Khẩn trương ứng phó bão

ANTĐ - Từ tối qua, vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh, vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 11, cấp 12. Sáng nay 3-8, bão số 5 (tên quốc tế là Jebi) tràn về Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định. Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Trước diễn biến phức tạp của bão, các tỉnh ven biển đã triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bão. 

Xác định là tâm điểm bão số 5 đổ bộ, UBND các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tổ chức họp khẩn cấp với các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5 (tên quốc tế bão Jebi). 

Chuẩn bị lưới thép, rọ đá để kè đê phòng chống cơn bão số 5 tại quận Đồ Sơn-Hải Phòng

Quảng Ninh: Dừng họp, thường trực chống bão 

Sáng qua, đoàn công tác phòng chống bão lụt của Văn phòng BCĐ PCLB Trung ương đã trực tiếp có mặt tại Quảng Ninh để chỉ đạo công tác đối phó với bão số 5. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đặc biệt nhấn mạnh với đoàn công tác phải chú ý kiểm tra đoạn đê biển Hà Nam đã gia cố bởi dự báo bão vào sẽ mạnh cấp 8, 9 cộng với tác động của thủy triều sẽ làm cho sóng cao tới 3 – 5m. Ngoài ra, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lồng bè nuôi thủy hải sản, tâm lý bà con thường hay tiếc của, ở trên lồng bè lúc sóng to gió lớn là rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc kiểm soát tàu thuyền du lịch cũng nhiều cần phải tiến hành khẩn trương. 

Để chủ động phòng chống bão, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp của ngày 3-8, tất cả các ngành, địa phương đều phải thường trực chống bão 24h/ngày. Tính đến 15h ngày 2-8, toàn bộ các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã vào các điểm tránh trú bão an toàn. Như vậy là từ chiều 2-8, dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan. Trước 8h sáng 3-8, toàn bộ số hộ dân sinh sống ở các khu nuôi trồng thủy sản và người dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long đã di dời lên bờ. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn khai thác hầm lò tại Quảng Ninh được đặc biệt chú ý. Các nhà máy nhiệt điện thuộc Vinacomin cũng được chỉ đạo kiểm tra, xác định lượng than dự phòng để đảm bảo cung cấp đốt lò trong thời gian mưa bão, đề phòng trường hợp sự cố không cấp được than từ ngoài nhà máy. 

Thái Bình: Sẵn sàng “4 tại chỗ”

 Tại Thái Bình, từ 16h chiều qua, bão số 5 đã bắt đầu ảnh hưởng gây mưa to, gió giật mạnh. Bão cũng gây mưa to tại huyện ven biển Tiền Hải, đúng vào thời điểm triều cường lên đỉnh, khiến nước biển dâng cao tới 3m. Dự kiến nhiều khả năng bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương ven biển kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê biển và khẩn cấp sơ tán, khẩn trương di dời các hộ dân ven biển và lao động trên các chòi nuôi ngao, đầm nuôi trồng thủy sản ven biển vào trong đê tránh trú bão. Tỉnh Thái Bình cũng kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển và người ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ vào bờ, đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật tư tại các điểm đê sông, đê biển xung yếu sẵn sàng “4 tại chỗ” đối phó khi có sự cố xảy ra. 

Hải Phòng: Cấm biển từ 19h tối 2-8

 Trong khi đó, bão số 5 được dự báo sẽ đổ bộ vào Hải Phòng từ trưa nay 3-8, vào đúng thời điểm triều cường, làm cho các vùng ven biển sẽ có sóng lớn và nước dâng cao. Đối phó bão số 5, Hải Phòng đã ra lệnh cấm biển từ 19h tối 2-8. Theo đó, các phương tiện vận tải, hoạt động vui chơi, giải trí ven biển đều phải dừng hoạt động và di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Tàu cứu nạn CN09 của Bộ đội Biên phòng và các tàu tìm kiếm cứu nạn SAR411, SAR273 được điều động ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà sẵn sàng cứu nạn. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17h ngày 3-8; tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 7h ngày 3-8.

Bình Định: Có một ngư dân mất tích

Lúc 15h chiều qua, trong khi đang di chuyển vào bờ tránh bão, một ngư dân của tỉnh Bình Định đi trên tàu câu mực BĐ 30673, do ông Trương Văn Bảo ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát làm thuyền trưởng bị rơi xuống biển, tại khu vực phía Nam Côn Đảo, hiện vẫn đang mất tích.