Xa vời giấc mơ ô tô “made in Việt Nam”

ANTĐ - Thời điểm này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô liên lạc với đại diện doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nào cũng nhận được thông tin: “Đang cân nhắc nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì nhập linh kiện về lắp ráp xe tại Việt Nam”. Nếu điều này xảy ra, giấc mơ ô tô “made in Việt Nam” sẽ không thành hiện thực.

Xa vời giấc mơ ô tô “made in Việt Nam” ảnh 1Ô tô nội địa tiếp tục đứng trước “cuộc chiến” cam go

Xe nhập khẩu rẻ hơn xe lắp ráp

Gần đây, đại diện Toyota Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này và một số nhà sản xuất trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đang cân nhắc xem liệu có nên tiếp tục sản xuất ô tô tại Việt Nam không hay chuyển sang nhập khẩu xe về bán. Theo đại diện Toyota Việt Nam, từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN sẽ về mức 0% (áp dụng với xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L), trong khi thuế nhập khẩu linh kiện còn khá cao nên nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn nhập linh kiện rồi lắp ráp tại Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam, các dòng xe phổ thông mang các thương hiệu Toyota, Ford, Mazda, Honda... đang chiếm thị phần áp đảo. Hầu hết các hãng xe này đều đang có ít nhất một nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan hoặc Indonesia. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô cho hay, khi thuế nhập khẩu về 0%, giá bán xe nhập từ các nước ASEAN sẽ thấp vì không còn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng sau khi cộng dồn cũng thấp hơn, kéo theo phí đăng ký xe cũng thấp hơn so với xe sản xuất trong nước. Do đó, từ năm 2018, khả năng xe từ các nước ASEAN tràn vào Việt Nam rất dễ xảy ra.

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt từ tháng 6-2014, song đến nay, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn chưa thấy có động thái triển khai chiến lược này từ bộ, ngành liên quan. Công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt trung bình 10-30%, tùy từng dòng xe. Việt Nam vẫn chỉ là thị trường tiêu thụ và lắp ráp ô tô. Trong đó, khoảng 90% xe sản xuất tại Việt Nam là do doanh nghiệp nước ngoài lắp ráp, còn lại là doanh nghiệp trong nước. 

Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho rằng, muốn phát triển công nghiệp phụ trợ thì doanh nghiệp phải được vay vốn dài hạn, từ 10-20 năm. “Để tăng tỷ lệ nội địa hóa thì cần được vay vốn dài hạn. Nhiều ngân hàng cho vay đầu tư vào lĩnh vực này chỉ từ 6 - 12 tháng là không phù hợp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc lại được ưu tiên vay vốn”- ông Bùi Ngọc Huyên nói. 

“Lo cũng chẳng làm được gì”!

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, nếu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài ngừng sản xuất tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc thì doanh nghiệp nội lo cũng chẳng làm được gì. Vì từ trước đến nay, chưa bao giờ doanh nghiệp nội cạnh tranh được với xe sản xuất, lắp ráp trong nước của các hãng đó. “Một số ý kiến nói xe nội địa giá rẻ hơn xe doanh nghiệp nước ngoài lắp ráp hoặc xe nhập cùng loại cả trăm triệu đồng, nhưng mẫu mã quá xấu, không có thị trường để tiêu thụ”- vị này nói. 

Đối với dòng xe tải, hiện tỷ lệ nội địa hóa cao hơn xe du lịch nên việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện theo lộ trình cam kết sẽ ảnh hưởng ít hơn tới phân khúc này. Thêm vào đó, xe tải không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn nên còn cơ hội cạnh tranh với xe nhập khẩu. Tất nhiên, các doanh nghiệp sản xuất xe tải cũng phải cân nhắc phương án để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình khi thuế nhập khẩu bị cắt giảm mạnh hơn.

Đại diện doanh nghiệp sản xuất xe nêu trên cho rằng, thực chất thông điệp Toyota Việt Nam đưa ra là muốn Việt Nam phải có chính sách linh hoạt, rõ ràng, cụ thể hóa Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô. “Họ muốn Việt Nam có động thái nhanh chóng, rõ ràng hơn để doanh nghiệp xác định chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nội cũng muốn biết, công nghiệp ô tô trong nước sẽ phát triển hay chúng ta sẽ dùng toàn bộ xe nhập? Việc họ có ngừng sản xuất tại Việt Nam hay không thực sự không quá quan trọng. Quy luật thị trường là người này ra đi, người khác sẽ đến. Hiện tại, một số nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang rất muốn đầu tư vào Việt Nam”- vị này nói.