Loay hoay quản lý thuốc trừ sâu

ANTĐ - Mỗi năm Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sơ chế, kinh doanh thuốc BVTV nhưng đến nay, công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Cho dù Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã ra đời nhưng vẫn chưa thể đi vào thực tiễn.

Loay hoay quản lý thuốc trừ sâu ảnh 1Sản xuất thuốc BVTV ở Việt Nam vẫn chỉ là san chiết, dán nhãn phụ

Đùn đẩy trách nhiệm

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu gần 1 tỷ USD thuốc BVTV. Mặc dù, nhu cầu và có tiềm năng lớn nhưng hàng chục năm qua việc sản xuất thuốc BVTV trong nước vẫn chỉ dừng lại ở nhập khẩu, san chiết và đóng chai, dán nhãn… Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến với hơn 20.000 đại lý khắp cả nước, nhưng gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài (chủ yếu là của Trung Quốc). 

Vì Việt Nam quá phụ thuộc vào thuốc BVTV từ nước ngoài nên việc kiểm soát trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Thuốc trừ sâu ngoài danh mục, thuốc cấm vì độ độc lớn, gây hại cho người sử dụng và người tiêu dùng vẫn xuất hiện. Không chỉ vậy, ngay đến cơ quan chức năng nhiều khi cũng bó tay hoặc đùn đẩy trách nhiệm với những lô hàng thuốc BVTV nhập lậu bị bắt quả tang. Ông Phùng Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho hay, năm 2013, đơn vị này bắt được một lô chế phẩm thuốc kích thích giá đỗ, nhưng khi bắt xong rồi thì không biết xét nghiệm ở đâu. “Chúng tôi liên hệ với các trung tâm xét nghiệm của Cục BVTV, Cục Trồng trọt đều nhận được cái lắc đầu. Cuối cùng, chúng tôi phải đưa đi xét nghiệm ở Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an”, ông Phùng Đắc Lộc phản ánh. Mặc dù việc xét nghiệm chỉ để làm rõ xem đó là hóa chất gì, tác dụng như thế nào và tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng đến đâu. 

100 điều khoản nhưng xa rời thực tế

Một trong những nguyên nhân chính được cho là đã kìm hãm sự phát triển ngành thuốc BVTV trong nước những năm qua là do các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội. Đại diện VCCI cho hay, mới đây VCCI đã nhận được nhiều đơn phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV về một số văn bản của Bộ NN&PTNT gây khó khăn cho doanh nghiệp nội phát triển, đặc biệt là Thông tư 03 cũng như một số văn bản liên quan đang làm doanh nghiệp đứng ngồi không yên. 

Thông tư 03 năm 2013 của Bộ NN&PTNT yêu cầu, từ ngày 25-2-2015 bắt buộc các doanh nghiệp phải có đầy đủ giấy chứng nhận hợp chuẩn và dấu hợp quy trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp cũng chưa đưa ra được một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể nào để hướng dẫn. 

Nhận định về Thông tư quản lý thuốc BVTV, ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó Chủ tịch VIPA cho rằng, những quy định trong Thông tư thiếu tính thực tiễn. Bởi lẽ dự thảo lần này có hơn 100 điều khoản và các điều khoản đều xa rời thực tế. Cụ thể, việc sản xuất gia công, kinh doanh cung ứng, nhất là sử dụng thuốc BVTV còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp, mức độ an toàn đối với sinh vật, môi trường chưa cao nên công tác quản lý thuốc BVTV là cần thiết. Song phải tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với đặc thù, không thể lấy quy chuẩn các nước áp dụng cho Việt Nam.