Những anh chồng thích “tay hòm chìa khóa”

ANTĐ - Thông thường trọng trách “tương cà mắm muối” và chi tiêu hàng ngày vốn vẫn thuộc về các bà vợ song vẫn có không ít các đức ông chồng đòi giữ trách nhiệm này. Vì sao vậy?

Lý do đầu tiên là vì anh chồng keo kiệt, bủn xỉn. Hầu hết các ông chồng có tính “kẹo kéo” đều thích tự tay mình quản lý mọi chi tiêu tiền nong, tài chính trong gia đình. Đó là mẫu người yêu thích tiền bạc hơn tất thảy và cùng với tính gia trưởng độc đoán ép buộc vợ con chi tiêu theo ý mình.

Những ông chồng kiểu này cũng tự khép mình vào một nguyên tắc tiêu tiền “vắt cổ chày ra nước”. Họ thường tính ra lợi ích khi phải bỏ ra một món tiền và tiết kiệm tối đa để thu về nhiều hơn số bỏ ra. Vợ con, những người thân của họ là những nạn nhân trực tiếp của thói bủn xỉn, ki bo và có thể bị coi thường như những người ăn, kẻ ở.

Những anh chồng thích “tay hòm chìa khóa” ảnh 1

Cũng có những anh chồng đành phải “tay hòm chìa khóa” vì có cô vợ đoảng vị. Có một thực tế là khá nhiều người phụ nữ rất đoảng trong việc cân đối chi tiêu vào các việc sinh hoạt hàng ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Ngay lập tức người đàn ông sẽ hiểu ngay là vợ mình không có khả năng của một người nội trợ và dù không muốn thì anh ta cũng phải gồng mình gánh thêm trách nhiệm của vợ. Đó hoàn toàn là mẫu người đàn ông thông minh và có trách nhiệm với gia đình.

Rất nhiều người phụ nữ mắc cái tính không thể cưỡng lại được ham muốn mua sắm và cứ vung tiền vô tội vạ vào các món đồ khiến ngân sách gia đình luôn thâm hụt và đến ngày cạn kiệt. Khi người chồng rơi vào hoàn cảnh này họ sẽ rất có kinh nghiệm và có đầu óc hạch toán chi tiêu hợp lý. Họ sẽ là ông chồng biết thông cảm cho vợ và hiểu vợ vì một lý đó, một đặc tính nào đó không hoàn hảo ở người phụ nữ mà gắng sức chăm lo cho tổ ấm. Với những gia đình như thế lại rất hiếm xảy ra những cãi vã nhỏ nhặt về chuyện cơm áo gạo tiền, vì đã có một ông chồng kiêm chức năng bà nội chợ đảm.

Những anh chồng thích “tay hòm chìa khóa” ảnh 2
Lý do thứ ba khiến ông chồng giành phần việc của vợ là vì họ không tin nhau. Những ông chồng đa nghi sợ vợ mình tiêu pha, sắm sửa cho bản thân quá nhiều sẽ dần tìm cách giữ lấy trách nhiệm giữ “hòm gạo” của gia đình. Họ là mẫu đàn ông lòng dạ hẹp hòi, hay nghi ngờ người thân. Không ít các ông chồng lo rằng vợ mình dùng tiền để “dấm dúi” cho “bên ngoại” mà anh không biết. Sự ngờ vực này là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn vợ chồng và nếu người phụ nữ không phải là người biết chịu đựng và biết giải tỏa mâu thuẫn thì không bao giờ trong nhà im tiếng cãi vã. Những người đàn ông dành quyền giữ tay hòm chìa khóa vì không tin vợ và thường đẩy những nghi ngờ thành “chụp mũ” cho vợ cũng là người hay soi mói và xấu tính. Anh ta sẽ không làm gì đó nếu không cảm thấy có lợi cho bản thân và rất sợ sự nhờ vả, yêu cầu giúp đỡ, tài trợ lúc khó khăn hoạn nạn của họ hàng, bè bạn thân quen.