Gắn “IC ăn bớt xăng dầu”, ai phạm tội, theo tội danh nào?

ANTĐ - Ngày 19-11, cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tạm giữ hình sự Trần Lê Đức (35 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Ba người liên quan là Nguyễn Sơn Hải (41 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu), Lê Văn Toán (34 tuổi, trú tại Quỳnh Lưu), Bùi Thế Ái (45 tuổi, trú tại thành phố Vinh) cùng bị tạm giữ.
Gắn “IC ăn bớt xăng dầu”, ai phạm tội, theo tội danh nào? ảnh 1

Theo điều tra, kiểm tra hàng loạt trạm kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An, cảnh sát bắt quả tang 11 cơ sở gắn chíp điện tử (IC) giả tại các cột bơm để bớt xén từ 4 đến 11% lượng hàng bán cho khách. Cơ quan công an xác định người chế tạo mạch IC là Trần Lê Đức và ngày 15-11 đã bắt nghi can này khi đang trốn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Đức thừa nhận cáo buộc, khai đã “bán hàng” cho Hải, Toán và Ái. Các nghi can này lại tiếp tục bán và cài đặt các OC giả cho các cây xăng với giá 5 triệu đồng/mạch IC giả.

Quá trình điều tra xác định, thủ đoạn lắp đặt “IC ăn bớt xăng” của nhóm này rất tinh vi. Khác với IC thật, IC này chạy được hai chương trình “đúng và sai” với phương thức vận hành thuận lợi để đối phó cơ quan chức năng. Cơ quan điều tra đã chứng minh được nhóm tội phạm do Đức cầm đầu đã hoạt động hơn 6 năm nay. Thu gần 210 chiếc IC, 2 bộ máy sản xuất chương trình, một bộ nạp chạy chương trình. Hiện ngoài 11 trạm xăng bị bắt quả tang, Ban chuyên án đã làm rõ trên 20 trạm kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An có gắn “IC ăn bớt xăng” này để lừa dối khách hàng. Nhà chức trách cũng cho biết, ngoài Nghệ An, các nghi can khai đã lắp cho nhiều cây xăng ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định... 

Trong 11 trạm xăng bị bắt quả tang, 10 trạm đã bị rút giấy phép kinh doanh, bị niêm phong không được bán sản phẩm và phạt vi phạm hành chính từ 75 triệu-100 triệu đồng mỗi cây. Trạm còn lại không bị rút giấy phép do đã có công giúp phá án. Nhà chức trách đang làm rõ số lượng xăng dầu mỗi cây đã ăn gian của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua. 

Vấn đề cần trao đổi là các nhóm nghi can: sản xuất, buôn bán, cài đặt IC giả, chủ doanh nghiệp và người thực hiện ăn bớt xăng của khách hàng phạm tội theo tội danh nào? Hình phạt ra sao?

Các nghi can phạm tội Lừa đảo với các tình tiết tăng nặng

Lợi dụng lòng tin của khách hàng vào các thiết bị đo lường đã được kiểm định, có niêm chì, các nghi can đã phá vỏ đồng hồ để cài IC giả chiếm đoạt tài sản của người mua xăng. Mặc dù mỗi người chỉ một ít tiền, tuy nhiên trong nhiều năm, các cây xăng đã chiếm đoạt của khách hàng số tiền khổng lồ. Khách hàng không hề hay biết mình đã bị móc tiền bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền. Điều 139 lộ Luật Hình sự: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định rõ:  Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng trở lên là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần truy tố các chủ cây xăng và những người thực hiện việc bớt xén xăng dầu tại các cây xăng theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những tình tiết tăng nặng: Phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, lừa đảo nhiều người, thực hiện hành vi phạm tội liên tục trong thời gian dài

Trần Thị Mỹ Hạnh (Khối 4 phường Trường Thi TP Vinh)


Đã phạm tội làm hàng giả

Các mạng có IC trong các cây xăng điện tử đã được chế tạo để đo đúng, đo đủ lượng xăng dầu bán cho khách. Bằng mạng IC khác, các nghi can Đức và Hải, Toán, Ái đã làm sai lệch dữ liệu của cây xăng, nhằm ăn bớt của khách mua xăng dầu, làm lợi cho chủ cây xăng. Vậy mạng IC của các nghi can này là hàng giả, không phải hàng thật. Số lượng IC giả của các nghi can này rất lớn và gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

Nguyễn Văn Hùng (Thạch Hà Hà Tĩnh)

Chủ cây xăng cũng phải chịu trách nhiệm

Các chủ cây xăng là những người kiếm lợi trên số tài sản chiếm đoạt được của khách mua xăng. Họ cũng là người quyết định có lắp IC giả hay không, có áp dụng các biện pháp đối phó với cơ quan thanh, kiểm tra hay không. Những người bán xăng thuê chỉ là những người thừa hành, có liên đới trách nhiệm, không phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên vấn đề quan trọng là làm sao thu hồi được số tiền họ chiếm đoạt trong nhiều năm qua. Chắc chắn đây sẽ là số tiền khổng lồ.Không thể chỉ phạt hành chính vài chục, vài trăm triệu được. Tôi đề nghị căn cứ vào số lượng xăng dầu bán ra trong những năm có gắn IC giả, tính theo tỷ lệ ăn bớt và truy thu số tiền này. Có thể mỗi cây xăng đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Dĩ nhiên không tìm được chính xác số khách hàng bị chiếm đoạt tài sản, số tiền thu được sẽ nộp ngân sách để thực hiện các công việc công ích. 

