Nước mắt người mẹ trong vụ "bố chất rơm đốt con vì gói mì tôm"

ANTĐ - Đang đi hái cafe thuê ở Đắc Nông nhận được tin con bị bỏng, chị Xuân vội vàng bắt xe trở về để chăm con. Khuôn mặt hốc hác, già nua trước tuổi người mẹ này cố giấu nước mắt khi đứa con không ngừng kêu đau. Giận chồng, thương con nhưng chị Xuân càng không muốn chồng mình vướng vào vòng lao lý.

Cha trói rồi dùng rơm đốt con vì tội trộm mì tôm

Mấy ngày hôm nay, người dân xóm 4, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đang xôn xao bàn tán về việc một ông bố dùng rơm đốt con trai vì tội lấy trộm mấy gói mì tôm của bà nội. Người cha là anh Bùi Khắc Thế (40 tuổi) còn cháu bé là Bùi K.V. (7 tuổi). 

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 20-11, cháu V. sang nhà bà nội là Hoàng Thị Năm (70 tuổi) gần nhà và lấy 3 gói mì tôm mà không xin phép. Biết chuyện, bà Năm quát mắng cháu V. rồi sang nhà nói lại với anh Thế. 

Nghe mẹ nói, người bố này tức giận đã trói cháu V. vào gốc cây rồi chất rơm dưới chân và châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, đau đớn, hoảng loạn cháu V. kêu cứu. Nghe tiếng kêu, hàng xóm chạy sang cởi trói và giải thoát cháu V. ra khỏi đống lửa. 

Nước mắt người mẹ trong vụ "bố chất rơm đốt con vì gói mì tôm" ảnh 1

Cháu V. bị bỏng sâu ở hai chân hiện đang được chữa trị ở bệnh viện

Ngọn lửa đã làm cháu V. bị bỏng ở chân. Sau khi sự việc xảy ra, người thân đưa cháu V. vào nhà nằm nghỉ. Chiều cùng ngày, nhận được tin báo, cán bộ y tế cùng đại diện chính quyền đã đến nhà và đưa cháu V. về trạm xá để sơ cứu vết thương. Do tình trạng vết bỏng khá nặng, cháu V. đã được chuyển lên bệnh viện đa khoa huyện Anh Sơn để chữa trị. 

Sau 3 ngày nằm viện huyện cháu V. đã được chuyển xuống bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An để tiếp tục điều trị. Các bác sỹ tại khoa Bỏng – chấn thương chỉnh hình cho biết, họ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng bị bỏng lửa, điểm bỏng nặng nhất là ở hai chân kéo dài lên đến đùi, bỏng bộ phận sinh dục, mất tổ chức da, với diện tích bỏng sâu 25%, suy hô hấp, khó thở. Sau một ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe tiến triển tốt.

Ông Nguyễn Công Tùng, xóm trưởng xóm 4 chia sẻ: “Sự việc xảy ra khiến chúng tôi rất sốc và bất ngờ. Bình thường, cháu V. rất hiếu động và nghịch ngợm nhưng trẻ con chưa biết gì nên mới như vậy. Không hiểu lý do vì sao anh Thế lại có hành động khiến cháu V. bị thương như vậy. Hàng ngày, anh Thế ở nhà giúp vợ những công việc nhẹ nhàng, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh rất nghèo. Vì lẽ đó, đứa con đầu của vợ chồng anh ấy sớm thất học theo mẹ đi hái cafe thuê ở Đắc Nông. Mấy năm nay, gia đình anh ấy đều là hộ nghèo của xã”. 

Ông Nguyễn Cảnh Toàn chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cũng xác nhận sự việc là có thật. Ngay khi nhận được thông tin, chính quyền đã về nhà anh Thế để tìm hiểu sự việc. Vào thời điểm xảy ra chuyện, mẹ cháu bé không có nhà nên chính quyền và hàng xóm đã đưa cháu bé đi bệnh viện để chữa trị.

Nước mắt người mẹ!

Nghe tin con trai bị nạn, chị Nguyễn Thị Xuân (38 tuổi) lập tức xin nghỉ việc tức tốc bắt xe về quê để chăm con. Nhìn con nằm trên giường bệnh luôn miệng kêu đau, chị chỉ biết ứa nước mắt vì thương con. 

