Bài học đắt giá khi mua nhà trên giấy

ANTĐ - Trước khi cơ quan chức năng bắt giam bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Housing Group để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người mua nhà, TAND TP Hà Nội đã mở nhiều phiên tòa xét xử các vụ án chiếm đoạt tiền của khách hàng mua nhà. Đây là bài học đắt giá để người dân cảnh giác, tránh mắc bẫy kẻ xấu, “tiền mất, tật mang”.

Bài học đắt giá khi mua nhà trên giấy ảnh 1

Khách hàng khó đòi tiền

Điển hình là vụ án Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt Nam Lê Hồng Bàng. Do không có vốn để hoạt động kinh doanh, Bàng ký hợp đồng liên doanh, liên kết hàng loạt dự án nhà ở, chung cư ảo, huy động trái phép tổng số tiền hơn 347 tỷ đồng của hàng trăm bị hại qua 4 dự án không có thật. Ngoài hình phạt tù chung thân, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo Bàng phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Hay như vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1- 5 Lê Hòa Bình cùng đồng phạm đã huy động vốn của những người có nhu cầu mua đất dưới hình thức ký kết “hợp đồng giao vốn”. Bị cáo Bình và đồng phạm đã che giấu thông tin, tiếp tục sử dụng hợp đồng vay vốn cùng phụ lục hợp đồng đã bị phía đối tác thông báo chấm dứt để lừa khách hàng, chiếm đoạt gần 790 tỷ đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Bình tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, cơ quan chức năng đã bắt Bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Housing Group để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại dự án B5 Cầu Diễn, sau khi nhận tiền của khách hàng, bà Nga đã đem sử dụng vào các mục đích khác thay vì đầu tư vào dự án và đến nay, Housing Group không có khả năng chi trả cho những người đã trót tin mà đưa hết tiền dành dụm cho bà Chủ tịch HĐQT...

Những cá nhân sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên hành trình đi đòi tiền của người dân không biết bao giờ mới kết thúc, ước mơ có ngôi nhà của họ càng xa vời hơn.

Minh bạch thông tin 

Luật sư Phạm Quang Huy (Văn phòng Luật sư Hàn Sĩ Huy) nhận định, để đảm bảo quyền lợi của mình, những nạn nhân bị lừa cần tiến hành khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu  các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản sau khi người đứng đầu bị bắt, nguy cơ khách hàng mất trắng khoản đầu tư là rất cao. Người mua nhà cũng phải chịu rủi ro khi quá tin tưởng vào các dự án huy động vốn trái phép. Luật sư Phạm Quang Huy đánh giá, từ những sự việc này cho thấy lỗ hổng pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Quy định pháp luật trước đây chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật Nhà ở năm 2014 vừa được ban hành sẽ khắc phục được lỗ hổng này với quy định các dự án buộc phải có ngân hàng bảo lãnh.

 “Việc mua bán căn hộ chỉ là giao dịch dân sự, để tự bảo vệ mình, người dân phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về dự án. Cần quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin, giám sát đối với các dự án BĐS. Nếu chưa minh bạch về thông tin, tình trạng này sẽ còn tái diễn”, luật sư Phạm Quang Huy nói.

Cả nước có khoảng 1.000 dự án bất động

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng, tổng diện tích đất theo quy hoạch 102.228ha. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, có 3.258 dự án (khoảng 81%) đang tiếp tục triển khai. Như vậy, vẫn còn khoảng 1.000 dự án BĐS đang ở trong tình trạng  “nằm im”.