Cấn Thị Thêu (Quốc Oai, Hà Nội)

Bình luận của luật sư 

Theo nội dung vụ án, chúng ta thấy trong vụ việc này có hai nhóm tội phạm và hai nhóm hành vi. Nhóm tội phạm thứ nhất, bao gồm các chủ cây xăng và bán xăng, là những người trực tiếp lừa dối khách hàng để chiếm đoạt tài sản, nhóm tội phạm thứ hai, bao gồm nghi can Trần lê Đức và đồng bọn chế tạo và cài các IC giả để làm thay đổi định lượng các công cụ đo lường. Về hành vi, ở đây có hai hành vi rất rõ: hành vi thứ nhất là lừa dối chiếm đoạt tài sản của khách hàng và hành vi thư hai là chế tạo các IC giả tạo điều kiện để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Hành vi phạm tội quyết định tội danh. Vì vậy, để có thể phân tích pháp lý để nhận ra các tội danh của các nghi can có thể đã phạm phải, chúng ta cần xem xét các hành vi của cả hai nhóm nghi can. Nhóm hành vi thứ nhất là hành vi lừa dối, chiếm đoạt tài sản (số tiền tính cho lượng xăng dầu bị ăn bớt). Các nghi can: Chủ cây xăng, những người bán xăng đều có thể đã phạm tội theo Điều 162 Bộ luật Hình sự: Tội lừa dối khách hàng với nội dung: Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì phạm tội Lừa dối khách hàng. Dĩ nhiên, họ chỉ trở thành tội phạm nếu biết rõ cây xăng đã được cài IC giả, đã thực hiện việc bớt xén xăng dầu và hưởng lợi từ hành vi bớt xén này. Nếu họ không biết hành vi gài IC giả và không hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt của khách hàng, họ không phạm tội.

Nhưng khả năng này rất thấp. Muốn can thiệp vào hệ thống đo lường của cây xăng phải tháo niêm chì, cài đặt IC giả khá phức tạp, nếu không có sự đồng ý của chủ cây xăng và sự đồng lõa của người bán xăng sẽ rất khó thực hiện. Các nghi can Đức và đồng bọn đã chế tạo, bán và cài đặt IC giả cho các chủ cây xăng, thực hiện vai trò giúp sức về mặt điều kiện vật chất, vì vậy nhóm nghi can này cũng phạm tội theo Điều 162 Bộ Luật Hình sự: Tội lừa dối khách hàng với vai trò đồng phạm. Như vậy, tất cả các nghi can trong vụ việc này đã có dấu hiệu phạm tội Lừa dối khách hàng. Những nhân viên bán xăng, với sự phụ thuộc chủ cây xăng, có thể không bị truy tố theo tội danh Lừa dối khách hàng, nhưng vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi: Không tố giác tội phạm. Vì họ biết rõ cây xăng đã lừa dối khách hàng mà không tố giác với cơ quan có trách nhiệm.

Hành vi có dấu hiệu phạm trội thứ hai là hành vi sản xuất, chế tạo mạch IC giả để làm sai lệch công cụ đo lường của nhóm nghi can gồm Đức và đồng bọn. Ngay khi sản xuất, buôn bán và cài đặt, Đức và động bọn đã biết rõ mạng IC này là giả và có tác dụng làm sai lệch theo hướng bớt xén xăng dầu của người mua hàng. Yếu tố này đã xác định động cơ phạm tội của Đức và đồng bọn. Như vậy khi sản xuất, buôn bán, cài đặt mạch IC giả này Đức và đồng bọn đã có dấu hiệu phạm tội theo Điều 156 BLHS: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với nội dung: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì phạm tội này.

Vì hành vi chiếm đoạt tài sản đã được truy tố theo tội danh lừa dối khách hàng nên các nghi can không bị truy tố theo các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lợi dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản theo nguyên tắc một hành vi chỉ bị truy tố theo một tội danh. 

Về hình phạt, các nghi can có dấu hiệu phạm tội với những tình tiết tăng nặng: Gây hậu quả nghiêm trọng, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi và chiếm đoạt khối lượng tài sản cực lớn. Vì vậy, các nghi can sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 162 Bộ Luật Hình sự: Tội lừa dối khách hàng với mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Các nghi can Đức và đồng bọn có thể bị truy tố thêm theo khoản 3 Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức hình phạt từ 7 đến 15 năm. Về các hình phạt khác. Các cây xăng đều có thể bị thêm hình phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu và thực tế, các cây xăng này đã phải nộp mỗi cây xăng từ 75 triệu đến hơn 100 triệu cho khoản phạt này. Việc phạt vi phạm hành chính này không thay thế trách nhiệm dân sự trước tòa án, phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt của khách hàng. Do không thể truy cứu từng khách hàng, số tiền thu hồi được sẽ nộp ngân sách để thực hiện các công trình công ích. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)