Dùng con trói chồng - lạt mềm buộc không chặt

ANTĐ - Khi tình yêu phai nhạt, hôn nhân lung lay, nhiều phụ nữ sử dụng con như “vũ khí” sắc bén để buộc chân chồng. Tuy nhiên, đứa con chỉ khiến người đàn ông áy náy chứ không giúp tình cảm vợ chồng mặn nồng trở lại. 

Dùng con làm vũ khí

Chồng chị Nguyễn Ánh Hồng (Ba Đình) đã từng qua một lần đò. Anh có với người vợ cũ 3 đứa con gái. Trong khi anh lại là con trưởng, rồi trưởng tộc. Có lẽ vợ đầu chỉ sinh con gái cũng là lý do khiến anh ly hôn. Khi chị Hồng sinh con trai, gần như cả họ Bùi nhà anh Đình - chồng chị đã đến chúc mừng. Mẹ chồng cũng hớn hở, gần như không bắt con dâu phải động tay động chân vào việc nhà. Chỉ cần nghỉ ngơi, đến bữa ăn thật nhiều để lấy sữa cho “cục vàng” của bà bú là được. Hết thời gian ở cữ, anh Đình “cảm tạ” vợ bằng chiếc SH thời trang.

Dùng con trói chồng  - lạt mềm buộc không chặt ảnh 1

Nhiều bà vợ sai lầm khi sử dụng con như “vũ khí” để níu chân chồng. Ảnh minh họa                              

Không rõ từ lúc nào, chị Hồng lấy con ra để làm vật đặt cược cho các cuộc thương lượng, mặc cả, thậm chí mè nheo, đòi hỏi vô lối với chồng. Đi SH vẫn chưa sang, chị Hồng đòi chồng mua ô tô để chở con cho an toàn, mặc dù tập lái mãi chưa xong. Con phó mặc cho người giúp việc và bà nội trông, còn chị Hồng hết đi tập tennis lại tập múa bụng. Chồng nhắc nhở thì chị dỗi dằn vì “tại chồng, tại con nên người xấu”. Chỉ vì chồng không thích đi xem phim, cà phê với vợ hàng tuần, chị Hồng cũng dọa đưa con về nhà mẹ đẻ. Vợ trẻ, con nhỏ, anh Đình cứ nhường nhịn vợ, chấp nhận mọi yêu cầu oái oăm của vợ. Còn anh Dương - chồng chị Đinh Thị Xuân (Hai Bà Trưng) là giám đốc một công ty lớn nên hay phải tiếp khách, về muộn. Gần đây, chị Xuân còn phát hiện chồng hay lén lút gọi điện thoại, ăn mặc cũng chải chuốt hơn.

Trong khi đó, sinh xong đứa con thứ hai, người chị teo tóp như quả táo tàu, da mặt nhăn nheo, ngực lép kẹp. Vì thế, lúc nào chị cũng cảnh giác. Nhưng cho dù chị cằn nhằn, khóc lóc thế nào, anh Dương cũng không thể bỏ các cuộc gặp khách hàng. Vì thế, chị Xuân đổi chiến thuật bằng cách đưa ra “vũ khí” lợi hại hơn. Biết anh Dương yêu con gái nên mỗi lần chồng về muộn, chị Xuân lại bắt con gái điện thoại gọi bố về. Vài lần đầu, giọng thỏ thẻ của con gái đã thuyết phục được anh Dương. Nhưng vài lần sau là anh Dương “nhờn thuốc”. Đã thế, chị cấu véo, đánh con khóc rồi để điện thoại cho chồng nghe thấy, sốt ruột mà về. Chị Xuân tuyên bố thẳng với chồng: “Nếu anh không về thì chị sẽ đánh con cho bõ tức”. 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nhiều người vợ cảm thấy lời nói của mình yếu thế, không khiến chồng thay đổi hành vi thì đem con ra làm “vũ khí” để tấn công, ép buộc chồng làm theo mình. Cũng có người lại sử dụng con làm “bia đỡ đạn” nếu như thấy mình có lỗi nhưng lại không dám nhận sai. Mọi người thường nghĩ đơn giản rằng vợ (chồng) có thể bỏ được nhưng không thể bỏ được con cái, không bao giờ hết yêu con cái. Do đó, dùng con ép chồng, các bà vợ hy vọng sẽ lôi kéo được chồng về nhà, trói chồng trong trách nhiệm của hôn nhân. 

