Mưa dầm, rau xanh thất bát

ANTĐ - Mưa nặng hạt kéo dài liên tiếp khiến cho nhiều diện tích rau xanh và hoa tươi của một số vùng chuyên canh trên địa bàn Hà Nội hư hỏng. Hiện có nhiều diện tích rau xanh bị thối, hỏng, không cho thu hoạch.

Mưa dầm, rau xanh thất bát  ảnh 1Nhiều diện tích rau xanh bị thối hỏng, nông dân thất thu

Giá tăng vẫn lỗ

Mưa kéo dài, độ ẩm trong không khí tăng cao là môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh trên hoa màu phát triển. Bệnh vàng lá, bệnh khô đầu bông, các loại vi khuẩn gây thối nhũn, thối đốt... gây hư hỏng rau màu đang khiến bà con nông dân khóc dở mếu dở. Nhiều cánh đồng rau, hoa thiệt hại hoàn toàn. 

Anh Đặng Kim Cường, người dân trồng hoa ở xã Tiền Phong, Mê Linh cho biết: “Mưa thế này, sâu bệnh phát triển rất nhanh. Có những ruộng hoa mà người trồng không kịp đề phòng hay phun thuốc sẽ bị bệnh vàng lá, khô đầu bông không cho thu hoạch, có khi phải nhổ bỏ cả ruộng để trồng mới”.

Chỉ tay về ruộng cà chua đang thối hỏng của nhà mình, bác Nguyễn Văn Thuật (xã Hạ Lôi, Mê Linh) buồn bã: “Hai sào cà chua nhà tôi coi như mất trắng, đúng đợt ra hoa thì mưa phùn nên hoa gần như bị thối hết, không đậu quả. Những quả đậu thì cũng bị thối, thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu”. Có những thửa ruộng mặc dù đã phun thuốc nhưng cũng không tránh khỏi sâu bệnh vì mưa kéo dài làm cho lượng thuốc đã phun bị trôi không có hiệu quả.

Sản lượng rau củ giảm nhiều, lượng cung không đủ cầu nên giá thành của các mặt hàng hoa màu tăng cao trong thời gian gần đây. Song như vậy cũng vẫn không đủ chi phí đầu tư của bà con nông dân. “Bình thường, 1,5 sào cải Đông Dư cho năng suất 3 tấn. Nhưng trời mưa dầm kéo dài nên năng suất chỉ còn 1 tấn. Giá thành có tăng cao, khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với trước đây là 3.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ để bù lỗ”, chị Nguyễn Thị Hồng, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho biết. 

Đó còn chưa kể, do mưa kéo dài, nhiều loại rau ăn lá bị giập nát, sâu bệnh nên mẫu mã kém, giá bán vì vậy cũng không được cao. Theo ghi nhận tại một số chợ đầu mối rau xanh trên địa bàn Hà Nội, cà chua, rau củ do “mã” xấu nên được bán theo thùng, theo sọt, tính ra chỉ 1.500-2.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thu, ở thôn Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh cho hay: “Cả mấy sào cà chua trồng đã bị thối, phần cho thu hoạch thì quả xấu xí, vẹo vọ, bán chẳng được mấy đồng. Thồ 2 sọt cà chua đi đổ buôn ở chợ Vân Trì (Đông Anh) mà chỉ được hơn trăm nghìn đồng, chưa đủ tiền giống, tiền thuốc trừ sâu”. 

Mưa dầm, rau xanh thất bát  ảnh 2Hoa hồng bị hư hỏng, không cho thu hoạch

Không khan hiếm kéo dài

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, do thời tiết mưa phùn kéo dài liên tiếp từ đầu tháng 3 đến nay, nên nguồn cung rau xanh cho thị trường Hà Nội giảm tới 40%. Sản lượng rau xanh ở khu vực đồng bằng sông Hồng cũng giảm khá mạnh, một số vựa rau chuyên cung cấp cho Hà Nội như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… sụt giảm từ 40-50%. 

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tình trạng khan hiếm rau xanh hiện tại chỉ là tạm thời bởi do ảnh hưởng của thời tiết mưa xuân. Trong khi đó, nhiều nơi đã bắt đầu gieo trồng các loại rau xuân hè ngắn ngày phục vụ thị trường như rau dền, rau muống, mồng tơi… “Tình trạng thiếu rau xanh hiện tại sẽ không kéo dài, khi thời tiết chấm dứt mưa phùn, nắng nóng trở lại rau sẽ phát triển nhanh”, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay. Ngoài ra, để thúc đẩy rau phát triển nhanh, bà con thay vì gieo hạt trực tiếp đã ươm hạt rau cho nảy mầm, phát triển rồi mới đưa ra ruộng. Cách làm này tuy tốn kém hơn nhưng sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, kịp thời cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.