gây án hầu hết là đám nghiện hút ma túy, nguy hiểm nhất hiện nay là đám nghiện đập đá, nghiện ma túy tổng hợp. Đám này do tác dụng ma túy nên gần như mất tính người sẵn sàng gây án. Dĩ nhiên các chủ nợ không nuôi các con nghiện này, các băng đảng giang hồ nuôi, nhưng kinh phí nuôi này chủ yếu cũng từ chủ nợ. Hiện nay tỷ lệ đòi nợ thuê 30-40% số nợ đòi được. Nghĩa là đòi được 100 triệu, các băng đòi nợ thuê sẽ được hưởng 30-40 triệu. Kinh phí đòi nợ thuê do chủ nợ ứng trước. Nếu xảy ra án, chủ nợ phải cấp kinh phí để nhóm đòi nợ thuê đi trốn, hoặc thăm nuôi nếu bị bắt. Có thể nói, nguyên nhân của tình trạng đòi nợ thuê gây án là tình trạng tín dụng đen phát triển bừa bãi, và tội phạm đầu sỏ trong các vụ án đòi nợ thuê chính là các chủ nợ, triệt phá tín dụng đen sẽ làm giảm các vụ việc gây án do đòi nợ thuê.

Hiện nay tình trạng nợ nần mất khả năng thanh toán đang ngày một trầm trọng. Cần có một chủ trương nào đó quan tâm đến đối tượng này. Tuy nhiên với tư cách là người đã tìm hiểu kỹ hiện tượng này, chúng tôi xin có mấy lời khuyên đến các con nợ đang bê bối, sống dở, chết dở vì nợ.

Việc đầu tiên phải tổng kết số nợ của chính mình kiểm điểm nghiêm túc khả năng thanh toán nợ. Công khai tình trạng nợ và khả năng thanh toán nợ với các chủ nợ. Sau đó thương thảo các biện pháp trả nợ khả dĩ. Phải thành thực tình trạng của mình với các cam kết chắc chắn có thể thực hiện được.

Nếu tất cả các việc này sau khi thực hiện vẫn không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, hãy khẩn cấp đến các cơ quan công an báo cáo và đề nghị các biện pháp giúp đỡ. Dĩ nhiên  cũng phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc đã làm trái pháp luật, chịu trách nhiệm về các khoản nợ do vay mượn chính đáng. Nếu gặp bất kỳ tình huống nào đe dọa tính mạng tài sản, mọi người trong cuộc và biết sự việc phải khẩn cấp báo cơ quan công an gần nhất hoặc lực lượng 113. Việc trình báo với các cơ quan công an không chỉ là việc bảo vệ mình mà còn là bảo vệ an ninh trật tự công cộng.