Về vụ Hào Anh ngược đãi cha mẹ: Bài học đau xót về tình thương

ANTĐ - Hình ảnh cậu bé Hào Anh (ấp Phú Hiệp, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị ngược đãi với thân thể nhằng nhịt các vết sẹo, có vết còn đang rỉ máu, gương mặt sưng húp, môi sứt, răng gãy… năm 2010 khiến cả xã hội phẫn nộ. 4 năm sau, Hào Anh lại khiến dư luận xôn xao, xoay quanh hành vi đuổi đánh cha mẹ ra đường của em. 

Từ đáng thương tới đáng trách

Ngày đó, khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, nhiều người rùng mình với câu chuyện Hào Anh bị vợ chồng người chủ đánh như thời Trung cổ. Em đã phải chịu sự hành hạ của vợ chồng người chủ suốt 2 năm – kể từ khi mẹ em vì nghèo khó đã “bán em đi ở đợ” để mỗi tháng nhận vài trăm nghìn đồng tiền công. Ai nhìn thấy Hào Anh cũng sởn gai ốc, thấy đau đớn, phẫn nộ, kinh hãi về những hành vi man rợ, mất hết tính người của nhà chủ. Giám định cho thấy, em bị thương tật lên đến 66,83%. 

Cuộc đời Hào Anh đi từ thái cực này sang thái cực khác. Hôm qua, em còn là nạn nhân của hành vi tàn khốc không ai biết đến, hàng xóm dửng dưng, chính quyền vô trách nhiệm. Khi sự việc được khui ra, em được cả xã hội quan tâm, chăm sóc, từ Trung ương đến địa phương đều có người lên tiếng bênh vực, xót xa, lên án hành vi độc ác của người chủ trại tôm, chung tay giúp sức, góp tiền cho em. Nghe đâu, số tiền đó lên đến 600-700 triệu đồng. 

Sau 4 năm, khi em đủ tuổi trưởng thành, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau đã trao lại cho Hào Anh toàn bộ tiền được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Em mua đất, dựng nhà rồi mời mẹ, cha dượng và em đến ở. Nhưng đến ngày 30-8, em bị Công an phường 8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau xử phạt hành chính về hành vi “buộc các thành viên trong gia đình rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ”. Chuyện đau lòng bắt đầu từ khi Hào Anh xin tiền mẹ đi chơi nhưng mẹ không cho nên em đã đập phá đồ đạc, chửi mắng mẹ và cha dượng rồi đuổi họ ra khỏi nhà. Người mẹ cho biết, kể từ khi được tiêu tiền, Hào Anh đã ăn tiêu hoang phí. Em mua rồi đổi 3-4 xe máy, sắm nhiều điện thoại đắt tiền, iPad, sau đó lại bán đi hết. Em cũng hai lần học nghề nhưng đều bỏ giữa chừng. Hiện Hào Anh đã hơn 18 tuổi nhưng vẫn lông bông, không học hành, nghề ngỗng gì. Dư luận lại một lần nữa phẫn nộ, nhưng là vì Hào Anh đã làm họ thất vọng. Họ cứ nghĩ, sau khi có được một khoản tiền lớn từ lòng thương cảm của mọi người, em phải biết quý trọng nâng niu. Nhưng em lại tiêu pha hoang phí, không chịu học hành, lao động, mà còn có hành vi bất hiếu với cha mẹ.

Vết thương khó lành

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn không tỏ ra bất ngờ về câu chuyện này. Hào Anh có diễn biến tâm lý đúng như hoàn cảnh sống mà em đã từng trải qua. Lớn lên thiếu cha, trải qua cuộc sống vất vả, cực khổ cùng với mẹ và em trai, vốn Hào Anh đã không được hưởng tình yêu thương đầy đủ. Mẹ cũng bận rộn kiếm miếng cơm manh áo nên chắc cũng không có nhiều thời gian giáo dục con từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử cũng như các giá trị sống cần phải coi trọng. Lại sớm bước vào cuộc sống lao động cực khổ khi đi làm thuê cho người ta, chịu một cuộc sống bị đánh đập, hành hạ như địa ngục, tâm lý, nhận thức của Hào Anh về các giá trị sống, về tình người cũng méo mó đi rất nhiều. 

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ - hạnh phúc), mọi người mới chỉ đánh giá được mức độ thương tật trên thân thể Hào Anh nên cho tiền để hy vọng em sẽ có cơ hội để chữa lành các vết thương, sống một cuộc đời mới đầy đủ về vật chất. Tuy nhiên, chưa ai đo đếm hết những tổn thương tâm lý mà em đã chịu phải, cũng như tìm cách vá lành nó. Trải qua những đau đớn, ê chề như vậy về thân thể, Hào Anh chắc chắn sẽ có sự hận thù đối với cuộc sống, kể cả cha mẹ đã vô tình đẩy em đến hoàn cảnh đó. Lại sẵn có món tiền từ thiện lớn một cách dễ dàng, Hào Anh sẽ tìm cách tiêu pha phung phí – như một cách bù đắp lại đau khổ mà em đã phải chịu đựng. Thậm chí, Hào Anh còn cho rằng, nếu mình bị tổn thương mới có được sự thông cảm và tình thương của người khác. Bằng chứng là khi thất tình, em đã cắt tay tới 5 lần (theo lời mẹ Hào Anh – pv).  “Sự nhanh chóng thương xót, hô hào cổ vũ giúp đỡ của xã hội đã đem lại cho Hào Anh một quan niệm méo mó về giá trị - bị hành hạ mới được yêu thương. Đã ai nghĩ đến những sang chấn tâm lý mà Hào Anh phải chịu đựng và tìm cách chăm sóc, chữa trị cho em chưa? Hay chỉ nghĩ rằng cho em ít tiền là đã “bịt” được vết thương. Không học hành, không nghề nghiệp, lại sẵn những ám ảnh méo mó trong quá khứ, Hào Anh chắc chắn sẽ có cư xử lệch lạc, sống buông tuồng và có thái độ hư hỗn với cha mẹ” – bà Lê Thị Túy nhận định.

Bà Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ - hạnh phúc): Cần sự định hướng đúng

“Chuyện của Hào Anh chính là bài học đau xót cho cả xã hội về công tác làm từ thiện cũng như các nhà quản lý, chăm sóc trẻ em bị ngược đãi. Không chỉ đưa ra một nắm tiền là xong mà còn cần có một biện pháp tổng thể để “cứu vớt” những đứa trẻ chịu tổn thương dày đặc về thể xác lẫn tâm hồn. Cần phải có các biện pháp để giúp em điều trị các sang chấn tâm lý, có kiến thức, có nghề nghiệp để có thể tiêu pha và quản lý tốt tiền từ thiện”.