Muôn kiểu “lừa” nhau trong ngày Cá tháng Tư

ANTĐ - Dù không phải là ngày lễ chính thức, ngày Cá tháng Tư (ngày 1/4 – còn gọi là ngày Quốc tế nói dối) được nhiều nơi trên thế giới xem là dịp để mọi người có thể nói dối, “lừa” nhau mà không sợ bị trách phạt. Tại Việt Nam, trào lưu 1/4 đã được ưa chuộng từ xưa và tiếp tục là ngày “thoải mái nói dối” của nhiều người để đổi lấy những giây phút vui vẻ, sảng khoái.

Những lời nói dối thú vị

Với đặc điểm “dối nhau mà không bị trách mắng”, ngày Cá tháng Tư là dịp thú vị dành cho không chỉ các bạn trẻ mà cả với nhiều người lớn tuổi. Tới khi nhận ra mình bị lừa, “nạn nhân” mới cười xòa và nhận ra người vừa nói dối rất có khiếu hài hước.

Bạn Phạm Nga (sinh viên) nhớ lại kỷ niệm hồi học lớp 12, cả lớp đều “e ngại” cô giáo dạy Toán vì cô rất nghiêm. “Đúng ngày 1/4, vừa vào lớp, cô bảo cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút. Tất cả chưa chuẩn bị gì nên bạn nào cũng sợ xanh mắt mèo. Cô để cho cả lớp mồ hôi mồ kê chép xong đề đâu đấy mới bảo là… không kiểm tra và còn cho cả lớp nghỉ học hôm đấy”, Nga vui vẻ nhớ lại.

Qua kỷ niệm nho nhỏ này, hình ảnh của cô giáo nghiêm khắc đã trở nên gần gũi hơn nhờ một lời nói dối thú vị.

Trong khi đó, một “chiêu lừa” phổ biến khác của các bạn trẻ là hẹn nhau đi xem phim, ra quán café hay quán ăn rồi để cho “nạn nhân” phải chờ đợi sốt ruột và rút cục biết mình đã phung phí thời gian vì “ăn quả lừa 1/4", để rồi sau đó tự dặn lòng là “cần cảnh giác hơn” như lời chia sẻ của bạn Hương (nhân viên văn phòng tại Hà Nội), hay thậm chí là quay ra… lừa lại người khác.

Những lời nói dối hay trò đùa thú vị trong 1/4 sẽ mang lại nụ cười sảng khoái cho mọi người

Như Thanh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) sau vài năm liên tục bị bạn bè lừa, vào ngày Cá tháng Tư năm 2013, cô quyết tâm… lừa một vụ để đời.

“Mình ra siêu thị mua loại vỏ ốc quế giòn để bơm kem vào ấy. Mang về đổ đầy… kem đánh răng vào. Để đảm bảo mùi thơm ngon, phía trên mình còn cẩn thận chan siro dâu vào nữa. Khi đưa cho thằng bạn thân, nó chẳng nghi ngờ gì cả, chỉ hỏi sao mọi khi mày hay ăn kem dâu, hôm nay lại cầm kem socola, nhường kem dâu cho tao, mình bảo giờ đổi vị, may mà hắn không nghi ngờ gì. Xơi một miếng rõ to, vừa nhai được chút thì phì ra, hét ầm lên là lỡ nuốt một ít rồi”, Tú hào hứng chia sẻ.

Tất nhiên, sau đó, tình bạn của Tú chẳng bị sứt mẻ gì vì đó là “ngày Cá tháng Tư mà. Nó chỉ bảo rằng đúng là mình đã thực sự trưởng thành rồi, vì… biết lừa người khác”.

Đặc biệt, Cá tháng Tư còn là dịp được nhiều người có ý định tỏ tình rất… ưa chuộng, vì theo lời chia sẻ của anh Nguyễn Hoài Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) thì “không biết ý tứ người ta dành cho mình thế nào, nên bày tỏ tình cảm lúc này đỡ ngượng. Nếu người ta từ chối, mình có cớ để nói là… đùa nhân 1/4, còn nếu gật đầu thì mình sẽ coi như không biết hôm đó là 1/4 và tiếp tục thôi”. Tất nhiên, anh Nam cũng thừa nhận cách thức này chẳng khác gì “con dao hai lưỡi”, bởi “nếu cô ấy biết trước đó là 1/4 thì khéo mình lại nhận được lời đồng ý đầy ngọt ngào và… dối trá”.

