Hệ lụy chết người từ… bóng cười

Đã đến lúc đưa "khí gây cười" vào danh mục cấm mua bán tự do

ANTĐ - Tối thứ bảy, cùng cậu bạn mới từ Singapore về vào quán bar gần Nhà thờ Đức Bà tính làm ly rượu mừng cái bằng Thạc sĩ chưa biết dùng làm gì của nó. Nghĩ rằng trong bóng tối mờ ảo rất TP.HCM, một bản nhạc nhẹ nhàng, một ly rượu ấm sẽ là thú vui cho những người đã từng lang thang ngoài biên giới quốc gia. Nhưng quán bar cũ kỹ hôm nay không còn cái êm dịu đó nữa. 

Chưa ngồi ấm chỗ, trong góc tối đã bật lên mấy tiếng cười ma dại, rồi chồng lên, tiếp lên ba bốn giọng cười cũng ào theo, cũng man dại không kém. Cái tiếng khì khì lẫn những tiếng nức nở gây khó chịu kinh khủng. Anh bạn tôi quay sang hỏi: Ở nhà chơi Halloween sớm quá nhỉ. Không phải, còn chục ngày nữa mới mới đến Lễ hội hóa trang vui nhộn, người không giả người, toàn giả ma giả quỷ. Nhìn kỹ vào góc tối, tôi càng ngạc nhiên hơn. Quái lạ, một đám nam thanh nữ tú mặc toàn hàng hiệu đang méo mặt thổi bóng bay. Anh bạn tôi thở dài: Sao ở mình như cái hố rác trò chơi ma dại của thế giới hả trời? 

Ảnh: Internet

Làm loạn các tụ điểm vui chơi giải trí

Bỏ quán bar ra đường đi dạo, anh bạn  mới kể cho tôi về cái môn chơi thổi bóng bay này. Trước đây vài năm, ở Singapore, Thái Lan đã xuất hiện trò chơi này. Nó thực chất là trò “hít khí cười” - một loại ma túy nhẹ. Người ta thổi bóng rồi lại hút vào, rồi lại thổi. “Khí cười” - khí ở trong bóng ngấm dần vào người, tạo ra một cơn hưng phấn và thông thường sẽ có một cơn cười không tự chủ. Chính vì không tự chủ nên tiếng cười giống tiếng cười ma là vì vậy. Nhưng chính những báo động về tác hại của loại “khí cười” này nên nó đã vắng bóng ở Singapore từ lâu. Ai ngờ về Việt Nam lại gặp.

Ngay sau đêm gặp “bóng cười” ở quán bar, tôi đã dạo một vòng quanh thành phố. Như một cơn lốc, ở vũ trường, các quán bar  chỗ nào tôi cũng gặp các thanh niên chơi “bóng cười”. “Bóng cười” như một trào lưu mới thu hút giới trẻ. Không gì kinh khủng hơn chỗ nào cũng gặp những tiếng cười... ma. Người thì hi hi, người thì hớ hớ, người thì nức nở, người thì khà khà từng cơn đứt đoạn. Có một bạn trẻ chơi “bóng cười” quá mức, lăn lộn trên sàn nhà, hai tay dứt dứt khuy áo cổ mà vẫn vươn cổ ra, vừa cười vừa thở. Nhìn cái mặt tím lịm, tôi biết cậu ta đang thiếu ô-xy nghiêm trọng. Tôi nhắc mấy bạn cậu chở cậu ta đi cấp cứu. Ai ngờ, mấy cô cậu trẻ nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh: Không sao đâu, ông già! Chơi “bóng cười” nó vui vậy đấy, hết ngay ấy mà. Và phải mất một lúc, cậu bé thiếu ô-xy mới dứt cười, mặt hồng dần tôi mới yên tâm.

