Lạm dụng thuốc trừ sâu, hoa “tắm” chất độc

ANTĐ - Một số vùng trồng hoa chuyên canh như Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội), Hưng Yên… là những nơi tiêu thụ thuốc trừ sâu số lượng lớn. Nhiều chuyên gia lo ngại, với tần suất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như hiện nay, người chơi hoa chẳng khác nào “chơi” thuốc độc.

Lạm dụng thuốc trừ sâu, hoa “tắm” chất độc ảnh 1Lạm dụng thuốc trừ sâu trên hoa gây lo ngại về sức khỏe

Đại lý thích bán thuốc hóa học

Hàng năm, Việt Nam phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và cũng là quốc gia lạm dụng thuốc trừ sâu khá lớn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực cây ăn quả và trồng hoa. Theo số liệu của Viện Tài nguyên Môi trường quốc tế, khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng/năm ở Việt Nam là 2kg, trong khi Thái Lan 1,8kg/ha, Bangladesh 1,1kg/ha, Senegal 0,2kg/ha. 

Số liệu tính toán cho thấy, gần như 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta có sử dụng thuốc trừ sâu và trung bình mỗi năm tiêu thụ từ 15.000- 25.000 tấn. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu đã được cảnh báo từ lâu, cơ quan chức năng như Cục BVTV cũng đã nỗ lực đưa các loại thuốc trừ sâu sinh học, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường tiếp cận nông dân. Tuy nhiên, do khí hậu Việt Nam nóng ẩm, sâu bệnh phát triển nhiều, nhanh, vì vậy nông dân không ưa dùng. Hơn nữa, “hoa hồng” mà các công ty sản xuất thuốc trừ sâu sinh học “cắt” lại cho đại lý thấp hơn các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc hóa học, nên các đại lý cũng... không mấy mặn mà. 

Trong khi đó, đa số các loại thuốc BVTV hiện đang sử dụng có hàm lượng độc tố cao, trong đó có nhiều loại thuốc cũ đã bị hạn chế hoặc cấm sử dụng như Wofatox, Monitor... nhưng nông dân một số vùng trồng rau, trồng hoa vẫn sử dụng vì hiệu quả cao. Danh mục thuốc BVTV ban hành ở Việt Nam đến năm 2013 cũng đã có 1.643 hoạt chất, với 3.902 tên thương phẩm. Nhưng thực tế lại chỉ có khoảng dưới 20% số lượng tên thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có mặt trên thị trường. Cũng chính bởi tình trạng này mà sự kiểm soát của lực lượng chức năng gần như là không thể. 

Thu hoạch hoa khi còn “ngậm” thuốc

Đáng báo động là tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu ở các vùng trồng hoa chuyên canh. Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững lo ngại: “Hiện nay tình trạng hoa tươi bị lạm dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại đang trở thành một vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng”. Số liệu điều tra của Trung tâm này cho thấy, khoảng 31% nông dân cho biết đã sử dụng hóa chất cao hơn khuyến cáo, 86% nông dân khẳng định hóa chất BVTV là chất độc gây ảnh hưởng tới sức khỏe và làm ô nhiễm môi trường. Trong đó khoảng 8,5% nông dân cho biết chính họ đã bị ngộ độc khi sử dụng, với các triệu chứng là nóng, ngứa và nhức đầu, nhẹ thì mệt mỏi… 

Theo tìm hiểu, tại một số vùng trồng hoa lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Mê Linh, Tây Tựu… tần suất phun thuốc cho hoa khá dày. Thời điểm sáng và chiều muộn là lúc các cánh đồng hoa ngập trong hơi thuốc trừ sâu. Những chiếc máy đánh thuốc chạy hết công suất, rè rè khắp cánh đồng. Hoa vừa đánh thuốc hôm trước, hôm sau đã cắt bán là chuyện bình thường tại các vùng trồng hoa. Anh Nguyễn Văn Dĩnh ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết, người trồng hoa gần như phải làm bạn với thuốc trừ sâu, như anh ngày nào cũng phải “đánh” thuốc cho hơn 5 sào hoa đang trồng. Trong đó, hoa hồng có tần suất “đánh” thuốc dày nhất, vì chỉ hết hơi thuốc thì sâu sẽ đục, cắn hoa, không thể thu hoạch. 

Cục trưởng Cục BVTV - ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, việc sử dụng thuốc trừ sâu trên cây hoa, cây cảnh là không thể tránh khỏi. Bộ NN&PTNT đang nỗ lực phối hợp với Bộ Công Thương và ngành Hải quan triển khai các biện pháp kiểm soát thuốc BVTV nhập lậu, kém chất lượng. Tuy nhiên, để không còn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc BVTV cần hướng nông dân sản xuất hoa theo quy trình công nghiệp và sử dụng công nghệ sinh học sạch.