Đâm xe, tấn công Cảnh sát giao thông có thể bị truy tố tội giết người

ANTĐ - Chiều 24-2, Thượng tá Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, đơn vị đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hòa (30 tuổi, trú xóm 12 xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu). Trước đó, vào khoảng 16h ngày 21-2, tổ tuần tra kiểm soát giao thông (TTKSGT), Công an huyện Quỳnh Lưu đang giải quyết vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A tại km 407 (địa bàn xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu) thì phát hiện một xe mô tô không gắn biển kiểm soát do hai thanh niên điều khiển, rú ga với tốc độ cao theo hướng Hà Nội - TP Vinh. Ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ trong tổ TTKSGT ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. 
Đâm xe, tấn công Cảnh sát giao thông có thể bị truy tố tội giết người ảnh 1

Bất chấp tín hiệu của CSGT, đối tượng cầm lái quay ngược đầu xe lại lao vào tổ TTKSGT và dùng tuýp sắt tấn công lực lượng làm nhiệm vụ khiến Thiếu tá Nguyễn Trọng Phúc phải cấp cứu. Mặc dù bị tấn công, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ vẫn quyết tâm truy đuổi, bao vây bắt được đối tượng cầm lái, còn tên ngồi sau bỏ trốn. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai tên là Nguyễn Văn Hòa với địa chỉ như trên, còn tên ngồi sau là anh trai trai Hòa, tên là Nguyễn Văn Thành. Công an huyện Quỳnh Lưu đang truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Thành. Bước đầu, qua xác định của cơ quan điều tra, nghi can Hoà có sử dụng rượu bia lúc điều khiển xe.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn văn Thành phạm tội theo tội danh nào? Các nghi can chỉ chống người thi hành công vụ hay còn có hành vi giết người?

Phạm tội chống người thi hành công vụ

Các nghi can này đã uống rượu bia nên có những phản ứng thái quá đối với lực lượng thi hành công vụ. Hành vi của các đối tượng không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn lăng mạ người thi hành công vụ, tấn công cảnh sát thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng hành vi cụ thể có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng đó. Cụ thể: Những đối tượng nói trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010, còn đối với những hành vi quay xe đâm vào tổ cảnh sát, dùng tuýp sắt tấn công cảnh sát thì đó chính là hành vi chống người thi hành công vụ và cũng tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà hành vi này là hành vi vi phạm hành chính (sẽ bị xử phạt hành chính) hoặc là hành vi phạm tội (sẽ phải chịu hình phạt). Các nghi can không có động cơ giết người nên không bị truy tố theo tội danh giết người.

Nguyễn Mạnh Chiến (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

Cần phải truy tố các đối tượng về tội giết người

Dưới tác dụng kích thích của rượu bia, các nghi can đã có hành vi dùng vũ lực quyết liệt với các đông chí cảnh sát giao thông. Các nghi can đã dùng xe máy chạy với tốc độ cao đâm vào tổ kiểm soát giao thông sau khi nhận được lệnh dừng xe. Khi hành vi đâm xe không gây thương tích cho các đồng chí cảnh sát, các nghi can đã dùng tuýp sắt đánh vào đầu một đồng chí cảnh sát. Hành vi này chứng tỏ quyết tâm tước đoạt sinh mạng người khác. Hai nghi can biết rõ xe máy chạy với tốc độ cao đâm vào người có thể làm chết người. Dùng tuýp sắt đánh vào đầu có thể gây chấn thương sọ não làm chết người. Những hành vi của các nghi can chứng tỏ các nghi can cố ý, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Các nghi can phải bị truy tố theo tội danh Giết người, đúng quy định tại điều 93 Bộ luật Hình sự.


Hồng Hà (Nho Quan, Ninh Bình)

Các nghi can phạm tội cố ý gây thương tích

Theo nội dung vụ án, với những tình tiết đã được miêu tả, chúng ta thấy rõ các nghi can này là người địa phương, cậy gần nhà, khi bị phát hiện thấy mình bị công an dừng xe, tính côn đồ nổi lên, gây sự, hành hung cảnh sát giao thông để chạy trốn, tránh bị phạt. Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ để buộc lực lượng làm nhiệm vụ bỏ qua cho hành vi trái pháp luật của mình đã đủ cấu thành tội Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, khi sử dụng vũ lực các nghi can đã gây thương tích cho cảnh sát giao thông. Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có nội dung: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội nghiêm trọng, có thể bị phạt tù tới chung thân. Như vậy, nếu thương tích của Thiếu tá Nguyễn Trọng Phúc có tỷ lệ thương tật trên 11%, các nghi can sẽ bị truy tố theo tội danh Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác với tình tiết tăng nặng là phạm tội khi chống người thi hành công vụ. Nếu thương tích của Thiếu tá Nguyễn Trọng Phúc có tỷ lệ thương tật dưới 11% các nghi can sẽ bị truy tố theo điều 257 Bộ Luật Hình sự: Tội chống người thi hành công vụ. 