Giá 50.000 đồng cho 1 cơn cười 

Tìm hiểu trên Google chỉ cần đánh từ khóa mua “bóng cười”, không thể tưởng tượng được, chưa đầy 10 giây đã có 28 triệu mục từ. Có thể nói mua cái thứ ma túy này dễ hơn mua rau. Chỉ cần một cuộc điện thoại, chỉ 15 phút sau đã có một chiếc xe máy đến với một túi bóng bay và bình như bình gas đựng “khí cười”, và với 50.000 đồng đã có thể cười một cơn rũ rượi. Không chỉ bán qua điện thoại, bóng cười còn được bán rong ở mọi tụ điểm. Câu rao thường thấy có ở mọi nơi: “Không hôi như thuốc lào, sang hơn thuốc lá, phê như hàng đá mà không bị bắt”…

“Bóng cười” đang lây lan một cách “rầm rộ” chỉ vì nó không được liệt vào loại ma túy, say “khí cười” chỉ cười, chưa đến mức mất tự chủ trong hành động, nên ngoài tiếng cười gây khó chịu cũng không phiền mấy đến xung quanh. Chính vì vậy nó không phải là thứ chất cấm và như thế có nghĩa là hành vi bán “bóng cười” cứ vô tư. Nếu đám bán bóng rong có chút bồi dưỡng cho chủ quán bar, bảo vệ vũ trường thì bán thoải mái mà dân chơi cũng thoải mái. 

Gây hại sức khỏe nghiêm trọng

Chơi “bóng cười” thực chất là “hít khí cười” vào cơ thể. “Khí cười” là khí Nitrous Oxide có công thức hóa học là N20. Loại khí này vốn được sử dụng trong y học như một loại khí giảm đau, gây mê, có mùi vị ngọt nhẹ. Khí Nitrous Oxide không cháy nhưng có tính Oxy hóa và khuyến khích các chất cháy. N2O (Nitrous Oxide - Oxit Nitơ) thực ra là một chất để gây vô cảm (Anesthesia). Chữ Anesthesia bao gồm 2 chữ An (không) và Esthesia (cảm giác) nên dịch đúng phải gọi là vô cảm. Một số người dịch Anesthesia là gây mê cũng đúng nhưng cách dùng từ gây mê khiến nghĩa của từ bị hạn chế trong khi đó Anesthesia có thể bao gồm gây tê cục bộ hoặc các biện pháp làm vô cảm toàn thân nhưng không mất tri giác (không làm “mê”) như N2O.

N2O là một chất khí khi được hô hấp làm giảm cảm giác đau nhưng vẫn duy trì tri giác và duy trì sự đối thoại (và sự hợp tác) của cán bộ y tế với bệnh nhân nên N2O là biện pháp vô cảm phổ biến nhất trong nha khoa - có thể bảo bệnh nhân há miệng ra để nhổ răng chẳng hạn. Áp dụng tính chất gây vô cảm N2O đầu tiên được ông Well (Nha sĩ) của bang Connecticut Hoa Kỳ ứng dụng trong thực tế và đây là trường hợp vô cảm bằng phương pháp hiện đại đầu tiên trên thế giới (Tuy nhiên lần biểu diễn của ông Well tại Bệnh viện Đa khoa Massachusette không thành công do NO2 không làm bệnh nhân mê nên khi nhổ răng bệnh nhân bị giật mình nên la lên - vì vậy ông Well bị mất mặt và phải bỏ nghề). Cơ chế vô cảm của N2O là tác động lên hệ opioid nội sinh (vì vậy N2O cũng giống như morphine làm mất cảm giác đau nhưng không gây mất tri giác ở liều gây giảm đau). Nếu sử dụng kháng thể để block hệ thống opiod nội sinh thì cũng ngăn chặn tác dụng giảm đau của NO2.

N2O còn gọi là khí cười bởi vì nó có thể gây cảm giác hưng cảm (Euphoria); Khi Beddoes đầu tiên chế tạo thiết bị thở NO2 vào năm 1794 để chữa các bệnh phổi thì tình cờ người ta phát hiện có tính chất gây phấn chấn và muốn cười. Do đó khí này được gọi là Laughing Gas. Năm 1799 giới quý tộc ở Anh quốc sử dụng tính chất này của NO2 cho mục đích giải trí - vui chơi (Recreation). Những người có tiền tập hợp lại với nhau để hít khí này để có cảm giác vui tươi và cười đùa (những cuộc họp mặt này được gọi là Laughing Gas Parties). Cơ chế tại sao N2O gây phấn chấn ở người thì chưa rõ nhưng mô hình ở chuột cống cho thấy NO2 làm tăng bài tiết Dopamine và hoạt hóa các neurone dopaminergic.

