Người mẹ già 80 tuổi và 3 đứa con bị điên

ANTĐ -“Ở cái tuổi này, giời cho sống ngày nào thì hay ngày ấy. Tôi “đi” rồi thì cũng thôi. Nhưng còn ba đứa nó thì biết trông cậy vào đâu?”. Bà lão nghẹn ngào nhìn ba đứa con ngẩn ngơ bên cạnh. Đôi mắt mờ đục bởi tháng năm chẳng còn nước mắt.

Người mẹ già 80 tuổi và 3 đứa con bị điên ảnh 1

Gia cảnh khó khăn

Về thôn 6, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hỏi gia đình cụ Chiêu có ba con bị tâm thần, không ai không khỏi xót xa cho cảnh ngộ của cụ. Cụ tên thật là Bùi Thị Xuyến (SN 1935), chồng cụ là cụ ông Phạm Văn Chiêu. Dân làng vẫn quen cách gọi tên vợ theo tên chồng nên gọi cụ là cụ Chiêu. Lòng vòng qua những con đường ngoằn ngoèo, tôi đến thăm gia đình cụ trong cái nắng oi bức đầu hè. Ngôi nhà cấp bốn tồi tàn được xây từ mấy chục năm trước nằm gọn lỏn cuối ngõ vắng hiu hắt. Bên ngoài hiên, ba con người, ba khuôn mặt ngây dại nhìn người lạ, không chút biểu cảm.

Nghe tiếng xe, cụ Xuyến từ trong nhà lọ mọ bước ra, trên tay còn đang bưng bát cơm rau. Và dường như cũng chỉ đợi như thế, khi thấy mẹ bưng cơm ra, những ánh mắt vô hồn kia vội nhìn vào bát cơm, chờ được cho ăn như một thứ phản xạ có điều kiện duy nhất của những người con lẩn thẩn này. Nhưng vì nhà có khách, cụ đặt tô cơm xuống hiên, nheo mắt nhìn.

 Còn chưa kịp chào hỏi, một trong ba người con của cụ đã gào lên khi cụ chưa kịp cho ăn. Nhìn những ánh mắt vô hồn, đòi ăn của ba người con khiến lòng tôi thắt lại. Người mẹ già lưng còng, mắt mờ chân chậm vừa lo dỗ con, vừa cuống quýt mời khách ngồi. Tôi còn chưa biết ngồi vào đâu thì cô Phạm Thị Chắt (62 tuổi - con gái thứ ba của cụ Xuyến) từ dưới nhà đi lên, vừa vội thả lại cái ống quần xộc xệch, cô vừa mời ngồi.

Tôi đưa mắt nhìn vào bên trong nhà, ngoài chiếc giường thì cũng chẳng có bàn ghế gì, chẳng biết phải ngồi hay đứng. Thấy vậy, cô Chắt nói: “Cháu thông cảm, nhà chẳng có gì…” rồi cô vội cầm chổi quét qua một góc hiên làm chỗ ngồi. Bên cạnh cô, cụ Xuyến đang đút cơm cho các em.

Bao nhiêu năm nay, cô Chắt phần vì tủi phận, phần vì thương em, thương mẹ già vất vả, cô ở vậy cày cấy mấy sào ruộng khoán, phụ mẹ chăm sóc các em. Tâm sự với tôi, cô nghẹn ngào: “Khổ! Bà đẻ được bảy anh chị em, đến ba đứa sau thì lại ngây ngây dại dại từ nhỏ. Một đứa thì sau này biến chứng não cũng dở dở ương ương”. Rồi cô đưa vạt áo lên, vội lau giọt nước mắt vừa trào ra.

Theo lời kể của cô Chắt, thì bố cô, cụ ông Phạm Văn Chiêu, hồi còn trẻ, nổi tiếng trong vùng vì sự chịu khó, hay lam làm và sức khỏe ít ai bì kịp. Nhưng, số phận trớ trêu, năm 1942, sau một lần thực dân Pháp về làng bắt người đi làm lao công, cụ ông không chịu đi làm cho Pháp, chúng đã bắt cụ đem bỏ tù, cụ bị đánh đập, tra tấn hết sức tàn nhẫn.

Sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, cụ ông bị bệnh lao, thổ huyết và có triệu chứng của bệnh thần kinh, do suốt bốn năm bị hành hạ trong nhà tù đế quốc. Những tưởng, sau khi thoát khỏi những trận tra tấn của thực dân Pháp, được cụ Xuyến chăm sóc và niềm vui của đôi vợ chồng trẻ chịu thương chịu khó với đủ mọi nghề mưu sinh được nhân lên khi những đứa con lần lượt chào đời.