Lê Hiếu Nghĩa (Đại Từ, Thái Nguyên)

Uống rượu cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Không thể biện minh mục đích của hành vi chống lại lực lượng công an làm nhiệm vụ là để lực lượng này bỏ qua cho hành vi phạm tội. Ở đây, đối tượng  không phải lao xe bỏ chạy mà cố tình quay xe lại đâm lực lượng CSGT, và còn dùng hung khí hành hung lực lượng CSGT, đó là hành vi côn đồ, thực hiện hành vi quyết liệt và cố ý phạm tội đến cùng. Cũng không thể đổ cho uống rượu say không làm chủ được mình nên mới phạm tội. Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định: Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, các nghi can đã uống rượu và còn hành hung người thi hành công vụ. Các nghi can cần phải bị truy tố theo điều 93 BLHS tội danh Giết người có tình tiết tăng nặng là Chống người thi hành công vụ. Ở đây các nghi can đều là những người có đầy đủ năng lực hành vi, các nghi can phải biết việc lao xe máy vào lực lượng làm nhiệm vụ là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác và có thể dẫn đến chết người. Nên cần phải truy tố các đối tượng này về tội giết người. 


Lại Văn Toàn (Hà Đông, Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Xem xét các tình tiết vụ án chúng ta nhận thấy ở đây có một hành vi phạm tội: Khi bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, các nghi can đã có hành vi tấn công tổ cảnh sát và bỏ chạy. Ở đây, hành vi này có dấu hiệu phạm các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và tội danh Chống người thi hành công vụ. Để có thể xác định rõ tội danh, chúng ta cần phân tích động cơ của các nghi can thể hiện qua các hành vi của họ. 

Hành vi chống lại người thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó và có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của chính những người thi hành công vụ. Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định về việc tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ, thì hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm bằng tay, gậy chỉ huy giao thông; còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra; đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn. Khi có một trong các tín hiệu nói trên, người điều khiển xe phải dừng xe theo hiệu lệnh, dù mình có hành vi vi phạm hay không. Trong trường hợp không chấp hành thì theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đây bị coi là hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”. 

Người thi hành công vụ có thể bị tấn công bằng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực hoặc có các hành vi cưỡng ép của người phạm tội. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội Chống người thi hành công vụ. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện các hành vi chống đối, kháng cự, cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện các hành vi trái pháp luật. Ở đây, các nghi can không những không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà còn dùng vũ lực tấn công CSGT. Dấu hiệu phạm tội Chống người thi hành công vụ đã rõ. 

Tuy vậy, theo Hướng dẫn của TANDTC, các hành vi mà người phạm tội thực hiện với người thi hành công vụ cũng có thể ở các mức độ khác nhau và vai trò trong tố tụng cũng khác nhau. Ví dụ như: Người thi hành công vụ không bị thương tích, tổn hại sức khỏe hay thiệt hại gì về vật chất, thì họ chỉ là người làm chứng trong vụ án. Người thi hành công vụ bị gây thương tích hoặc bị chết thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 1 Điều 93 hoặc theo điểm k khoản 2 Điều 104 BLHS. Tức là hành vi chống người thi hành công vụ đã trở thành các tình tiết định khung tăng nặng của tội giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này thì người thi hành công vụ là người bị hại (nạn nhân) trong vụ án. Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 257 BLHS “Tội chống người thi hành công vụ”, thì cần phải xác định các hành vi dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc… của người phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại các Điều 93, 104 của BLHS. Người thi hành công vụ bị cưỡng ép, bị vu khống hoặc bị hủy hoại tài sản… Nếu các hành vi của người phạm tội cấu thành nên một tội phạm khác, thì người thi hành công vụ là người bị hại trong vụ án tương ứng đó.

Trong vụ án này, các nghi can không phải tấn công CSGT để chạy trốn vì nếu chạy trốn họ đã chạy thẳng, không quay xe lại. Các nghi can quay xe lại là để tấn công xâm hại sức khỏe tính mạng của CSGT. Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến một bạn đọc, các nghi can đã quyết tâm tước đoạt sinh mạng người khác. Hai nghi can biết rõ xe máy chạy với tốc độ cao đâm vào người có thể làm chết người. Dùng tuýp sắt đánh vào đầu có thể gây chấn thương sọ não làm chết người. Ngay sau khi chạy xe máy với tốc độ cao đâm vào tổ công tác không thành công, hai nghi can này đã tiếp tục dùng hung khí gây án. Những hành vi của các nghi can chứng tỏ các nghi can cố ý, quyết tâm giết người. Thiếu tá Nguyễn Trọng Phúc không chết là ngoài ý muốn của các nghi can. Tội danh giết người thuộc nhóm tội tình thức, có hành vi là phạm tội, không cần kết quả có gây chết người hay không. Cũng không thể nói các nghi can không làm chủ được mình do rượu bia, bởi vì sau khi gây án họ vẫn biết phóng xe chạy trốn. Ngay cả khi hai nghi can không làm chủ được mình do rượu bia mà gây án cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, các nghi can đã phạm tội theo điểm D khoản 1 Điều 93 BLHS vơi mức hình phạt có thể tới chung thân. Đây là bài học cho những kẻ hung hãn, dùng vũ lực chống người thi hành công vụ.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)