Cũng liên quan tới chuyện tình cảm vào dịp 1/4, bạn Ngô Huyền (Vĩnh Phúc) lại rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, khi anh chàng “vốn thích em, xong đến ngày Cá tháng Tư, vào sáng sớm, tự nhiên lại nói phũ với em lắm. Em chưa biết nên rất ấm ức, về sau mới vỡ lẽ”.

Những trò lừa nhẹ nhàng, thậm chí là thông minh, tinh tế quả thực rất ghi điểm trong dịp 1/4, khi cả “người lừa” và “nạn nhân” đều tìm được tiếng cười vui vẻ cho ngày đặc biệt của năm.

Cẩn thận với những trò đùa… nguy hiểm

Dù tự “quy ước” với nhau về việc không trách phạt những người bày trò đùa hay nói dối trong ngày 1/4 song không phải vì thế mà chúng ta có thể lạm dụng điều này để đi quá đà và có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Một bạn nam tên Tiến đã chia sẻ về câu chuyện “bày trò” nhớ đời của mình hồi còn là học sinh, trong đó cậu và các bạn biết hôm đó là ngày sinh nhật của hai người bạn trong lớp, nên đã cẩn thận chuẩn bị một chiếc bánh đặc biệt.

Trong đó, bánh gatô là… thật, và còn có rất nhiều kem. Điều đặc biệt là Tiến và các bạn đã tô vẽ rất cẩn thận một quả pháo, để trông giống như một cây nến và cắm lên trên bánh. Tới khi hai bạn có sinh nhật chuẩn bị thổi nến thì “ai cũng biết kết quả rồi đấy” như lời Tiến chia sẻ. Và thêm một kết quả nữa của trò nghịch dại thuở học sinh đó là Tiến và những người bạn bày trò đã phải lên viết bản kiểm điểm trước Ban giám hiệu.
Trong khi đó, một trò “nghịch dại” khác trong dịp 1/4 luôn nằm trong ký ức khó quên của bạn Vũ Dũng (Hải Phòng).

“Đúng dịp 1/4, em mới viết thư gửi tới một cô bạn ngồi dưới mấy bàn. Em viết là “tớ mến thầm bạn lâu rồi. Giờ ra chơi, bạn lên đây, tớ có điều này muốn nói”. Một lúc sau, cô bạn ấy lên thật. Em mới đưa hộp quà ra và nói rằng bạn hãy nhắm mắt lại rồi cho tay vào hộp này để biết mình nhắn gửi điều gì. Trong hộp, bọn em đổ lòng đỏ trứng gà trộn với keo 502 nhão nhoét. Bạn bè xung quanh thì trầm trồ về sự lãng mạn, cô bạn đó không dám đưa tay vào, nhưng bạn của cô ý thì xung phong… Thế là người bạn xung phong này bị dính đầy keo và trứng vào tay, còn bọn em thì bị đuổi một trận thừa sống thiếu chết. Sau đó phải xin lỗi mãi, mời cả đi ăn để làm hòa. May mắn thế nào, cô bạn bị dính keo sau đó lại trở thành bạn gái của em”, Dũng nhớ lại.

Nhưng không phải trường hợp hợp cũng được may mắn như vậy.

Nhiều người vẫn không quên câu chuyện của một bạn gái tên N. từng được chia sẻ nhiều lúc trước, khi cô lỡ đùa tưởng như đơn giản trong dịp 1/4 nhưng lại có kết cục ngoài tưởng tượng.

Hơn 10 giờ tối, N. nhớ ra hôm đó là ngày Cá tháng Tư nên nhấc điện thoại gọi cho anh chàng vốn thích cô từ lâu, giọng ra chiều hoảng hốt: “Anh đến đón em ở ga nhé, em về muộn, ở đây lại vắng vẻ”. Người con trai vội vã phóng ngay xe tới mà không để ý đó là ngày 1/4, trong khi cô bạn ở nhà chuẩn bị sẵn tin nhắn “Anh ăn phải Cá rồi” để gửi. Không may, trên đường chạy xe, người con trai đã bị tai nạn và tin nhắn của N. chẳng bao giờ có thể gửi được nữa…

Qua những chia sẻ ký ức kể trên, có lẽ nhiều người sẽ nhận ra rằng để có được lời nói dối hay trò đùa thú vị, ý nghĩa trong ngày Cá tháng Tư thì mỗi người cũng cần “đầu tư” suy nghĩ, thay vì có những trò đùa nông nổi để xảy ra hậu quả đáng buồn.