NSƯT Chí Trung kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ sừng tê giác

ANTĐ - Trong phim, Chí Trung vào vai người đàn ông giàu có muốn gây ấn tượng với một cô gái xinh đẹp bằng "xế hộp xịn", trang sức đắt tiền và một chiếc sừng tê giác. Tuy nhiên, trái ngược với kì vọng của anh ta, cô gái khẳng định: “Sừng tê giác không làm anh ấn tượng hơn, đặc biệt là đối với tôi”.

NSƯT Chí Trung kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ sừng tê giác ảnh 1Nghệ sĩ Chí Trung trong phim ngắn


Nền kinh tế của Việt Nam phát triển nhanh đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trong đó phải kể đến sừng tê giác. Nhiều người hiện nay sử dụng sừng tê giác như một cách để thể hiện đẳng cấp hay là một món quà xa xỉ giúp tăng cường các mối quan hệ làm ăn. Niềm tin mù quáng vào công dụng của sừng tê giác trong việc chữa trị ung thư hay một số vấn đề sức khỏe khác cũng khiến cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác ngày một gia tăng, mặc dù thực tế sừng tê giác có thành phần cấu tạo từ keratin giống như móng tay con người hay sừng trâu và hoàn toàn không có giá trị y học.

Nhu cầu sử dụng sừng tê giác ngày càng tăng đã gián tiếp thúc đẩy nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi khiến chúng đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Năm 2014 là năm có số lượng tê giác bị giết hại cao nhất trong lịch sử với 1215 cá thể tại Nam Phi. Từ năm 2011 đến 2014, Hải quan Việt Nam đã phát hiện 9 vụ buôn lậu và tịch thu 74kg sừng tê giác. Nhiều người Việt Nam đã bị bắt giữ trên thế giới vì tham gia vào các vụ buôn lậu sừng tê giác. Điển hình, tháng 10 năm 2014, hai người Việt Nam đã bị bắt giữ tại sân bay Johannesburg (Nam Phi) với tang vật là 18 chiếc sừng tê giác có tổng trọng lượng lên tới 41kg.
NSƯT Chí Trung kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ sừng tê giác ảnh 2Tê giác trong tự nhiên tại Nam Phi

Hành động tiêu thụ và buôn lậu sừng tê giác của một số ít người Việt Nam đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước. Đã đến lúc người Việt Nam cần dẫn đầu trong nỗ lực bảo vệ các loài tê giác và góp phần chấm dứt nạn thảm sát tê giác này”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết.

Đây là phim ngắn truyền thông thứ 23 được ra mắt trong chiến dịch dài hạn của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp. Phim ngắn sẽ được phát sóng trên các đài truyền hình trung ương và địa phương trong thời gian tới.

Phim ngắn: