Đề xuất tăng lệ phí đăng ký ô tô gấp 5 lần: Khó giảm được phương tiện cá nhân?

ANTĐ - Cơ quan chức năng TP.HCM vừa đề xuất tăng lệ phí đăng ký xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi gấp hơn 5 lần so với hiện nay nhằm hạn chế sự gia tăng chóng mặt của phương tiện giao thông cá nhân. 

Đề xuất tăng lệ phí đăng ký ô tô gấp 5 lần: Khó giảm được phương tiện cá nhân? ảnh 1Tăng phí nhưng vẫn khó giảm lượng xe ô tô cá nhân

Tăng ngân sách, hạn chế ô tô cá nhân

Công an TP.HCM vừa đề xuất tăng lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông đường bộ (tại TP.HCM) đối với xe ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh vận tải hành khách lên gấp 5 lần mức hiện tại; xe máy 2 bánh tăng thêm khoảng 50% mức hiện tại. Theo đó, xe ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh khi đăng ký cấp mới có mức phí tăng từ 2 triệu lên 11 triệu đồng. Xe máy giá trị dưới 15 triệu đồng có mức phí tăng từ 500.000 lên 750.000 đồng; từ 15 đến 40 triệu đồng, tăng từ 1 triệu lên 2 triệu đồng và xe máy trên 40 triệu có mức phí 3 triệu đồng (hiện nay 2 triệu đồng). Các mức phí được đề xuất vẫn nằm trong khung quy định tại Thông tư 127 của Bộ Tài chính. Cụ thể, mức phí đăng ký xe ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh từ 2-20 triệu đồng (khu vực 1). Tương tự, mức phí đăng ký xe máy trị giá dưới 15 triệu từ 500.000-1 triệu đồng...

Hiện nay, mức lệ phí đăng ký mới lần đầu xe ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh áp dụng tại Hà Nội là 20 triệu đồng (TP.HCM áp dụng mức thấp nhất là 2 triệu đồng). Như vậy, nếu so với khung quy định tại Thông 127, mức đề xuất của TP.HCM tuy tăng hơn 5 lần nhưng vẫn chưa kịch khung. Theo CATP.HCM, mức thu này nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân song vẫn phù hợp điều kiện kinh tế của người dân TP. 

Không làm khó được “nhà giàu”

Đề xuất này của TP.HCM nhận được sự đồng tình của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói: “Tôi ủng hộ giải pháp mà TP.HCM đưa ra, vừa giúp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vừa tăng thu ngân sách trong mức cho phép”. Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện xe cá nhân (ô tô và xe máy) phát triển mạnh, tại Hà Nội và TP.HCM còn phát triển lượng lớn xe taxi gây tắc nghẽn giao thông. Nhiều năm qua, cả 2 đô thị này đều quan tâm nâng cấp hệ thống hạ tầng nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp tốc độ phát triển của phương tiện giao thông cá nhân. “Thực tế, việc tiếp tục mở rộng đường ở Hà Nội và TP.HCM là nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, giải pháp tăng phí đăng ký xe ô tô cũng là một giải pháp”, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Tuy nhiên, người dân và một số hiệp hội chuyên ngành lại cho rằng, giải pháp tăng phí ô tô cá nhân và xe máy chỉ khả thi về mặt ngân sách, khó đạt mục tiêu giảm phương tiện cá nhân. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích: “Với những người đã tính toán và sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua ô tô thì họ không ngại việc bỏ ra vài chục triệu đồng nữa để nộp phí. Vì vậy, giải pháp của TP.HCM chỉ khả thi về mặt tăng ngân sách, còn giảm phương tiện cá nhân là rất khó”. Theo ông Thân Văn Thanh, giải pháp tăng phí, thuế trước bạ để hạn chế xe cá nhân trong 10 năm qua đã được bàn bạc nhiều lần nhưng hiệu quả không cao. Cùng quan điểm, anh Đinh Công Hoàng ở thị trấn Phùng, Đan Phượng cho biết: “Tăng thuế, phí chỉ làm tăng gánh nặng lên vai người tiêu dùng. Tôi có 800  triệu đồng để mua ô tô thì cũng không “ngại” chi thêm 20 triệu nữa để nộp phí. Cơ quan chức năng nên làm thế nào để người dân thấy được, sử dụng phương tiện giao thông công cộng tốt hơn xe cá nhân và họ không mua nữa. Đừng dùng thuế, phí “đánh” vào người dân”. 

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ngoài giải pháp tăng phí, với ô tô đăng ký mới lần đầu, nên quy định phải chứng minh được có chỗ để xe. Bên cạnh đó, cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới taxi vì hiện nay đường đã quá tải và hệ thống giao thông tĩnh không còn đủ chỗ đỗ.