 Nhưng, trớ trêu thay, sự nghiệt ngã của số phận lại đổ lên gia đình cụ. Trong số 7 người con (4 trai, 3 gái) thì có tới 4 người con của cụ bị bệnh điên dại. Đó là chú Phạm Văn Khiêm (55 tuổi) bị biến chứng não, còn chú Phạm Văn Khải (51 tuổi), cô Phạm Thị Hương (45 tuổi) và chú Phạm Văn Minh (42 tuổi) bị bệnh thần kinh từ nhỏ. Bao nhiêu gánh nặng lúc này đè nặng trên đôi vai gầy của cụ bà.

Chồng bị bệnh hành hạ mất dần khả năng lao động, con thì còn nhỏ dại. Một mình cụ Xuyến gánh vác tất cả. Cụ nhận thêm ruộng khoán của hợp tác xã, lại đi buôn bán thêm mớ rau con cá, những mong có thêm tiền chạy chữa bệnh cho chồng và nuôi con. Do đông con lại ít nhân khẩu lao động, kinh tế eo hẹp. Năm 1973 cụ ông qua đời sau bao năm bệnh tật hành hạ và cố gắng lăn lộn kiếm sống.

 Cụ Xuyến lúc này đã già, chẳng thể làm lụng gì thêm, chỉ biết trông vào vài sào ruộng để nuôi ba người con bệnh tật. Riêng cô Chắt, sau khi vào Gia Lai làm kinh tế mới, vì không nỡ để người mẹ già sức tàn lực kiệt một mình chăm sóc các em bị bệnh, sau nhiều đêm suy nghĩ cô đã bỏ làm ở khu kinh tế để về quê. Từ ấy đến nay, cô không lập gia đình, một thân tần tảo cấy cày chăm sóc mẹ và ba người em bệnh tật.

Người mẹ già 80 tuổi và 3 đứa con bị điên ảnh 2

Cụ Xuyến và những người con bị bệnh tâm thần của mình

Nhà có 3 người điên

Cô Chắt cho hay, lúc mới sinh ba người em của cô cũng bình thường như những đứa trẻ khác trong làng. Đến gần một tuổi, đều có biểu hiện nóng sốt, co giật và ảnh hưởng đến não. Đến nay, ba anh em không biết nói, không đi lại bình thường, chẳng biết làm gì ngoài thẫn thờ, cười nhảm và ú ớ. Riêng chú Khải và cô Hương bị liệt chân gần 15 năm nay, chỉ lê lết một chỗ, đến đi vệ sinh cũng không biết. Riêng chú Minh thì còn đi lại được lại hay la hét, đập phá và lang thang.

Vất vả lắm, cụ Xuyến mới cho được ba người con ăn hết bữa cơm và dỗ dành họ ngồi yên. Quay sang tôi, cụ tâm sự: “Đấy anh xem, cho con ăn mà cứ như đánh vật. Chẳng biết rồi cái thân già này còn ở với chúng nó được đến bao giờ. Ở cái tuổi này, giời cho sống ngày nào thì hay ngày ấy. Tôi “đi” rồi thì cũng thôi. Nhưng còn ba đứa nó…”

Do gia đình nghèo, tuổi cao lại không có tiền cho ba người con đi chữa bệnh, cụ Xuyến đành phó mặc cuộc đời cho mặc số phận định đoạt, khi đến bản thân cụ bệnh tật cũng không thể làm gì hơn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, mấy người con của cụ Xuyến hay lên cơn, gào thét, đập phá đồ đạc, đi lang thang khắp nơi. Cụ mắt mờ chân chậm, chỉ biết loanh quanh trong nhà, lo bữa cơm cho các con.

Cuộc sống của gia đình cụ Xuyến gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào mấy sào ruộng khoán cô Chắt cày cấy và hơn 1 triệu đồng phụ cấp người tàn tật từ chính sách Nhà nước, không làm sao đủ cho 5 miệng ăn trong thời buổi vật giá leo thang. Nhiều khi đau bệnh, tiền thuốc cho cụ Xuyến và 3 người con điên dại đều phải vạy mượn từ hàng xóm láng giềng.

Rời khỏi ngôi nhà của cụ Xuyến, hình ảnh người mẹ nghèo gần đất xa trời mắt mờ chân chậm, mò mẫm đút từng miếng cơm cho ba người con điên dại cứ ám ảnh mãi tâm trí tôi. Những ánh mắt ngơ ngác của những người điên, những ánh mắt thẫn thờ mệt mỏi suốt bao tháng năm khổ cực của người mẹ, người chị trong gia đình ấy. Cuộc sống của họ sẽ đi về đâu. Những người con cụ Xuyến bị điên kia sẽ đi về đâu, khi một mai đây thôi, người mẹ già ra đi bởi sức cùng lực kiệt. Người chị đã ngoài 60 liệu có cầm cự được thêm mấy năm nữa để có thể trông nom cho ba người em điên dại.