Nước mắt người mẹ trong vụ "bố chất rơm đốt con vì gói mì tôm" ảnh 2

Gốc cây nơi V. bị bố trói và chất rơm đốt

Trầm ngâm chốc lát, chị Xuân chia sẻ: “Tôi không ngờ con tôi còn nhỏ mà lại phải trải qua những cơn đau đớn như vậy. Cách đây 2 năm, chồng tôi bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Sau thời gian nằm điều trị ở bệnh viện hiện anh ấy mất sức lao động. Những lúc trái gió trở trời vết thương trở chứng gây đau. Vào những lúc như vậy anh ấy thường tức giận và mất kiểm soát. Có thể hôm xảy ra chuyện, vì vết thương tái phát nên anh mới không kiểm soát được hành động của mình như vậy”.

Được biết, anh Thế nên duyên với chị Xuân vào năm 1997. Một năm sau đó, cậu con trai đầu lòng ra đời khiến mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười. Đất ít, nhà nghèo nên anh Thế đi làm thợ xây để kiếm thêm thu nhập. Lần lượt hai đứa con trai tiếp theo ra đời khiến kinh tế ngày càng kiệt quệ. 

Năm 2012, trong một lần va chạm giao thông, anh Thế bị chấn thương sọ não. Thoát chết trở về, người đàn ông này mất sức lao động, chỉ ở nhà trông con và phụ giúp vợ những việc nhẹ nhàng. Cách đây 1 tháng, chị Xuân vào nam làm ăn để kiếm thêm thu nhập gửi về cho chồng nuôi hai con. Tuy nhiên, tiền lương chưa kịp nhận chị đã phải về quê gấp để chăm con trong bệnh viện.

Ngôi nhà nhỏ lưng chừng đồi của vợ chồng anh Thế, không có vật dụng gì đáng giá, anh Thế trầm tư không muốn nhắc đến chuyện vừa xảy ra. Sau một hồi trò chuyện, người đàn ông này ngậm ngùi: “Tôi chỉ muốn dọa con để lần sau con không làm như vậy nữa. Không ngờ sự việc lại đến mức này. Tôi là bố nó, tôi cũng thương nó chứ. Có người bố nào lại muốn làm con mình đau đâu. Bây giờ tôi ân hận lắm, tôi chỉ mong con sớm lành bệnh để về nhà”. Cũng theo anh Thế, lúc xảy ra chuyện, anh không thể kiềm chế được bản thân do vết thương cũ trở trời mà tái phát.

Biết tình hình sức khỏe của con trai đã tiến triển tốt, tâm trạng của chị Xuân khá hơn. Dù rất giận chồng nhưng chị Xuân rất sợ chồng vướng vào vòng lao lý.

Nước mắt người mẹ trong vụ "bố chất rơm đốt con vì gói mì tôm" ảnh 3

Dù rất giận chồng nhưng chị Xuân cũng thương chồng và mong anh sẽ không phải vướng vào tù tội

Nén tiếng thở dài, chị Xuân giãi bày: “Khổ thì cũng khổ rồi, khổ mấy tôi cũng vượt qua được. Trong cuộc sống vợ chồng anh ấy là người chồng tốt. Lúc sức khỏe bình thường anh ấy yêu thương con, chỉ có khi thời tiết thay đổi anh ấy mới trái tính. Giờ đây tôi chỉ mong con sớm lành bệnh và chồng không phải đi tù mà thôi”. 

Tiếng rên khe khẽ của con trai trên giường bệnh khiến chị Xuân đau đớn. Lén lau giọt nước mắt rồi động viên con trai. Khuôn mặt khắc khổ của người mẹ khiến nhiều người trong phòng bệnh thương cảm. Không biết rồi đây, người mẹ, người vợ này sẽ gồng gánh gia đình nhỏ này thế nào.

Trao đổi với đại diện CAH Anh Sơn cho biết, ngay khi nhận được thông tin về sự việc đơn vị này đã tiến hành lập hồ sơ. Hiện đang chờ sức khỏe của cháu V. ổn định sẽ xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên, đại diện công an cũng cho biết vì hoàn cảnh gia đình và điều kiện sức khỏe của người bố có thể họ sẽ xử lý theo hướng nhân văn nhất để anh Thế có thể chăm sóc con của mình.