Chồng đổ xăng, vợ châm lửa tự sát, chồng có phạm tội không?

ANTĐ - Rạng ngày 19-3, chị Đỗ Thị Tình (28 tuổi, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) do can ngăn chồng đánh bạc, bị chồng là Ngô Văn Bình (32 tuổi) đánh đập. Sau khi hăm dọa đốt nhà, Bình hút xăng trong xe máy vào can, tạt lên màn, lên tường và làm văng lên người chị Đỗ Thị Tình. Trong lúc căm phẫn chồng, chị vợ đã lấy bật lửa đốt lên màn và người tự thiêu. 

Phát hiện sự việc, Ngô Văn Bình đã tri hô hàng xóm, phá cửa đưa con ra ngoài. Hàng xóm đã tham gia dập tắt đám cháy, không để lây lan ra các nơi khác trong nhà. Chị Tình được đưa ra khỏi phòng trong tình trạng bị bỏng khắp người. Do vết bỏng quá nặng, nạn nhân được chuyển Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Nhờ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tận tình cứu chữa, sức khỏe của chị Đỗ Thị Tình  đã dần hồi phục.

Vợ chồng chị Tình cưới nhau năm 2009. Cuộc sống khó khăn, 2 vợ chồng đùm bọc làm đủ việc để có tiền xây nhà, nuôi con. Sau khi xây nhà, tính tình Bình thay đổi, thường xuyên gây sự, đánh đập, chửi bới vợ. Hiện cơ quan công an đã triệu tập nghi can Bình và đang tiếp tục điều tra làm rõ sự thật vụ án.

Vấn đề cần trao đổi là chồng nạn nhân có phạm tội không và sẽ bị xử lý như thế nào?

Người chồng đã phạm tội bức tử người khác

Tại Điều 100 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về hành vi bức tử người khác bị coi là tội phạm là trường hợp: “…đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát…”. Ở vụ án này, nghi can Bình đã thường xuyên đánh vợ, trong thời điểm xảy ra vụ án, nghi can Bình đã tưới xăng lên đồ đạc trong nhà, tưới xăng lên cả người chị Tình dọa đốt. Những hành vi này thỏa mãn các quy định trong điều 100 BLHS. Chính hành vi của Bình đã đẩy chị Tình tìm đến cái chết. Bình phải bị truy tố theo tội danh Bức tử người khác theo điều 100 BLHS với mức phạt cao nhất tới 7 năm tù.

Nguyễn Văn Sơn (Cẩm Giàng, Hải Dương)

Chỉ là đe dọa, chứ không phạm tội

Theo quy định của điều 100 BLHS, hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát gồm: ...Đối xử tàn ác với nạn nhân như đánh đập, bỏ đói, bỏ rét… Ví dụ: chồng thường xuyên đánh vợ. Trong vụ án này, đúng là nghi can Bình có hay đánh vợ và trong thời điểm xảy ra vụ án, nghi can Bình có đánh vợ và đổ xăng lên đồ đạc trong nhà dọa đốt. Tuy nhiên, hành vi của nghi can Bình chỉ là dọa nạt, không có ý thức đẩy chị Tình đến chỗ phải tự sát. Theo các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, hành vi bức tử phải có yếu tố chủ quan là: Tội phạm được thực hiện do cố ý, chủ thể nhận thức được hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân tự sát. Trong trường hợp này, yếu tố chủ quan đó không có. Nghi can Bình không muốn cho vợ chết, cụ thể, nghi can Bình đã hô hào dập lửa và tích cực cứu vợ và con. Trong thời gian cấp cứu, nghi can Bình đã tận tình cùng thầy thuốc chữa chạy để vợ được sống. Nên không thể coi đối tượng đã phạm tội Bức tử người khác.

Lê Hải Yến (Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Nghi can Bình đã vi phạm Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình

Hành vi đánh đập vợ thường xuyên của nghi can Bình đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: 1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tiếp theo, Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đã quy định đầy đủ về các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, hành vi vi pham và các cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Theo các quy định trên, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trước hết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định của Luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Đồng Thị Thu Thủy (Tiền Hải, Thái Bình)

Phải truy tố kẻ đánh vợ theo tội danh Hành hạ người khác

Nạn nhân Đỗ Thị Tình là người lệ thuộc trong quan hệ vợ chồng với nghi can Bình. Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 3 năm. 

Trước hết, cần hiểu hành hạ người khác là gì? Có thể hiểu, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình lặp đi lặp lại nhiều lần gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho người bị hành hạ. Nghi can Bình, theo tố cáo của hàng xóm thường xuyên đánh vợ, đã có lần vợ phải chạy ra đường kêu hàng xóm cứu giúp. Ngay ngày xảy ra vụ án, nghi can Bình cũng đánh vợ và có những hành vi đối xử tàn ác như đổ xăng vào đồ đạc trong nhà dọa đốt. Đây chính là hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần, thỏa mãn quy định tại điều 110 BLHS, tội danh Hành hạ người khác. Nghi can Bình phải bị truy tố theo khoản 2 điều luật này với tình tiết tăng nặng: Gây hậu quả 

nghiêm trọng.


