Độc hại từ pin và ắc quy: Không thể lơ là

ANTĐ - Thực trạng thải loại pin và ắc quy vô tội vạ ra môi trường tại Việt Nam hiện nay đang đe doạ sức khoẻ của con người. Các cơ quan hữu quan đang tìm cách để đưa việc xử lý chất thải này vào quy củ.

Thải bỏ 40.000 tấn ắc quy chì mỗi năm
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2010, cả nước có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải bỏ. Dự báo đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Bên cạnh đó, hiện cả nước có khoảng 28 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô; số lượng các phương tiện trên cũng gia tăng thêm khoảng 20-25%/năm và đến năm 2021, Việt Nam có thể có tới 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại. Điều đó đồng nghĩa với việc một lượng rất lớn các loại ắc quy hết thời hạn sử dụng bị thải loại và trở thành phế thải. Tuy không có số liệu thống kê về nguồn thải bỏ này nhưng có thể ước đoán có hàng triệu bình ắc quy bị thải bỏ mỗi năm.

Thải bỏ 40.000 tấn ắc quy chì mỗi năm

Cụ thể, tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, Hưng Yên, có 61/529 hộ thu gom ắc quy chì với số lao động tham gia trên 500 người. Do không có các biện pháp quản lý sản xuất tốt cũng như thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định hiện hành, nên đất, nước và không khí của làng nghề này bị ô nhiễm khói bụi chì, nước thải axit trầm trọng.
Một chuyên gia lĩnh vực y tế cho hay, chì là kim loại nặng, đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ thống sinh sản và hệ thống tim mạch của con người. Hợp chất chì có thể hấp thụ qua đường ăn uống và thở. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Tái chế ắc quy không đúng quy cách làm lượng axit trong ắc quy chảy ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi

Khoản 1, Điều 67 - Luật Bảo vệ môi trường quy định, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ thuộc các ngành hàng pin và ắc quy, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, dầu nhớt, mỡ bôi trơn, bao bì khó phân huỷ trong tự nhiên, săm lốp và các hoá chất, nguồn phóng xạ trong sản xuất… Luật này đã có hiệu lực thi hành từ năm 2005 nhưng đến nay, do chưa có văn bản để cụ thể hoá các yêu cầu nói trên nên hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ chưa được thực hiện.
Thực tế, 10 năm trước, một số doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy lớn của Việt Nam như: Công ty cổ phần Pin ắc quy miền Nam, Công ty cổ phần Pin ắc quy Tia sáng đều thu hồi ắc quy chì và xử lý để tái sử dụng, nhưng nay giá thu mua của công ty không cạnh tranh nổi với giá thu mua của lực lượng “đồng nát” nên hoạt động này không hiệu quả.
Ông Tô Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Pin ắc quy Tia Sáng tiếc nuối: “Ắc quy là thứ bán ra tiền, không ai vứt ắc quy ra đường cả. Tuy nhiên việc thu gom không được quy định nên doanh nghiệp có muốn cũng chịu. Cần phải có chế tài quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp khi thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, chúng tôi chỉ có thể chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ như máy chạy pin thân thiện với môi trường, giảm phát thải”.
Ông Thành tính toán, trong khi Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn chì chất lượng cao làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ắc quy pin và
ắc quy thì nguồn pin, ắc quy thải bỏ này nên được tận dụng thay vì để người dân tự tái chế để xuất khẩu chì thô với giá rất rẻ. Nếu có một nhà máy tái chế ắc quy chì hoạt động với công suất 40.000 tấn chì/năm và chỉ cần hoạt động 1/2 công suất thì ngành sản xuất ắc quy cũng tiết kiệm được từ 10-20 triệu USD chi phí nhập khẩu chì tinh luyện, chưa kể đến hiệu quả bảo vệ môi trường.
Được biết, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo quyết định để trình Thủ tướng ký ban hành trong thời gian gần nhất nhằm giải quyết vấn đề trên. Theo đó, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2013) sẽ tiến hành thử nghiệm thu hồi pin và ắc quy; giai đoạn 2 (2013- 2018) sẽ thu hồi các sản phẩm thuộc nhóm hàng còn lại.