Huỷ hoại rừng có thể bị phạt tù đến 15 năm

ANTĐ - Hỏi: Tôi xem trên báo đài, ti vi thấy tại nhiều địa phương có rừng, tình trạng đốt rừng bừa bãi làm nương đã khiến nhiều diện tích rừng bị tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Xin hỏi, người thực hiện hành vi trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?Lê Thị Thắm(xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Trả lời:

Điều 189 - Bộ luật Hình sự quy định về “Tội hủy hoại rừng”: 

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hủy hoại diện tích rừng rất lớn; Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn; Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Mặt khách quan của tội phạm trên là hành vi đốt phá rừng một cách bừa bãi gây hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Chủ thể của tội phạm là những cá nhân đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Thời gian qua, ở nhiều địa phương, người dân đã tìm mọi cách để lấn rừng, phá rừng bừa bãi, khai thác rừng trái phép. Điều này đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và đời sống con người, khiến công tác giải quyết các vụ án liên quan đến việc quản lý khai thác, bảo vệ rừng càng ngày càng nhiều và phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, các nhà làm luật sẽ nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan nhằm giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nhanh và hiệu quả các hành vi phạm tội.