Không có chuyện “chống lưng”, bảo kê cho cát tặc

ANTĐ - “Tuyệt đối không có chuyện cán bộ  huyện “chống lưng”, bảo kê để cho cát tặc lộng hành” - đó là khẳng định của ông Hoàng Mạnh Phú – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ tại buổi giao ban thông tin báo chí được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua (18-11).

Không có chuyện “chống lưng”, bảo kê cho cát tặc ảnh 1Lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 50 tàu thuyền các loại đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Cát tặc lắm chiêu

Trước tình trạng khai thác tài nguyên cát trái phép trên sông Hồng được dư luận đặc biệt quan tâm, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, tuyến sông Hồng đoạn chạy qua địa bàn huyện Phúc Thọ dài gần 10km, tập trung nhiều mỏ cát đen cánh to có giá trị sử dụng cao nên nhiều đối tượng đã lợi dụng vỏ bọc doanh nghiệp cứu hộ, cứu nạn hoặc san lấp mặt bằng để khai thác cát trái phép. Với đủ chiêu trò đối phó, cát tặc chủ yếu hút cát vào các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần hoặc vào ban đêm, sáng sớm, không loại trừ việc sử dụng vũ khí, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ, trên tuyến sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn có 3 công ty được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác tại các mỏ cát lộ thiên phục vụ việc san lấp mặt bằng. Ngoài ra còn có Công ty CP Vân Phúc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cứu hộ, cứu nạn, trục vớt và trục cạn các loại tàu thuyền. Tất cả các doanh nghiệp này đều không được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông. Tuy nhiên ở phía bờ bên kia, có 2 công ty được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác lòng sông. Lợi dụng việc này, cát tặc đã tập trung khai thác tại các khu vực giáp ranh hoặc vị trí được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nghi vấn hoạt động khai thác cát trái phép và cưỡng đoạt tài sản trên tuyến sông Hồng được điều hành bởi đối tượng xã hội có tên Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, SN 1973), Đại tá Bùi Xuân Trường – Trưởng CAH Phúc Thọ cho biết, từ năm 2012, cơ quan công an đã phát hiện nhiều biểu hiện nghi vấn và lên kế hoạch đấu tranh với đối tượng này. Công ty do Toàn “cụt” nắm quyền điều hành được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động ở 30 lĩnh vực, trong đó có khơi thông, nạo vét dòng chảy.

Lợi dụng điều này, các đối tượng đã có biểu hiện thu tiền của các tàu thuyền di chuyển theo tuyến từ Ba Vì, Sơn Tây về đến Chèm. Do hoạt động phạm tội có tính liên huyện, liên tỉnh nên Công an huyện và các đơn vị nghiệp vụ CATP đều lập án đấu tranh, đồng thời báo cáo cấp trên để phối hợp, hỗ trợ. “Thủ đoạn của Toàn “cụt” rất tinh vi. Đối tượng này chỉ đứng sau chỉ đạo, việc giao dịch, đứng tên pháp nhân đều do họ hàng, đàn em  đảm nhiệm. Do đó, việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng cầm đầu là cả quá trình kỳ công, gặp nhiều khó khăn” - Đại tá Bùi Xuân Trường cho biết.  

Không bảo kê, tiếp tay cát tặc

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi: vì sao tài nguyên trên sông Hồng, đoạn qua huyện Phúc Thọ bị khai thác trái phép suốt thời gian dài, gây bức xúc dư luận mà đến nay mới bị xử lý? Phải chăng, công tác đấu tranh chưa triệt để vì cán bộ huyện đứng sau “chống lưng”, tiếp tay cho cát tặc? Về vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Phú khẳng định, Huyện ủy - UBND huyện và các ban, ngành chức năng đã nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng do thiếu lực lượng chuyên trách cũng như thiếu phương tiện, thiết bị chuyên dụng nên hiệu quả công tác đấu tranh với cát tặc chưa được như mong muốn. “Việc xử lý chưa triệt để là do điều kiện khó khăn. Tuyệt đối không có chuyện cán bộ “chống lưng”, bảo kê để cát tặc lộng hành” - lãnh đạo huyện Phúc Thọ thông tin và cho biết, trong 5 năm qua, bên cạnh công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, lực lượng chức năng huyện đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tăng cường tuần tra, xây dựng các phương án giải quyết tình trạng trên.

Nói về các biện pháp sẽ được triển khai nhằm ổn định tình hình, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho biết sẽ có kế hoạch giao nhiệm vụ cho 7 xã ven sông Hồng và các lực lượng như Công an, TTGT, Quản lý đô thị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh việc đề xuất tăng cường lực lượng cảnh sát chuyên trách về môi trường, CSGT đường thủy, phương tiện, thiết bị chuyên dụng, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với địa bàn giáp ranh thống nhất mốc giới, tăng cường phối hợp xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Trước đó, vào ngày 8-11, gần 200 cán bộ, chiến sỹ Cục CSGT đường thủy và Bộ Tư lệnh CSCĐ (Bộ Công an) phối hợp với CATP Hà Nội và CAH Phúc Thọ đã bao vây, triệt phá hoạt động khai thác cát trái phép có quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn qua huyện Phúc Thọ. Lực lượng cảnh sát đã bắt giữ 16 tàu cuốc, 31 tàu hàng và 3 tàu phao cẩu đang khai thác cát trái phép. Một số đối tượng liên quan đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Quá trình khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ nhiều sổ sách, hung khí và tang vật liên quan. Theo đánh giá ban đầu, ổ nhóm này hoạt động nhiều năm nay, có biểu hiện liên quan đến cưỡng đoạt tài sản. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng tổ chức hút trái phép và buôn bán khoảng 2.000m3 cát.