Cha mẹ nên trò chuyện với con về giới tính ngay từ nhỏ

ANTĐ - Cách trò chuyện tự nhiên, cởi mở của cha mẹ với con cái về chủ đề nhạy cảm này nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng giới tính là vấn đề nhạy cảm và họ tự cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ khi phải đề cập điều này trước mặt bọn trẻ. Một số bà mẹ dũng cảm hơn, cũng chọn cách trực tiếp nói chuyện với con về vấn đề giới tính nhưng lại ngại cách gọi tên đúng, chính xác các bộ phận trên cơ thể người mà thay thế bằng những cái tên khác.

Chính thái độ ngập ngừng, e ngại của cha mẹ lại gây cho trẻ thêm tò mò và hiểu sai rằng giới tính (điều mà cháu đang muốn tìm hiểu) lại là một thứ gì đó hết sức bậy bạ, xấu xa và không nên được nhắc đến.

Cha mẹ nên cởi mở với con từ nhỏ để các em có hiểu biết đúng về giáo dục giới tính

Đối với các chuyên gia giáo dục và tâm lý, cách trò chuyện tự nhiên, cởi mở của cha mẹ với con cái về chủ đề nhạy cảm này nên được bắt đầu càng sớm càng tốt để cháu ý thức được về cơ thể mình, sự khác nhau giữa các bạn trai và bạn gái, thấy được rằng giới tính là một điều hoàn toàn tự nhiên, chẳng có gì đáng xấu hổ. Điều quan trọng nhất, bài học đầu tiên về giới tính cho trẻ cần phải được bắt đầu từ chính cha mẹ chúng chứ không phải bất kỳ ai khác hoặc bất kỳ phương tiện nào khác.

Dưới đây là một số thắc mắc về cách giải thích, trò chuyện với con các chủ đề liên quan đến giới tính qua những câu trả lời của các chuyện gia tâm lý, giáo dục Singapore.

Con gái tôi mới lên ba. Nhưng hôm trước, cháu vô tình bắt gặp chúng tôi đang “làm chuyện ấy”...

Tiến sĩ Lee (Trung tâm giáo dục giới tính Singapore): Trước tiên, cha mẹ cần phải thật bình tĩnh chứ không được ngay lập tức quát mắng trẻ. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đi tới chỗ con, hỏi con một cách tự nhiên là con đã nhìn thấy những gì và con nghĩ gì về những điều con vừa trông thấy. Thực ra, vấn đề ở đây là rất có thể trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng bố đang “đánh” hoặc “làm đau” mẹ... Việc của bạn lúc này là giải thích đơn giản để trẻ hiểu là mẹ không làm sao đâu, đây chỉ là cách bố mẹ đang thể hiện tình yêu với nhau thôi mà. Sau đó, hãy động viên và trấn an trẻ để trẻ bớt cảm thấy sợ hãi (nếu có). Mẹ hãy cười thật tươi để bé yên tâm rằng mẹ mình chẳng làm sao cả. Sau này, nếu các bạn đang “làm chuyện ấy” và chẳng may lại bị bé bắt gặp, hãy nói với bé rằng bố mẹ đang có khoảng thời gian riêng tư cần được ở bên nhau nên bố mẹ muốn con ra khỏi phòng này ngay lập tức. Nhưng để cẩn thận hơn, các bạn nên đóng cửa phòng thật chặt mỗi khi muốn thể hiện tình yêu nhé.

Tuổi nào là lý tưởng nhất để giải thích và trò chuyện với trẻ về giới tính?

Tiến sĩ Lee: Ngay từ khi trẻ chào đời, bạn vẫn có thể trò chuyện hàng ngày với con dù cho bé chưa hiểu được bạn đang nói gì. Vấn đề giới tính nên được bắt đầu từ rất sớm bởi đó là một điều hết sức tự nhiên, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận, lắng nghe những điều bạn nói chứ không hề cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ như người lớn vẫn nghĩ. Từ tuổi lên hai cho đến tuổi lên ba, trẻ tò mò, muốn khám phá về sự khác nhau giữa cơ thể bạn trai và bạn gái cũng như việc đặt ra rất nhiều câu hỏi về cơ thể mình cũng như cơ thể người khác.

Người lớn thường không gọi tên chính xác các bộ phận sinh dục của nam và nữ khi nói chuyện với trẻ mà thay thế bằng một tên gọi khác. Điều này có nên không?

Tiến sĩ Lee: Cha mẹ cần gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể bé. Thay thế bằng tên gọi khác khiến bé hay lầm tưởng hoặc tin rằng đó là những bộ phận “không ra gì” nên cần phải che giấu. Hãy trung thực và tự nhiên khi nói gọi tên chính xác những bộ phận này trước mặt trẻ, coi điều đó là hoàn toàn bình thường và là một phần của cuộc sống thường nhật.

