Ăn cho mình, mặc cho... ai?

ANTĐ - Câu hỏi này trước đây chỉ chừng hơn chục năm rất dễ để tìm đến một câu trả lời đó là “ăn cho mình, mặc cho người”.

Câu hỏi này trước đây chỉ chừng hơn chục năm rất dễ để tìm đến một câu trả lời đó là “ăn cho mình, mặc cho người”. Nhưng có vẻ như hiện nay nó đã bị phân tán đi rất nhiều. Giới trẻ hô vang khẩu hiệu mỗi khi được hỏi về cách phục trang rằng “tôi thích thế” (I like it). Cùng với hàng loạt phong cách thời trang và đặc biệt là việc giải phóng tối đa cái tôi cá nhân đã dẫn đến việc ăn cho mình mà mặc cũng cho mình.

Ở những nơi công cộng hay những chốn linh thiêng như đình, chùa, miếu, mạo, việc ăn mặc “không giống ai”, “không coi ai ra gì”, “tùy theo ý thích” bị coi là phản cảm. Nếu cánh trẻ nhăn nhó vì chuyện “ông bô, bà bô” quần áo ngủ, lò xo, màu cháo lòng tùy hứng đi ra đường hóng mát. Cánh già lại bức xúc chuyện các cô tân thời quần soóc, áo hai dây, áo chẽn hở rốn... dám ra vào cả chốn tâm linh.

Lan hiện đang làm tại một công ty du lịch kể rằng: Hồ Gươm là điểm đến số một của khách du lịch khi đến thăm Hà Nội. Nhưng có dẫn khách đi mới ái ngại cách ăn mặc của các cụ nhà mình. Trời nắng nóng, các ghế đá có bóng mát được các cụ “xí” từ 4-5 giờ sáng. Sẵn bộ quần áo nào đang mặc các cụ đều diện ra hồ hóng mát. Cụ ông thì quần đùi, áo may ô, cụ bà thì bộ đồ ngủ... tất cả đều giống nhau ở màu cháo lòng và xoăn tít. Khách nhận xét dân mình gần gũi thiên nhiên, nghe mà rầu lòng!

Một cụ bà không giấu vẻ bực tức khi kể cho tôi nghe chuyện xảy ra ở chùa làng bà trọng dịp rằm vừa qua: Khi bà đang bày lễ thì thấy có một tốp thanh niên toàn là gái tân thời. Quần áo lòe loẹt, diêm dúa. Loáng thoáng câu chuyện của họ, bà biết họ vừa mới thi đại học đang chờ kết quả. Họ biện lễ thịnh soạn và chu tất. Hẳn là họ rất thành tâm, sau mỗi lần khấn nguyện đều không quên cúi rạp mình xuống đất.

Có điều chiếc áo quá ngắn nên càng cúi rạp phần lưng hở ra càng rộng, trông rất tức mắt. Khi ra ngoài vườn chùa bà từ tốn góp ý: lần sau vào chùa, các cháu phải mặc quần áo đứng đắn, nghiêm trang. Quần áo này chỉ hợp đi chơi thôi. Các cô gái nghe vậy không nói gì, nháy mắt nhau đi ra chỗ khác không quên buông lại đằng sau nhận xét: “Rõ là bà già lẩm cẩm”.

Mỗi một lứa tuổi, mỗi con người cụ thể có cách lựa chọn trang phục cho phù hợp với bản thân. Sự khác nhau từ chất liệu, kiểu dáng, màu sắc làm nên thế giới thời trang muôn hồng nghìn tía. Lựa chọn trang phục như thế nào không những cho thấy thẩm mỹ, cá tính con người bạn mà còn quyết định đến hình ảnh của bạn trong mắt những người xung quanh. Có lẽ vì vậy mà lời răn của các cụ “Người đẹp vì lụa” hàm ý chuyện lựa chọn trang phục nhiều hơn.

Sẽ thật khó coi nếu bạn vận đủ mọi mầu sắc lên trên người, hay bạn biến mình thành chú ngựa vằn với đủ kiểu kẻ ngang, kẻ sọc, màu đen được cho là sang trọng nhưng lúc nào bạn cũng đen tuyền thì chắc chắn mọi người sẽ gọi bạn là chú quạ đen, xấu xí. Người dễ tính, xuề xòa, người cẩu thả, người kỹ tính, chỉn chu, chải chuốt... đều thể hiện ra ở trang phục.

Việc lựa chọn trang phục phải tuân thủ theo nguyên tắc “biết mình biết người”. Biết mình là biết rõ những ưu điểm và hạn chế của bản thân. Bạn đã ngoài 40 không thể cứ ăn mặc như lúc 30 dù cách ăn mặc đó được khen ngợi. Cũng như vậy bạn béo hay bạn gầy, bạn cao hay thấp, dáng quả lê hay đồng hồ cát, da sáng hay tối... bạn mới là người nắm được rõ nhất.

Hãy đứng trước gương và thẳng thắn vạch ra những ưu điểm và hạn chế của mình. Biết người là biết sẽ mặc quần áo đó để làm gì, đến đâu tiếp xúc với ai, có quan hệ thế nào? Có cân nhắc như vậy trước khi chọn đồ bạn mới không mắc vào tình huống mặc đồ thể thao đi làm, mặc đồ đi làm đi ăn tiệc và mặc đồ ở nhà đi ra đường...

Trang phục của bạn là một yếu tố góp phần vào thành công trong công việc của bạn. Nhiều người cho rằng trang phục công sở đã thủ tiêu cá nhân nhưng thật sự một bộ quần áo gây quá nhiều ấn tượng sẽ chỉ làm cho bạn và những người khác mất tập trung trong công việc.

Hãy thử tưởng tượng nếu bạn là khách đến một công sở bạn sẽ nghĩ gì nếu nhân viên ở đó ăn mặc quá tuềnh toàng hay có khi lại quá cầu kỳ với váy áo bó sát đến độ mà họ không còn muốn đụng tay đụng chân vào việc gì. Một bộ trang phục công sở hoàn hảo phải vừa vặn, gọn gàng, lịch sự điều đó sẽ tạo cho bạn sự năng động và nhất là chuyên nghiệp trong con mắt của đồng nghiệp và đối tác. Trong không gian đó bạn còn đủ đất để cái tôi thỏa sức tung hoành.