Lạt mềm không chặt

Thấy chồng hết lòng quỵ lụy vợ vì con trai, chị Hồng được đà lấn tới. Con trai mới 3 tuổi, chị đã thủ thỉ yêu cầu chồng viết di chúc, dành ngôi nhà và phần lớn tài sản cho con trai do chị bảo hộ. Nhưng anh Đình nhất định không đồng ý với yêu cầu quá quắt của vợ. Anh còn đang khỏe mạnh, các con gái cũng đang cần anh chăm sóc. Cho dù anh thích con trai hơn nhưng với con gái anh vẫn muốn làm tròn trách nhiệm, có di chúc cũng phân chia tài sản công bằng, chỉ cho con trai nhỉnh hơn tí chút mà thôi.

Thấy chồng lạnh nhạt, chị Hồng làm mình làm mẩy, khóc lóc chán chê không được thì đưa con về mẹ đẻ. Chị nghĩ chỉ đến hôm sau là anh phải làm lành, đưa chị về, nhưng đã 3 tuần, anh chẳng đến đón. Chị bực mình đòi ly hôn và nhận nuôi con. Anh thủng thẳng: “Anh báo trước, nếu ly hôn, ra toà, một bà mẹ không có nghề nghiệp, không có thu nhập, không có nhà như em thì không được quyền nuôi con đâu”. Chị Hồng chết sững. 

Còn gia đình chị Xuân cũng một phen xáo trộn khi chị mang con đi tìm chồng. Cho dù chồng chị hứa sẽ về nhà đúng giờ nhưng chị vẫn tìm đến tận quán nhậu, ôm hai đứa con đứng giữa cửa. Buổi chiều nóng đến gần 40 độ C, lại bất ngờ gặp cơn mưa, hai đứa con chị bị ốm nặng. Một đứa còn có hiện tượng viêm não virus, co giật. Chồng chị ở viện trông con cả tuần nhưng không hề hé răng một lời với vợ.

Một người bạn khuyên can thì anh chỉ đáp: “Tôi cũng không phải người chồng, người cha hoàn hảo nhưng với người vợ thích hành hạ con để dọa chồng mà không biết đến nỗi khổ của con, sự vất vả khó nhọc của chồng thì tôi cũng chẳng thiết tha nữa”. Con xuất viện, hai vợ chồng chị Xuân sống ly thân. 

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, con cái chỉ là một yếu tố làm nên quan hệ hôn nhân. Không thể chỉ bấu víu vào con để hy vọng trói buộc được chồng. Đứa con chỉ phát huy được tác dụng “lạt mềm”, khi người vợ sử dụng với tình yêu thương, nhân hậu. Hành hạ con để giữ chồng chẳng khác nào chứng minh sự tàn nhẫn, vô tình của mình. Chồng không chắc đã giữ được mà người phụ nữ đó có khi còn đánh mất tình yêu, sự tôn kính mẹ của trẻ. Ngoài ra, việc ra điều kiện ép buộc chồng chỉ khiến cánh đàn ông ức chế, chai lỳ mà thôi. Thậm chí họ bị miễn dịch trước các trò dọa dẫm của vợ. 

“Khi bạn dùng con ép buộc chồng nghĩa là bạn đã đẩy người đàn ông vào tâm thế miễn cưỡng, bực bội. Sẽ khó có được sự vui vẻ, thoải mái trong gia đình nếu người đàn ông chỉ trở về nhà vì đứa con. Vợ chồng muốn sống yên vui, đầm ấm thì phải yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Có mâu thuẫn cũng phải trò chuyện để cùng tìm cách tháo gỡ một cách tự giác, đồng thuận. Việc dọa dẫm, đòi hỏi từ một phía sẽ chỉ làm cho nhau thêm chán nản” - Bà Nguyễn Hoài Đức - Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khoẻ sinh sản và gia đình.