Khao khát cộng đồng mạng tung hô, nảy sinh trò tai quái

ANTĐ - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, một clip ngắn đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, mô tả sự hoảng hốt của một số người vì trò đùa bị cướp bắn. Sau khi xem clip, rất nhiều người đã bày tỏ thái độ bức xúc, phê phán trò đùa tai quái này…

Khao khát cộng đồng mạng tung hô, nảy sinh trò tai quái ảnh 1Hình ảnh cắt từ clip trò đùa bị cướp bắn được đăng tải trên mạng

Cười trên nỗi sợ hãi của người khác

Để thực hiện trò đùa này thường phải có từ 2-3 người. Một người đóng vai nạn nhân, một người cầm quả bóng và vật nhọn, một người quay (hoặc đặt máy quay tự động). Clip được thực hiện ở đầu các ngõ, hẻm, các khu nhà để người cầm bóng có chỗ ẩn nấp. Khi phát hiện có người đi tới, người cầm bóng sẽ nấp vào chỗ khuất, người trong vai nạn nhân quỳ sụp xuống đường vái lạy lia lịa, miệng kêu to “xin tha mạng”, “xin đừng bắn tôi”. Ngay sau đó, người cầm bóng sẽ dùng vật nhọn chọc vào quả bóng khiến bóng phát nổ như tiếng súng bắn. “Nạn nhân” nằm gục xuống đường vờ như đã chết. Khi nhìn thấy những hình ảnh và âm thanh được bố trí như thật này, những người chứng kiến lập tức bỏ xe chạy tán loạn với nét mặt vô cùng hoảng hốt...

Ngay sau khi được đăng tải trên các trang mang xã hội, clip trên đã thu hút hàng triệu người xem và được chia sẻ, lan truyền với tốc độ chóng mặt cùng nhiều bình luận trái chiều. Nhiều người xem cho rằng đây là một trò đùa tai quái, ngu ngốc và không phải là vô hại… Chị Lê Thị Thu Cúc ở  khu 7,2ha Vĩnh Phúc, quận Ba Đình chia sẻ, sở dĩ chị biết clip này vì thấy cô con gái đang học lớp 10 chăm chú xem trên mạng với thái độ khá bất thường, lúc lo lắng, lúc cười sằng sặc… Ban đầu, chị cũng vô cùng hoảng hốt khi thấy cảnh bắn giết ở đoạn giữa clip, sau mới biết đó chỉ là trò đùa. “Tôi có thể thấy rõ sự hoảng loạn thật sự của một nhóm các em học sinh khi phải vứt cả xe đạp để chạy. Theo tôi đây là trò đùa tai hại, nó có thể khiến những người yếu bóng vía bị chấn động mạnh về tâm lý, chưa kể đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Bởi việc bỏ chạy bất ngờ trong trạng thái tâm lý không ổn định của người tham gia giao thông sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn đối với họ và những người khác. Điều đó vô cùng nguy hiểm” - chị Cúc lo lắng.

Nên đùa đúng cách, đúng lúc

Không chỉ có clip trên mà thời gian qua, một số trò đùa khác cũng được nhiều bạn trẻ thực hiện và đưa lên mạng xã hội. Đó là việc sắp xếp cảnh những “đám ma” giả được tổ chức như đám ma thật (có thắt khăn tang, khóc lóc, thắp hương…) trong những phòng trọ hay ký túc xá sinh viên. Trong khi đó “nạn nhân” không hề biết những gì đang diễn ra vì ngủ say như chết. Chỉ đến khi những hình ảnh này được tung lên mạng cùng nhiều hệ lụy phát sinh, “nhân vật chính” mới biết thì đã quá muộn. Với trò đùa “đám ma giả này”, nhiều bạn trẻ cho rằng những người thực hiện đã đi quá giới hạn, hành động này chẳng khác gì lấy tính mạng người khác ra để đùa giỡn.

Có thể nói, trong điều kiện mạng xã hội đã phát triển với tốc độ rất nhanh như hiện nay, việc một cá nhân trở thành tâm điểm chú ý chỉ sau vài giờ đồng hồ không phải là chuyện hiếm. Đó cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ vì khát khao muốn được khẳng định cái tôi trên thế giới ảo đã tìm mọi cách để có trong tay những hình ảnh, những đoạn video với tiêu chí “càng độc càng lạ càng tốt” để tung lên mạng nhằm nhận được nhiều “like” cũng như sự hưởng ứng, chia sẻ, tung hô của cộng đồng mạng. 

Trước những hậu quả khó lường từ những trò đùa này, Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn tâm lý rất nhạy cảm. Ở giai đoạn này, các em không chỉ khao khát tìm hiểu về mọi thứ xung quanh mình mà còn ham muốn tự khẳng định. Do đó, nhiều em hành động chỉ vì cái tôi của mình mà không nghĩ việc làm đó có thể khiến nạn nhân và những người khác bị tổn thương. Thực tế có không ít bạn trẻ bị hoảng loạn về tâm lý, sợ hãi trong một thời gian dài chỉ vì những trò đùa tai quái của bạn bè, thậm chí có thể tự hủy hoại bản thân mình. 

 “Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi người cần kiềm chế bản thân, biết những việc được phép làm và không được làm, hãy biết đùa vui đúng cách, đúng lúc, chứ không nên đùa quái ác, thiếu suy nghĩ, kẻo đến lúc hối hận nhận ra thì đã quá muộn” - Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú khuyến cáo.