Kiến trúc xanh hạ nhiệt cho đô thị

ANTĐ - Giữa thời điểm nhiệt độ ngoài trời đang tăng cao đến mức báo động, cả thành phố như bị bóp nghẹt trong những tòa nhà bê tông thì kiến trúc xanh không chỉ là giải pháp “chữa cháy” mà còn được xem là phương án có tính chiến lược  để cải thiện chất lượng không gian đô thị. 

Kiến trúc xanh hạ nhiệt cho đô thị ảnh 1Tiêu chí xanh đang được đặt lên hàng đầu trong thiết kế nhà ở và công trình công cộng nhằm giải nhiệt cho không gian đô thị

Xóa bỏ những hiểu lầm 

Từ những năm 1980, kiến trúc xanh đã được xem như một xu hướng nổi bật của kiến trúc hiện đại trên thế giới. Các công ty xây dựng, các nhà phát triển đang tính toán sử dụng kiến trúc xanh như một chiến lược nhằm tạo ra thương hiệu và bài toán để hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc triển khai và nhân rộng mô hình kiến trúc xanh trong thiết kế nhà ở cũng như không gian công cộng có thể nói là còn dè dặt, nếu không nói là kém hiệu quả. Điều này phần nào bắt nguồn từ những quan niệm và nhận thức chưa đầy đủ về kiến trúc xanh như: chi phí tốn kém, mất công bảo dưỡng, không mang lại giá trị… 

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Nhiều công trình hiện tại chạy theo “mốt”, cứ thích là xây. Nay thấy đẹp, mai thấy dở lại đập đi nên có nhiều ngôi nhà trong phố lố bịch là như vậy”. Bên cạnh đó, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cũng đánh giá, quan niệm kiến trúc xanh phải trồng thật nhiều cây xanh, phải “phủ xanh” là chưa hoàn toàn chính xác.

Ông viện dẫn, nhà ở nông thôn truyền thống sở dĩ được xem là mô hình kiến trúc xanh tối ưu vì có hệ thống sân, ao, vườn trước, sau và sử dụng các vật liệu tại chỗ. Ngôi nhà được đặt trong mối quan hệ tổng thể hài hòa, chứ không tách biệt với cảnh quan xung quanh. KTS Võ Trọng Nghĩa, người có nhiều đột phá trong việc ứng dụng kiến trúc xanh ở Việt Nam cũng cho rằng, kiến trúc xanh không có nghĩa là tất cả các loại vật liệu đều phải thân thiện với môi trường mà ngay cả nhà kính, nhà bê tông cốt thép cũng có thể tạo nên công trình xanh nếu được thiết kế một cách phù hợp.  

Trên thực tế, chi phí thiết kế công trình xanh cũng không cao hơn so với công trình khác như nhiều người nhầm tưởng. Việc đầu tư vào nguyên liệu bền vững như pin mặt trời, biogas… cũng đòi hỏi giá thành cao hơn, tuy nhiên lợi ích thu về là hiệu quả lâu dài và chất lượng cuộc sống thì lại không được các chủ công trình thực sự quan tâm. 

Kiến trúc xanh hạ nhiệt cho đô thị ảnh 2

Nhìn đâu cũng thấy bê tông

Trên thực tế, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã từng “cụ thể hóa” kiến trúc xanh bằng việc đưa ra các tiêu chí như: địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; chất lượng môi trường trong nhà… Tuy nhiên với điều kiện chật hẹp của không gian đô thị, không phải công trình nào cũng có thể thỏa mãn những yêu cầu trên. Nếu như nhà ống với hệ thống sân trong, hành lang hút gió… đang là phương án được các kiến trúc sư lưu tâm trong thời gian gần đây, thì mô hình này cũng chỉ mới coi là khá thành công ở khu vực phố cổ.

Trong khi, trên thực tế nhu cầu bức thiết cần có không gian xanh, thông thoáng, tiện lợi trong đô thị thì gấp nhiều lần. PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị nhận định: “Vấn đề hiện tại của đô thị Việt Nam là nhìn đâu cũng thấy bê tông, thấy đường, thấy vỉa hè… quy hoạch quá cứng nhắc. Cộng thêm lưu lượng xe cộ dày đặc, hệ thống máy điều hòa phả ra bầu khí quyển… nếu không áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như tăng diện tích đất, mặt nước, cây xanh… thì vấn đề hạ nhiệt cho đô thị sẽ rất khó xử lý”. 

Theo PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, sự chậm trễ trong việc đưa những không gian xanh trong cộng đồng có một phần nguyên nhân do chúng ta chưa có những quy định mang tính ràng buộc về thiết kế kiến trúc xanh. Tất cả những gì làm được mới là “khuyến khích”, thông qua tuyên truyền hay tổ chức một số cuộc thi. Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi cho rằng, một trong những giải pháp cần thiết là triển khai cấp “chứng chỉ xanh” cho những công trình đáp ứng tiêu chuẩn về kiến trúc xanh.

Trong đó, những công trình kiến trúc được cấp “chứng chỉ xanh” phải trải qua quy trình kiểm tra và  đánh giá chặt chẽ dựa trên yếu tố tiêu thụ năng lượng, hệ thống chất thải… Việc này đã được các Hội đồng chuyên môn trên thế giới thực hiện. Có được chứng chỉ này cũng như một sự công nhận, khẳng định uy tín và thương hiệu cho công trình. Ngược lại, điều này cũng mang lại lợi ích kinh tế chính đáng cho chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, KTS Doãn Minh Khôi cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuyển biến tư duy của cả cộng đồng, xã hội. “Làm kiến trúc xanh là lợi ích cho bản thân người sử dụng công trình, được hưởng tiện nghi mà công trình của mình đem lại. Thứ hai, với chủ đầu tư cũng sẽ giảm bớt được chi phí nhờ sử dụng vật liệu tại chỗ. Và cuối cùng, mỗi công trình xanh sẽ đóng góp vào giảm nhiệt, giảm thiểu ô nhiễm cho không gian, nhất là không gian đô thị hiện nay”.