Sẵn sàng vi phạm

ANTĐ -Công ty TNHH LongTech Precision Việt Nam (Công ty LongTech), ở Quế Võ, Bắc Ninh là doanh nghiệp nước ngoài thứ 3 (sau Vedan và TungKuang) bị lật tẩy hành vi chôn ống ngầm xả thải, “đầu độc” môi trường.
Nhưng khác với 2 doanh nghiệp bị phanh phui do “ăn vụng không chùi mép”, công nghệ xả thải của LongTech được đánh giá là rất hoàn hảo.Ngay khi khởi công xây dựng các nhà xưởng tại KCN Quế Võ năm 2006, lãnh đạo Công ty LongTech đã tính toán việc đưa công nghệ xả thải ngầm “đầu độc” môi trường. Họ kỳ công thuê người đào, khoan và chia đường ống xả thải làm 2 nhánh. Một nhánh chảy vào các khu xử lý, một nhánh chôn ngầm dưới lòng đất, chảy vào đường thoát nước mưa của KCN. Công nghệ xả thải của LongTech kín kẽ đến mức, họ tính toán việc lắp đặt ngầm các đường ống xả thải, sao cho hoàn thành cùng thời điểm với hạ tầng thoát nước KCN Quế Võ. Hành vi vi phạm vì thế được che đậy khá lâu.
Sự việc vỡ lở, đã có câu hỏi được đặt ra: Trước LongTech đã có 2 doanh nghiệp lớn bị phạt nặng, bị lên án về hành vi chôn ống ngầm xả thải, vì sao họ vẫn vi phạm? Câu hỏi được các chuyên gia môi trường nhìn nhận ở góc độ kinh tế như sau: Để xử lý 1m3 nước thải mạ chứa hóa chất độc hại như của LongTech, doanh nghiệp phải chi phí khoảng 4 triệu đồng. Nếu biết mỗi ngày phân xưởng mạ của công ty phát sinh tới 100m3 nước thải, sẽ thấy cái “giá” để họ sẵn sàng đánh đổi.
Tuy vậy, động cơ lớn hơn thôi thúc một số doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn, kinh doanh trắng trợn vi phạm pháp luật Việt Nam, không hẳn vì món hời cả trăm triệu đồng do xả thải trộm đem lại mỗi ngày, mà do chế tài xử lý hành vi này ở nước ta chưa nghiêm. Hiện, mức phạt “trần” cho vi phạm là 500 triệu đồng - số tiền bằng một ngày doanh nghiệp như LongTech chi trả cho việc xử lý nước thải.
Trong khi đó, với vi phạm kiểu này, luật pháp nhiều nước sẽ xử lý hình sự. Ví dụ tại Nhật Bản: Một doanh nghiệp phá dỡ nhà xưởng có hành vi đổ trộm phế thải trong rừng, không biết vô tình hay cố ý, họ để lẫn một lượng túi nilon dính chất thải nguy hại trong đó. Hành vi bị phát hiện, ngoài việc phải khắc phục vi phạm, chủ doanh nghiệp còn bị truy tố trước pháp luật.
Lợi ích về kinh tế và kẽ hở trong chế tài là 2 động cơ thôi thúc nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để… “hạ độc” môi trường.