Như vậy gọi N2O là khí gây vô cảm (còn được gọi gây mê) hay khí cười đều đúng. Mặc dù được quảng cáo rằng chơi loại “bóng cười” này không gây bất kỳ một ảnh hưởng bất lợi nào, nhưng các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo nếu lạm dụng chất N2O rất dễ dẫn tới co giật, ngất, mất kiểm soát, trầm cảm. Ngay cả nếu sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Đặc biệt những người mắc bệnh hen suyễn và tim mạch và những bệnh liên quan đến đường hô hấp không được sử dụng và tiếp xúc với khí N2O sẽ nguy hiểm thậm chí dẫn đến ngừng thở. Vì khí này giống như ma túy và cocain dạng nhẹ, tạo sự phấn khích, gây ảo giác và đáng sợ hơn nó cũng gây nghiện như mọi loại ma túy khác.

Hà Nội cũng có “bóng cười”

Không chỉ rộ lên và trở thành trào lưu của giới trẻ TP.HCM mà tại Hà Nội, “bóng cười” cũng bắt đầu được phổ biến tại một số tụ điểm vui chơi của giới trẻ. Không quá khó để bắt gặp những “cơn cười như điên dại” của giới trẻ Hà thành khi ghé qua những quán bar từ hạng vừa đến mini nằm thu mình trên khu phố cổ. Điều đáng nói là nguồn cung “bóng” lại có sẵn tại đây. Xâm nhập vào một quán bar, những “người bán bóng” sẵn sàng đáp ứng như cầu của “dân” muốn “chơi”. Một số cũng ngồi 1 bàn uống bia, rượu, “chơi… bóng”, nếu khách có nhu cầu chỉ cần gọi phục vụ là ngay lập tức bóng được đáp ứng; số còn lại thì lượn lờ đến từng bàn để chào hàng bằng “chiêu” cầm trên tay một bình khí nén nhỏ, chiếc hộp nhỏ đựng quả bóng và một số ống sắt và “biểu diễn”… Người “chơi… bóng” muốn bao nhiêu cũng có, cứ hít hết chất khí trong quả bóng trong vòng vài phút lại mua tiếp những quả bóng khác cho “đủ đô” .

Thực tế việc mua - bán - hướng dẫn sử dụng “bóng cười” đang diễn ra công khai tại nhiều nơi tại Hà Nội. Tìm kiếm trên các diễn đàn mạng của giới trẻ Hà thành thì có hẳn cả những đoạn video hướng dẫn chơi “bóng cười” để ai cũng có thể làm theo. Chưa hết, lời quảng cáo còn nêu rõ: nếu cần đặt mua bất kỳ số lượng nào luôn có sẵn tại Hà Nội, Hải Phòng…; giao hàng tận nơi trên toàn quốc, giá 350.000 đồng/hộp 10 ống gas, 260.000 đồng một dụng cụ bơm… nhận được hàng trăm sự quan tâm của các bạn trẻ vào “like”. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra, “bóng cười” đang tràn vào Việt Nam - một vật dụng để chơi giống như ma túy nhẹ, tạo sự phấn khích, ảo giác; tác hại của “bóng cười” tạo nên tiếng cười “hóa chất” đã được các bác sĩ trên thế giới và trong nước cảnh báo rằng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng mà lại nghiễm nhiên được mua, được bán và được “chơi” công khai đến thế? 

Qua trao đổi với một cán bộ quản lý thị trường thì được biết các đơn vị nghiệp vụ đã biết Hà Nội đang rộ lên trào lưu thổi “bóng cười”, một thú tiêu khiển mới của một bộ phận giới trẻ Thủ đô. Tại một số quán bar, vũ trường, các tụ điểm vui chơi của giới trẻ cũng xuất hiện tình trạng chơi loại bóng này. Hiện cơ quan công an cũng đã được biết về loại “bóng cười” nhưng cái khó của các cơ quan chức năng là hiện nay khí này không nằm trong danh mục cấm mua - bán. Trước thực trạng, bóng cười có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và trước sự cảnh báo của các chuyên gia về tác hại của loại khí có tính chất kích thích này, các cơ quan chức năng cần xem xét, công bố về mức độ nguy hại đến sức khỏe con người, đồng thời  phải nhanh chóng đưa “khí gây cười” vào danh mục các chất cấm, chỉ được sử dụng khi có đơn của thầy thuốc. Mọi hành vi buôn bán kinh doanh không theo đơn đều bị cấm. Có như vậy mới dễ dàng trong khâu xử lý của các đơn vị chức năng, từ đó hạn chế tác hại của loại ma túy nhẹ này.