Lấy đâu ra tiền để đi lại?

ANTĐ - Đợt tăng giá xăng hôm 28-3 vừa qua, rồi giảm giá nhỏ giọt sẽ khiến cước vận tải tăng trong những ngày tới. Anh Vũ Chung- quê ở Hà Giang, đang theo học tại Hà Nội không khỏi lo lắng:

- Tuần nào tôi cũng đi lại Hà Giang - Hà Nội. Giá vé hiện tại đang là 150.000 đồng/vé ngồi và 200.000 đồng/vé nằm. Nghe nói sắp tới tăng thêm 7-27% nữa thì chi phí tăng nhiều quá. 2 lượt đi về mỗi tuần là mất 1/5 tháng lương công chức của tôi, chưa kể chi phí ăn ở, học hành...

- Anh đã nhận được thông báo tăng giá vé rồi à?

- Trên báo, các hãng vận tải đã rào đón tăng cước từ khi tăng giá xăng. Và lần nào cũng vậy, cứ tăng giá xăng là tăng cước vận tải. Làm gì có doanh nghiệp vận tải nào chấp nhận chạy lỗ đâu. Khách hàng có nhu cầu thì giá nào cũng phải đi, không có lựa chọn khác. 

- Mức tăng tối đa 27% là quá cao?

- Đúng vậy. Ví dụ một vé giường nằm hiện giờ là 200.000 đồng. Tăng thêm gần 30% thì cũng xấp xỉ 260.000 đồng/vé. Cả đi cả về phải chi thêm 120.000 đồng/vé. Trong khi chất lượng dịch vụ, chỗ ngồi vẫn thế. Nhà xe cũng nên cân nhắc để không bóp nghẹt người dân. 

- Các hãng vận tải cho rằng đây là mức tăng không cao, vì tối đa họ được tăng không quá 60%?

- Thật khủng khiếp nếu họ tăng giá tới mức tối đa. Người dân lấy đâu ra tiền để đi lại như thế? Khi ấy, nhu cầu giao lưu, học tập, đi lại sẽ bị kìm hãm và từ đó tác động lại sự tiến bộ xã hội. Và hiện tại, tương tự như giá điện, doanh nghiệp vận tải chỉ cần tăng đến gần 30%, lần sau lại tăng như vậy cũng làm người dân nghẹt thở rồi. 

- Khi đó, có thể chất lượng dịch vụ sẽ khác?

- Cải thiện chất lượng dịch vụ là yêu cầu tất yếu. Nhưng để cải thiện mà đòi thêm nhiều tiền vậy thì chẳng hy vọng được thay đổi.