Sách “ngôn tình“: Coi chừng “Lập lờ đánh lận con đen”

ANTĐ - Thế nào là ngôn tình? Dịch nôm na, ngôn có nghĩa là ngôn ngữ. Tình có nghĩa là tình yêu. Vắn tắt là chuyện tình yêu. Khoảng 10 năm trước, truyện ngôn tình phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Cũng thời điểm đó trên kệ sách lúc bấy giờ, độc giả Việt Nam mới chỉ biết và mê mẩn những chuyện tình diễm lệ của Quỳnh Dao hay Sidney Sheldon…Thế rồi, dòng sách ngôn tình du nhập vào Việt Nam thông qua việc dịch và in tràn lan của các công ty sách, nhà sách cùng sự hậu thuẫn của các NXB và cả bạn đọc.
Sách “ngôn tình“: Coi chừng “Lập lờ đánh lận con đen” ảnh 1

Những cuộc tình tay ba tay tư éo le oan trái một cách khó hiểu. Những nhân vật nam đẹp trai, lạnh lùng, tài giỏi tột bậc, nhưng lại có trái tim rõ là ấm áp yêu thương dành cho người mình yêu. Những nhân vật nữ xinh đẹp nhưng kèm thêm lãng mạn, duyên dáng, thông minh. Họ gặp nhau rồi kết thúc câu chuyện đương nhiên “tài tử gặp giai nhân”… Tất cả những tóm tắt kể trên là một phần kết cấu hình thành nên thể loại truyện được gọi là ngôn tình. Thể loại này vừa bị Cục Xuất bản tuýt còi đề nghị tạm dừng xuất bản.

Và khi “cơn lũ lãng mạn” tràn qua thì lúc đó người ta mới ngộ ra rằng, hóa ra những chuyện tình diễm lệ trước nay vẫn đọc - nhiều người còn gọi là “tiểu thuyết ba xu” nếu so về độ nhảm, độ hời hợt và nhạt nhẽo thì còn kém xa loại sinh sau đẻ muộn là “tân ba xu”- ngôn tình bây giờ. Và phàm đã là lũ thì đều nguy hiểm, dù là “lũ sách” dạy yêu đương lãng mạn.

Truyện ngôn tình khởi sinh ở Trung Quốc và phát triển mạnh cũng ở nơi này. Ngôn tình chia thành hàng loạt thể loại: xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam), cổ đại (mang tính chất cổ xưa)… Dù cho câu chuyện có xảy ra vào thời nào, oan trái thế nào thì rốt cuộc đều kết thúc có hậu.

Chính vì thế, nếu độc giả đã trót đọc một cuốn đầu, “hoàn cảnh xô đẩy” phải đọc tiếp cuốn thứ hai thì chỉ cần đọc độ mươi trang là sẽ đoán ra cái kết có hậu ở trang cuối cùng. Xưa nay những chuyện sến sẩm, những thứ lãng mạn chảy nước đó chẳng làm “chết” độc giả nào. Bởi đôi khi, dù cuộc sống có đầy rẫy ngọt ngào thì thi thoảng ta cũng vấp phải những cay đắng. Và cũng đôi khi, sến một chút cũng là giải pháp tinh thần để xua bớt những mệt mỏi, ngột ngạt. Ấy thế nhưng, hễ cái gì quá cũng đều gây họa. Cụ thể ở đây là truyện ngôn tình. 

Để hút người đọc, nhiều tác giả bắt đầu gia giảm, thêm bớt “nồng độ” sex. Và giờ thì ngôn tình đã trở nên quá đà về liều lượng sex, đã cận kề ngưỡng khiêu dâm. Độ nhạt nhẽo, rảnh nhảm cũng tăng. Người đọc vẫn có, mà lạ còn đông, toàn các thiếu nữ. Đọc xong có người như đi trên mây. Mơ một ngày yêu được anh chàng giống hệt trong truyện ngôn tình, vừa đẹp vừa tài, vừa hào hoa phong nhã, vừa tinh tế, vừa nhiều tiền lại còn… thủy chung (đàn bà ngoài 30 sở dĩ ít người đọc hơn vì có thể họ dạn dày đủ hiểu, đàn ông như thế chỉ có tìm thấy ở... Sách Đỏ chăng?!). 

Quay trở lại với câu chuyện Cục Xuất bản In và Phát hành yêu cầu tạm dừng đăng ký xuất bản thể loại truyện ngôn tình nước ngoài. Tạm dừng cũng phải vì loại hình này đơn giản chỉ là thứ giải trí nhạt nhẽo vô bổ, nhưng dừng thế nào? Liệu các đơn vị liên kết có “tận dụng” sự chấp chới giữa ngôn tình, đam mỹ và dòng tiểu thuyết sến để “lập lờ đánh lận con đen” không? Lách luật hoàn toàn có thể xảy ra nếu như vẫn có đông đảo người đọc. Quy luật cung - cầu.

Điều này chỉ có thể chấm dứt nếu như độc giả tự trang bị cho mình kiến thức về thẩm thấu văn chương. Từng có nhiều trào lưu gây lo ngại về văn hóa như phim “mì ăn liền”, tiểu thuyết kiếm hiệp, tình ái ba xu, thậm chí cả truyện “đen”... nhưng đều đã qua đi, nhờ khán giả, bạn đọc tự điều tiết.

Và để có góc nhìn đa chiều, xin trích ý kiến của nhà văn Nguyễn Danh Lam: “Trên bình diện văn hóa chung xưa nay, luôn tồn tại những thể dạng như thế này. Và đời nào, lúc nào cũng có. Chỉ có điều tỉ lệ giữa đôi bên là như thế nào. Nếu trong một bể nước hòa chung mà tỉ lệ trong thấp hơn tỉ lệ đục thì có vấn đề! Song hãy để cho nước tự lắng. Nếu đổ... kháng sinh vào bể, có thể làm chết luôn mọi thứ vi sinh vật có lợi!”.