Đánh chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại (2): Gỡ “khó” cho lực lượng chống buôn lậu

ANTĐ - Khi các đối tượng buôn lậu, kinh doanh gian lận thương mại “vào mùa” cũng là lúc các đơn vị Công an phối hợp cùng các lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng triển khai kế hoạch cao điểm tấn công, phòng ngừa. 

Đánh chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại (2): Gỡ “khó” cho lực lượng chống buôn lậu ảnh 1Lực lượng CSKT CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện 6 xe chuyển phát nhanh chở hàng lậu 

Vì sao “nóng”?

Thủ đoạn của những đối tượng buôn lậu muôn hình muôn vẻ, thường xuyên thay đổi, trong khi đó, lực lượng làm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại lại mỏng, địa bàn kéo dài. Chưa kể,  trang thiết bị phục vụ cho lực lượng này vẫn thiếu, yếu. “Muốn có máy soi hàng hóa, bộ đàm, xe ô tô, xe máy cơ động trên địa hình phức tạp, lều bạt, chó nghiệp vụ trong những chuyên án lớn, nhưng không phải đơn vị nào cũng được cấp”, một cán bộ chuyên trách nhiều năm với công tác chống buôn lậu của Hà Nội chia sẻ. 

Thạc sỹ Phạm Duy Chiến, giảng viên khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện CSND trong quá trình đi thực tế tại một số tỉnh, thành phố đã cho rằng, đối tượng buôn lậu ngoài các biện pháp che giấu hành vi thì thậm chí còn tìm cách “kiểm soát” hoạt động của các cơ quan chức năng chống buôn lậu bằng việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật “đeo bám” cán bộ chống buôn lậu. Hàng lậu hiếm khi được tập kết tại kho mà thường cất giấu phân tán, có về Hà Nội thì cũng nhanh chóng được giải tỏa hoặc vận chuyển đến các điểm như bến xe, nhà ga để nhanh chóng chuyển đi các tỉnh. Thậm chí đối tượng buôn lậu còn sử dụng cả những xe mang BKS Nhà nước, lực lượng vũ trang… giả để qua mặt cơ quan chức năng.

Một khó khăn nữa của lực lượng chống buôn lậu là chưa có sự phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi địa bàn, biện pháp công tác theo thẩm quyền của từng lực lượng, nên đã có trường hợp chồng chéo hoặc bỏ trống địa bàn. Thực tế công tác đấu tranh chống buôn lậu thường được “mặc định” là trách nhiệm của lực lượng Công an, trong khi đó, để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là của chính quyền địa phương mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo 389 đã được triển khai hoạt động nhiều năm qua.

Một thực tế là khi bắt được các đối tượng có hành vi buôn lậu, thường các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ hàng hóa, xử lý hành chính; ít vụ được xử lý hình sự nên chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao. Vì vậy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại khó giảm, càng không thể chấm dứt.

Cần hoàn thiện quy định, chế tài

Đầu tiên là cần tăng cường hơn nữa về lực lượng, phương tiện và kinh phí cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu. “Phải có cơ chế trích một phần tiền thu được từ công tác chống buôn lậu để mua sắm trang thiết bị, nhanh chóng khắc phục tình trạng lực lượng chống buôn lậu mỏng về người, quá thiếu và lạc hậu về phương tiện giao thông, thông tin liên lạc và vũ khí, công cụ hỗ trợ như hiện nay”, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội kiến nghị.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, trước mắt, để đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán, CATP đã chỉ đạo Phòng cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV phối hợp với những địa bàn tiềm ẩn phức tạp hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, lập các tổ tuần tra kiểm soát 24/24 giờ theo mô hình “141” để kiểm soát chặt chẽ không để hàng hóa nhập lậu vào được địa bàn. Cùng với đó, các lực lượng công an Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân kết hợp triển khai các biện pháp trinh sát nhằm phát hiện các điểm tập kết hàng lậu lớn; lập danh sách các đối tượng nổi, đối tượng trọng điểm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu để có kế hoạch đấu tranh triệt phá. 

Cơ quan Công an sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, tăng cường xử lý bằng pháp luật hình sự để răn đe đối với các tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kinh doanh trái phép, trốn thuế, sản xuất và buôn bán hàng giả... Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các vụ việc đã phát hiện, điều tra, xử lý đến người dân nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, phát huy vai trò tố giác vi phạm, tội phạm của người dân. Tăng cường phối hợp với hệ thống cơ quan chính quyền địa phương, các ban ngành, các đoàn thể quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức này, huy động toàn bộ lực lượng vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các địa bàn trọng điểm.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất Ban Chỉ đạo 389 TP chỉ đạo lực lượng Công an, QLTT đặc biệt tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại ngay từ khu vực biên giới. Bởi từ thực tế đấu tranh với loại tội phạm này trong nhiều năm qua đã chứng minh, có thể làm giảm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại nếu đấu tranh từ gốc. Khi hàng lậu đã vào nội địa thì việc đấu tranh của cơ quan chức năng trong nội địa sẽ khó khăn hơn nhiều. Cùng với đó, cơ quan chức năng tập hợp những kiến nghị của cơ sở, các lực lượng làm nhiệm vụ để sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ có nguồn gốc từ nước ngoài theo hướng chặt chẽ hơn; phải kèm theo hóa đơn chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường và việc ghi thấp giá trị hàng hóa trên hóa đơn để đối phó cơ quan chức năng.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Hàng hóa đổ về Hà Nội nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết của người dân. Và trong dòng chảy hàng hóa đó, không thiếu hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại. Để người dân yên tâm hơn với mỗi sản phẩm tiêu dùng, các lực lượng của CATP nói riêng đang nỗ lực hết mình. Và rất cần sự đồng hành của các đơn vị, lực lượng, cùng sự hoàn thiện quy định, chế tài, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thực sự hiệu quả.