Nguyễn Mai Thuyên (Nha Trang, Khánh Hòa)

Bình luận của luật sư 

Xem xét hành vi cụ thể, chúng ta thấy trong vụ án này có hai hành vi của hai người có thể nhận định nghi can Bình có phạm tội hay không và nếu phạm tội thì phạm tội theo tội danh nào? Hành vi thứ nhất là nghi can Bình thường xuyên đánh đập vợ là chị Đỗ Thị Tình. Ngay đêm xảy ra vụ án, Bình cũng đánh vợ và đổ xăng vào đồ đạc trong nhà, xăng bắn cả vào người chị Đỗ Thị Tình. Lưu ý là Bình không cố ý đổ xăng vào người chị Tình. Hành vi thứ hai là hành vi bật lửa tự thiêu để tự sát của chi Đỗ Thị Tình. Lưu ý, hành vi của chị Tình chỉ hoàn thành bởi có điều kiện là Bình đổ xăng tưới lên đồ đạc và giường ngủ trong phòng. 

Các hành vi này cấu thành tội phạm nào? Ở hành vi thứ nhất, Bình thường xuyên đánh vợ. Hành vi đánh vợ của nghi can Bình đã diễn ra nhiều lần. Tuy nhiên, như chính chị Tình đã thừa nhận, những vụ đánh đập này không gây thương tích cho chị Tình và không làm rạn nứt quan hệ vợ chồng của hai người. Có thể nói hành vi đánh đập vợ nhiều lần của nghi can Bình đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cần phải xử phạt theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Mức xử phạt cần đủ sức răn đe để nghi can Bình không tiếp tục vi phạm.

Nhưng đến các vi phạm trong đêm ngày 18, rạng ngày 19-3 thì dấu hiệu phạm tội đã rõ. Bình đã đánh vợ, lấy xăng trong xe máy, rót vào can và hắt lên đồ đạc gia đình, xăng bắn lên cả người chị Tình. Hành vi này là hành vi hành vi đối xử tàn ác, ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình trong quan hệ vợ chồng. Hành vi này, cùng với việc đã bị Bình đánh đập nhiều lần đã dẫn đến việc châm lửa tự sát của chị Đỗ Thị Tình. Về mặt hình thức, hành vi này của nghi can Bình có dấu hiệu của tội Bức tử người khác theo điều 100 BLHS. Tuy nhiên, xem xét chi tiết, chúng ta thấy nghi can Bình không cố ý đẩy chị Tình đến chỗ tự sát mà hành vi hành hạ chị Tình chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân (không để cho chị Tình ngăn cản đi đánh bạc). Ngay khi xảy ra việc chị Tình tự sát, nghi can đã kêu cứu và tích cực cứu chữa nạn nhân. Có thể nói, nghi can đã không có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Với tất cả những phân tích trên, chúng ta thấy rõ ràng Bình đã thấy nạn nhân rất phẫn uất, nhưng vẫn thực hiện các hành vi ngược đãi vì tin rằng hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Theo Nghị quyết 04/HĐTP TANDTC hướng dẫn xét xử tội Bức tử người khác: Mặt khách quan của tội phạm là: đối xử tàn ác. Hành vi đối xử tàn ác dù mới xảy ra một lần cũng có thể làm cho nạn nhân tự sát. Dù nạn nhân tự sát không chết, bị cáo vẫn bị xử lý về tội bức tử. Về mặt chủ quan: tội phạm được thực hiện do cố ý, chủ thể nhận thức rõ hành vi của mình có thể làm cho nạn nhân tự sát, không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp) và cũng có thể do cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả. Những tình tiết này đã cho thấy nghi can phạm tội bức tử người khác, trong trường hợp này là chị Đỗ Thị Tình, vợ của nghi can với lỗi vô ý. Tội phạm đã hoàn thành khi chị Tình đã thực hiện hành vi tự sát. 

Như vậy, các hành vi của nghi can Bình có thể bị xử lý theo hai tội danh. Tội danh thứ nhất vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình trong thời gian dài. Hành vi này có thể chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Tội danh thứ hai là tội danh Bức tử người khác theo điều 100 BLHS. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Xin lưu ý điều cuối cùng, nếu nghi can biết chắc chắn hành vi tàn ác của mình có thể dẫn đến hành vi tự sát của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện thì nghi can có thể bị truy tố theo tội danh Giết người (điều 93 BLHS)


Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)