Tại sao bé trai cứ thích tự “sờ chim” ?

Tiến sĩ Lee: Người lớn cần hiểu rằng quá trình tìm hiểu và khám phá chính cơ thể mình là điều rất bình thường và không hề liên quan gì tới bệnh lý. Trong trường hợp này, nếu em bé cứ hay “sờ chim” hoặc “sờ ti” (đối với bé gái) ở nơi công cộng hoặc ở thời điểm không thích hợp, bạn chỉ cần dạy bé rằng đây là những bộ phận rất riêng tư của mỗi chúng ta nên không phải ai cũng được phép nhìn thấy. Bởi thế, cho dù bé đang cảm thấy rất thích thú khi được tự sờ ti, sờ chim của mình, bé cũng không nên làm việc ấy ở chỗ đông người (vì mọi người sẽ nhìn thấy hết đấy, trong khi đó là bộ phận cơ thể chỉ của riêng bé mà thôi). Tốt nhất, bé chỉ nên “sờ” nó ở chỗ kín đáo như trong phòng ngủ của mình thôi nhé. Trẻ cũng nên nhận thức được rằng những bộ phận kín đáo đó là của riêng mình nên ngoài bố mẹ ra, trẻ không được phép cho ai động đến (phòng cho trường hợp bị quấy rối tình dục).

Khi bé lên hai tuổi, cha mẹ có thể dạy thêm cho trẻ về định nghĩa “sự đụng chạm êm ái” và “sự đụng chạm khó chịu”. Đụng chạm êm ái là những đụng chạm cơ thể của người khác với bé mà bé chấp nhận và cảm thấy dễ chịu, ví dụ như cái ôm hôn của mẹ, cái vỗ vai của ba... Ngược lại, đụng chạm khó chịu là những đụng chạm cơ thể của người khác với bé nhưng không được bé chấp nhận và tỏ ra cáu giận. Lúc này, bé cần kiên quyết nói với người kia là bé không muốn điều đó (kể cả người kia chỉ nhẹ nhàng vuốt má bé thôi). Trong trường hợp mà người kia vẫn cứ tiếp tục, bé nên mách với những người lớn tin cậy khác.

Con tôi (4 tuổi) nói rằng một bạn nam ở lớp cứ thích khoe chim của bạn ý để cho các bạn cùng lớp xem.

Tiến sĩ Lee: Đó cũng giống như một trò chơi và là cách để trẻ tìm hiểu, khám phá cơ thể mình, cũng như việc đụng chạm, nhìn ngắm các bộ phận “kín” trên cơ thể. Không chỉ riêng con bạn, trẻ con trên khắp hành tinh coi đó là một trò chơi rất thú vị. Đó là một trong những cách để trẻ học hỏi về giới tính.

Cha mẹ không nên phản ứng quá dữ dội khi nghe trẻ kể lại câu chuyện này từ lớp học. Bạn có thể nói điều này cho giáo viên của bé, cũng như phụ huynh của bé trai kia để chọn một thời điểm thích hợp, những người lớn sẽ nói cho trẻ biết là hành động này không nên làm ở lớp học và không được khuyến khích. Khi thấy mọi người có những phản ứng không ủng hộ việc làm của mình và giải thích rõ được lý do, trẻ sẽ dần từ bỏ thói quen này. Nhưng nhớ là, phản ứng của người lớn là cần phải bình tĩnh chứ không được ầm ĩ để khiến trẻ phải sợ hãi, căng thẳng.

Tôi có nên để kệ con tự học về giới tính ở trường mà không cần nói chuyện về vấn đề này với bé?

Tiến sĩ Lee: Trường học cũng là môi trường lý tưởng dạy trẻ những hiểu biết ban đầu về giới tính. Nhưng đó không phải là tất cả. Chính cha mẹ cũng cần trở thành người bạn thân thiết của con, giúp con khám phá và tìm hiểu về các vấn đề giới tính mà cháu thắc mắc. Bạn cũng có thể bắt đầu bằng những chủ đề đơn giản, dễ hiểu như mối quan hệ bạn bè  giữa bạn trai và bạn gái, tình yêu nam nữ và thậm chí là cả hôn nhân (nhưng trẻ thích từ “đám cưới” hơn cả đấy).

Tốt nhất, cha mẹ luôn luôn phải nghĩ là nếu không được học về vấn đề giới tính ở gia đình, trẻ sẽ học được ở nhiều nơi khác, như ở bạn bè, truyền hình chẳng hạn. Và chẳng có lý do nào để bạn không phải là người đầu tiên nói với bé về những điều “bí mật” đó.