Vợ ơi, em đừng mãi là cây tầm gửi như vậy

ANTĐ - "Mẹ em... lại là mẹ em... em bao nhiêu tuổi rồi mà tại sao lúc nào em cũng phải dựa vào mẹ thế hả?"

Em sững sờ nhìn anh... Cũng phải thôi vì 5 năm, kể từ ngày mình cưới nhau đến giờ lần đầu tiên anh quát em to tiếng như vậy.

Từ hôm đó, em vẫn lo toan việc nhà, vẫn chăm sóc con nhưng tuyệt nhiên không chuyện trò với anh, ngay cả khi anh chủ động gợi chuyện. Anh biết là em đang giận.

Em à, anh biết mình không phải khi nổi nóng với em. Nhưng thú thật lúc đó anh rất bực bội, một sự bực bội bị dồn nén quá độ vì cách sống của em. Dù đã có gia đình riêng, đã là vợ, là mẹ nhưng từ việc lớn, việc nhỏ em đều báo cáo mẹ rồi để mẹ quyết định thay mình: từ việc chọn bệnh viện sinh con, đặt tên cho con, mua đất, xây nhà... Nhớ ngày hai vợ chồng mình mới dọn ra ở riêng phải mua sắm một số đồ gia dụng, anh bảo với em là thời buổi bây giờ ngoài siêu thị đồ dùng sẵn lắm, hai vợ chồng cùng đi xem thấy cái gì tiện dụng, thích hợp thì mua nhưng em không nghe.

Em gọi điện cho mẹ rồi mua đúng những thứ mà mẹ tư vấn, dù có thứ mua về dùng không tiện tí nào. Con mình đến tuổi đi học mẫu giáo, cả anh và em đã đi ngắm trường cho con và đều rất thích cái trường tư thục chất lượng cao ở gần nhà. Thế nhưng khi em về báo cáo với bà ngoại, bà lắc đầu: - Chúng mày không xem ti vi à, con còn bé tí đã bắt con đi lớp, gửi con vào đó không chừng lại bị bạo hành, cứ để ở nhà cho mẹ trông.

Chỉ ngần ấy lời của bà mà em thay đổi ý định mặc cho anh khuyên can. Cái lý mà em đưa ra để giành phần thắng với anh là: Dù gì mẹ em cũng đã nuôi ba đứa con khôn lớn, đứa nào cũng ngoan ngoãn, khỏe mạnh, thành đạt. Cũng không muốn đôi co với em khiến không khi trong gia đình căng thẳng nên anh đành chiều theo ý em. Cho đến khi con mình ba tuổi vẫn chưa biết nói, em sốt ruột đưa con đi khám. Bác sĩ khuyên cho con đi nhà trẻ, chứ cứ để ở nhà một bà, một cháu việc phát triển ngôn ngữ của con sẽ khó khăn em mới chịu nghe theo.

Rồi đến việc cái trần nhà mình bị thấm nước mưa, vợ chồng mình đã lên kế hoạch sửa nhà, anh cũng đã sắp xếp việc ở cơ quan để xin nghỉ phép gọi thợ đến làm. Thế nhưng buổi tối bà ngoại gọi điện sang, hai mẹ con chuyện to chuyện nhỏ với nhau. Cúp máy, em nhìn sang anh rồi truyền khẩu dụ: Mẹ em bảo tháng sau hẵng sửa nhà vì tháng sau mới là tháng đại lợi. Em không hỏi xem ý kiến anh thế nào mà cứ giục anh gọi điện cho thợ báo hoãn! Em có hiểu cái cảm giác của một người đàn ông khi thấy mình chẳng có vai trò gì trong gia đình là như thế nào không?

Vợ của anh!

Anh biết tình cảm giữa mẹ và con gái thường rất thân mật, gần gũi. Anh tôn trọng tình cảm đó. Anh cũng biết bà ngoại của con mình là người giỏi giang, yêu thương con cháu hết lòng. Nhưng chúng mình đã có gia đình, đã làm bố, làm mẹ, anh mong em đừng là cây tầm gửi, đừng quá phụ thuộc dựa dẫm vào mẹ. Không nhất thiết mọi chuyện trong gia đình mình đều phải hỏi ý kiến mẹ. Có những chuyện vợ chồng mình nên bàn bạc và tự quyết định. Dù rằng những lúc khó khăn, vợ chồng mình cần sự giúp đỡ của mẹ nhưng em phải học cách sống độc lập như một người đã thật sự trưởng thành. Có thế em mới là chỗ dựa của con và bởi vì bên em còn có anh, để anh cảm thấy mình được tôn trọng và được là chỗ dựa của em được không em?